Du lịch xanh

Bảo tồn tự nhiên bền vững

- Thứ Bảy, 30/03/2019, 09:43 - Chia sẻ
Bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, văn hóa ngay trong cộng đồng là mục tiêu mà du lịch xanh hướng đến. Các sản phẩm loại hình du lịch này được các địa phương, công ty lữ hành, doanh nghiệp đưa ra bằng những sáng kiến để đồng thời đem lại sinh kế cho người dân, tạo động lực bảo tồn tự nhiên bền vững. Đây cũng là chủ đề chính xuyên suốt Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2019, diễn ra từ 27 - 30.3.
 “Du lịch xanh nếu không gắn với giữ được các mảng xanh của rừng, môi trường biển trong lành, dòng nước sạch, bầu không khí không ô nhiễm thì việc bảo tồn di tích, di sản, cảnh quan thiên nhiên sẽ khó có được nguồn lực phát triển. Du lịch xanh cũng khuyến khích những người tham gia, từ doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn… nhận thức được ý nghĩa phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, gắn kết giá trị của từng cộng đồng địa phương để phát triển du lịch bền vững”.

Phó Giám đốc TransViet Nguyễn Tiến Đạt
Gìn giữ di sản

Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn vào phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Những năm qua, ở các địa phương có hoạt động du lịch, loại hình du lịch xanh ngoài nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân còn góp phần bảo tồn tự nhiên, các di tích, danh lam và cảnh quan tự nhiên độc đáo, hấp dẫn.

Tại Thủ đô Hà Nội, mô hình du lịch cộng đồng xuất hiện sớm ở làng cổ Ðường Lâm (Sơn Tây) với hệ thống di tích, di sản, nhà cổ cùng nền văn hóa truyền thống của cư dân vùng đồng bằng sông Hồng. Hoạt động này cũng đồng thời đem lại sinh kế cho người dân, tạo động lực cho các gia đình gìn giữ những nếp nhà cổ.

Công ty du lịch Ecosea Travel Vietnam đưa ra mô hình Ecohost với sự hợp tác cùng chính quyền và người dân tại xóm Thị Tứ (Giao Xuân, Giao Thủy, Nam Định). Các hộ gia đình tham gia mô hình Ecohost thực hiện các tiêu chuẩn như: Giữ kết cấu nhà cổ, sử dụng nội thất là trang thiết bị được sản xuất trước năm 1990; sử dụng chất liệu tự nhiên (mây, tre đan, chiếu cói); có khuôn viên, sân vườn thoáng, rộng, để khách hàng cảm nhận không gian thư thái và trải nghiệm không khí gia đình; tái hiện cuộc sống người Việt xưa nhưng sử dụng tiện nghi hiện đại. Bà Bùi Thị Nhàn, Giám đốc Ecosea Travel Vietnam, CEO của Ecohost cho biết: Sau các hộ dân ở Giao Thủy (Nam Định), các địa phương khác như làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), Bắc Ninh, Ninh Bình… cũng là “điểm dừng chân” của Ecohost. Trong tương lai, mô hình này còn được kỳ vọng sẽ áp dụng tại Lào, Campuchia, Myanmar…

Hiện nay, khách du lịch có nhu cầu sử dụng các sản phẩm xanh với phương châm bảo tồn tự nhiên và văn hóa cộng đồng. Phó Giám đốc TransViet Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ, chúng tôi đã xây dựng hàng trăm đầu tour, hàng nghìn tour trong đó với những tour khám phá vẻ đẹp di sản được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn và tinh thần bảo tồn để phát triển bền vững. Những sản phẩm như khám phá vẻ đẹp cố đô, tham quan vùng đất di sản thế giới hay con đường di sản miền Trung… giúp người dân nhận thức việc kết hợp phát triển du lịch dựa trên vốn di sản của đất nước, từ đó nhìn nhận bảo vệ những nguồn lợi lâu dài trong kho tàng văn hóa cộng đồng.

Bảo vệ cảnh quan, môi trường

Chủ tịch Chi hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam (VCTC) Phạm Hải Quỳnh cho biết, đã xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại đảo Quan Lạn (Quảng Ninh). “Đến Quan Lạn, ngoài tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, điểm dịch vụ đi kèm, du khách có thể tham gia các chương trình “Một ngày làm ngư dân”, “Một ngày làm nông dân” với nhiều hoạt động trải nghiệm phong phú như: Đánh cá, câu mực, cào ngao, cạo hến, bắt cua, cạo gion, đào sá sùng hay hái sim rừng… Chính thành công từ những tour khởi đầu, lượng khách đến với Quan Lạn và trải nghiệm du lịch cộng đồng ngày càng tăng, thúc đẩy du lịch cộng đồng ngày càng phát triển bền vững”. Mô hình du lịch cộng đồng tại đảo Quan Lạn đến nay đã phát triển được hơn 10 năm. Các sản phẩm du lịch cộng đồng trên đảo ngày một hoàn thiện, đa dạng, phong phú hơn, mang lại nhiều lựa chọn cho du khách. Đặc biệt, sự đồng hành của các tổ chức du lịch trong lựa chọn, bổ sung sản phẩm về giá trị văn hóa, giá trị lịch sử đã tạo nên sản phẩm hoàn thiện hơn. “Chúng tôi đang tiếp tục hành trình khảo sát các tuyến, điểm du lịch, nhận nhiệm vụ tư vấn và xây dựng các khu du lịch xanh tại nhiều địa phương trong toàn quốc”, Phạm Hải Quỳnh nói.


Du lịch xanh đang ngày càng phát triển, góp phần bảo vệ môi trường bền vững           Nguồn: ITN

Theo Tổng Giám đốc HanoiRedtours Nguyễn Công Hoan, du lịch xanh, với thế giới không mới và đang ngày càng phát triển. Trong quá trình hoạt động, HanoiRedtours luôn quan tâm và có những sáng kiến phát triển bền vững, bảo vệ thiên nhiên, môi trường từ thiết kế không gian làm việc, đến các gói sản phẩm. “HanoiRedtours đang tập trung giới thiệu các gói sản phẩm xanh và nhiều sản phẩm, tour du lịch hướng đến thiên nhiên như: khám phá dòng sông, săn mây, khu bảo tồn thiên nhiên… nhằm tạo cơ hội cho du khách hiểu và yêu thiên nhiên hơn, tiến tới có trách nhiệm hơn trong bảo vệ môi trường”.

Nhiều đơn vị du lịch cũng đã và đang xây dựng, thực hiện các hoạt động trải nghiệm du lịch cộng đồng tại Bến Tre, sinh thái miệt vườn Cần Thơ, du lịch cộng đồng tại làng quê Yên Đức (Đông Triều, Quảng Ninh) hay du lịch sinh thái cộng đồng tại Tà Làng (Quảng Nam)... theo mô hình du lịch xanh. Cụ thể, với du lịch cộng đồng Bến Tre, khách được trải nghiệm đi đò đến các khu du lịch, xem quá trình chế biến kẹo dừa, các sản phẩm từ dừa, tham gia một công đoạn của quá trình sản xuất và được thưởng thức những sản phẩm vừa hoàn thành; trải nghiệm đời sống của bà con đồng bằng sông Cửu Long, thưởng thức các món ẩm thực dân dã và nghe đờn ca tài tử… Những trải nghiệm như thế chẳng những mang lại cho khách du lịch ấn tượng khó phai, mà còn góp phần lớn bảo vệ môi trường, cảnh quan bền vững.

Hồng Hà