Bảo vệ người tố cáo

- Thứ Sáu, 24/07/2020, 07:56 - Chia sẻ
Không thực hiện việc điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công công việc khác đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ. Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của Thông tư Quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức vừa được Bộ Nội vụ ban hành.

Tố cáo là việc công dân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Nhiều vi phạm pháp luật, nhiều vụ án tham nhũng được giải quyết cũng từ thông tin tố cáo của công dân.

Thực tế cho thấy, đa số các trường hợp tố cáo, người bị tố cáo thường là những người có chức vụ, quyền hạn hay có thế lực trong xã hội, và người tố cáo ở vị trí yếu thế hơn. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới nguy cơ người tố cáo bị trả thù, trù dập.

Có lẽ chúng ta vẫn chưa quên câu chuyện của chị Nguyệt - người đã dũng cảm tố cáo vụ “nhân bản xét nghiệm” tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội. Đây là một việc làm khó khăn bởi những người chị tố cáo là đồng nghiệp, là lãnh đạo của chị. Nhưng lương tâm của người làm trong ngành y, không cho phép chị im lặng. Khi chị dũng cảm tố cáo hành vi vi pháp luật của các đối tượng, chị đã bị đe dọa, bị “tố cáo ngược”. Nhưng pháp luật rất công bằng, những kẻ vi phạm đã phải chịu mức án nghiêm khắc. Hay mới đây, ông Vũ Văn Pho, 31 tuổi, cán bộ tư pháp - hộ tịch phường Lê Hồng Phong, TP Thái Bình bị nhóm đôn đồ hành hung khi đang trên đường đón 2 con nhỏ. Điều đáng nói là, kẻ chủ mưu trong vụ hành hung này là vợ của người mà ông Pho tố cáo. Đối tượng cho rằng, việc tố cáo của ông Pho gây cản trở đường công danh sự nghiệp của chồng mình nên đã thuê người đánh dằn mặt người tố cáo. Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp đứng lên tố cáo những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm. Và không ai khác, những người dũng cảm tố cáo lại bị trả thù, trù dập.

Thực tế này cũng đã từng được Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Phương thẳng thắn nhận định trên diễn đàn Quốc hội. Ông Phương cho rằng: “Trù dập tố cáo là chuyện có thật. Trả thù người tố cáo diễn ra tinh vi đến tầm văn minh. Người bị trả thù vẫn phải tươi cười nhưng trong lòng đầy đắng chát".

Không khó để thấy được cách trả thù đến “tầm văn minh” như cách ông Phương nói. Có những người sau khi đứng lên tố cáo đã bị làm khó bởi những quyết định thuyên chuyển công tác, vị trí việc làm đến nơi khó khăn hơn để “tự bơi”. Nói ví von hình ảnh như ĐB Bùi Văn Phương, người bị tố cáo tìm cách “tạo sóng” để “nhấn chìm” người tố cáo.

Mặc dù, pháp luật quy định bảo vệ thông tin về người tố cáo nhưng tiếc rằng, thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng lộ, lọt thông tin về người tố cáo, và hậu quả chính bản thân người tố cáo phải gánh chịu rủi ro. Rủi ro về công danh, sự nghiệp, bị trả thù tấn công gây thương tích. Có người tố cáo đã từng chia sẻ: Lúc tố cáo tham nhũng của cấp trên, họ từng bị “ngồi chơi xơi nước” trong một thời gian. Họ cũng từng bị nhiều người khác chỉ trích kiện tụng để phá hoại đoàn kết nội bộ cơ quan. Cũng có người tỏ ra thất vọng, chán nản khi cho rằng “mình quá đơn độc”, có bằng chứng tố cáo nhưng ở cơ sở thì im lặng, cấp cao hơn lại để lộ lọt thông tin. Thậm chí, ngay cả khi bị đe dọa thì không nhận được sự bảo vệ…

Để ngăn chặn tình trạng “trả thù đến mức tinh vi”, Bộ Nội vụ đã quy định rõ 3 biện pháp bảo vệ người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 57 Luật Tố cáo. Không thực hiện việc điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công công việc khác đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ. Không xử lý kỷ luật người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ, trừ trường hợp người đó có hành vi vi phạm không liên quan đến lĩnh vực tố cáo.

Với cơ chế bảo vệ này, cán bộ, công chức, viên chức không còn lo lắng bị trả thù, trù dập bởi những quyết định điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm một cách khó hiểu chỉ vì mục đích “tạo sóng, nhấn chìm” người tố cáo.

Hà An