Bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS còn hạn chế

- Thứ Hai, 03/12/2012, 09:32 - Chia sẻ
Đại dịch HIV/AIDS đã và đang không chỉ tác động đến quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, của mỗi gia đình nói chung mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống và sự phát triển của mỗi con người, đặc biệt sự phát triển toàn diện của trẻ em. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề do HIV/AIDS gây ra. Chính vì vậy, việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được Nhà nước đặc biệt quan tâm, tuy nhiên trên thực tế, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế.

Chú trọng công tác giáo dục phòng, chống HIV/AIDS trong nhà trường

Sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 84/2009/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, Bộ GD - ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ LĐ, TB và XH thực hiện các nhiệm vụ, hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ mắc bệnh, nâng cao sức khỏe cho học sinh, sinh viên nhằm bảo đảm cho các em được phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cũng như bảo đảm quyền được học tập cho các em.

Luôn chú trọng công tác giáo dục phòng, chống HIV/AIDS, Ngành giáo dục coi đây là nội dung quan trọng trong nhà trường để chăm sóc, bảo vệ và giáo dục sức khỏe, phòng lây nhiễm HIV cho trẻ em, học sinh, sinh viên, cũng như đội ngũ nhà giáo, nhân viên và cán bộ quản lý các cấp trong toàn ngành. Thông qua 36 Sở GD - ĐT và 51 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong cả nước đã tổ chức hơn 11.000 hội thảo, tập huấn về phòng, chống HIV/AIDS với hơn 60.000 lượt học sinh, giáo viên tham dự. Qua đó, đội ngũ cán bộ quản lý các cấp đã coi trọng công tác giáo dục phòng, chống HIV/AIDS trong nhà trường và có kế hoạch triển khai các hoạt động phù hợp với các đối tượng trong từng năm học. Chương trình đào tạo giáo viên giảng dạy các môn học đã lồng ghép nội dung HIV/AIDS tại các trường sư phạm được quan tâm đặc biệt. Nêu một số bài học kinh nghiệm cho công tác này, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD - ĐT Ngũ Duy Anh cho rằng, trước hết xây dựng kế hoạch hoạt động về phòng, chống HIV/AIDS cụ thể và giải pháp thực hiện rõ ràng, phù hợp. Trong đó coi trọng công tác giám sát, đánh giá và rút kinh nghiệm, ngoài ra tăng cường sự tham gia của học sinh, sinh viên, thầy cô giáo và cha mẹ học sinh, nhất là sự tham gia trực tiếp của người có HIV/AIDS và trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong quá trình triển khai hoạt động. Đến nay, đã có hơn 293 trẻ bị nhiễm HIV và 32 giáo viên trên cả nước được tiếp tục học tập, giảng dạy và làm việc tại các cơ sở giáo dục mà không xảy ra tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử trong trường học. Trong đó riêng tỉnh Cao Bằng có ít nhất 26 giáo viên và 100 học sinh, tỉnh Kiên Giang có 177 học sinh được phát hiện nhiễm HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS…

Bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS còn hạn chế…

Sức khỏe là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng học tập, sáng tạo, sự phát triển, cũng như tương lai cuộc sống của học sinh, sinh viên. Công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe học sinh, sinh viên là nhiệm vụ quan trọng góp phần bảo đảm cho sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh, sinh viên và cũng là đóng góp vào sự phát triển chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, hiện nay nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và cộng đồng về công tác phòng, chống HIV/AIDS, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS còn nhiều hạn chế. Đội ngũ cán bộ y tế trường học, làm công tác phòng, chống HIV/AIDS còn rất thiếu, bất cập về chất lượng và chế độ đãi ngộ, chỉ có 55,2% số trường có cán bộ y tế trường học, trong đó hơn 90% cán bộ kiêm nhiệm; tình trạng cán bộ y tế không có chuyên môn ở các trường tiểu học là 71,2%, tại bậc THCS 51,1%, THPT 51,4%... Nêu những khó khăn trong việc triển khai Quyết định 84, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Trần Quang Quý cho biết, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS còn hạn chế, tại một số cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ bị nhiễm HIV tại các địa phương chưa thật sự chặt chẽ; đội ngũ cán bộ y tế trường học, làm công tác phòng, chống HIV/AIDS còn rất thiếu, bất cập về chất lượng và chế độ đãi ngộ… Đặc biệt cho đến nay chưa có cuộc khảo sát quy mô trong trường học về HIV/AIDS nói chung, về phân biệt đối xử và giảm kỳ thị nói riêng. Vì vậy, hiện nay chưa có số liệu về số lượng trẻ em, học sinh trong trường học bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Tuy nhiên, một yếu tố hết sức quan trọng đó là kinh phí đầu tư cho công tác này còn rất hạn chế. Mỗi năm, Bộ GD - ĐT chỉ được cấp từ 300 - 400 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu Quốc gia cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Còn đối với cấp sở, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp thì nguồn kinh phí này còn ít hơn rất nhiều, không ít đơn vị không được cấp kinh phí.

Trong giai đoạn 2012 – 2015, có rất nhiều các giải pháp tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS trong trường học. Tuy nhiên đặc biệt cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của các cấp chính quyền đối với công tác dự phòng, chăm sóc, tư vấn cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, thực hiện hiệu quả Quyết định số 84; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, người nhiễm HIV và gia đình của người nhiễm HIV tham gia hoạt động dự phòng, chăm sóc, tư vấn cho trẻ em có nguy cơ cao nhiễm HIV; đưa nội dung phòng, chống HIV/AIDS trong đó có giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em bị nhiễm, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS là một trong các tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm về công tác y tế trường học đối với các cơ sở giáo dục… Song song với đó, Nhà nước cần tăng nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS cho ngành giáo dục, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương, lồng ghép trong các chương trình phòng, chống các bệnh xã hội, phòng, chống ma túy, mại dâm…

Vi Hoa