Tản mạn

Bảo tàng Hà Nội

- Thứ Năm, 21/05/2020, 08:46 - Chia sẻ
Các bảo tàng đâu chỉ có mỗi nhiệm vụ là trưng bày, chúng phải là nơi tổ chức sự kiện, hoạt động để lôi kéo sự quan tâm của mọi người. Các hoạt động ấy phản ánh tính chất văn hóa trong công trình văn hóa…

Sau 10 năm khánh thành, Bảo tàng Hà Nội vẫn chưa thể mở cửa cho khách vào xem và đã phải đổi ban lãnh đạo vài lần. Và cách đây mấy ngày là thay cơ quan chủ quản.

Tôi vẫn nhớ hồi 2009 - 2010, lúc còn là sinh viên trường Kiến trúc, lần nào đi qua đó, tôi cũng phải ngó nghiêng quan sát, vì ở thời điểm ấy thì có lẽ đây là cấu trúc cấp tiến nhất được xây dựng ở Hà Nội. Những cấu trúc như vậy thú thực là sinh viên chúng tôi chỉ mới được thấy trên sách vở chứ chẳng mấy khi được "mục sở thị" ở ngoài đời.

Mỗi khi đến trường, lại mang chuyện cái nhà đó ra để kể, tuần này thấy nó khác hơn một chút, rõ hình rồi, chắc sắp dựng mặt tiền rồi... Đến năm 2010, nhân dịp thực tập làm workshop cho GMP (Văn phòng kiến trúc của Đức thiết kế tòa nhà này), bọn tôi mới được vào xem bên trong. Thời điểm ấy, công trình đang gấp rút hoàn thiện để bàn giao cho thành phố nhân đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đi xem công trường có cái thú vị là ta được thấy các vấn đề mà khi công trình xong rồi ta sẽ không bao giờ thấy. Thú thực là thời đó, những công trình tương đương, thậm chí đẹp hơn thì chúng tôi cũng biết, nhưng được xem tận mắt thì vẫn là hơn.

Cùng năm đó, diễn ra EXPO Bắc Kinh, năm 2010 đánh dấu giai đoạn bùng nổ các văn phòng cấp tiến mới. Sinh viên theo dõi từng ngày xem tòa nhà triển lãm Anh quốc như thế nào, triển lãm của Hà Lan ra sao, tòa nhà Đan Mạch thú vị như thế nào... Phấn khởi lắm nhưng cũng tiếc, vì chỉ được xem trên mạng.

Sau này, nhờ làm việc cho Tây nên tôi cũng có dịp được đi xem công trường nhiều hơn, từ văn phòng kiến trúc bé bé cho đến cả văn phòng ngôi sao... Công trình công cộng của Tây đi vào hoạt động và hòa nhập xã hội rất nhanh vì hai lý do: Thứ nhất là công tác vận hành đã có nền tảng tốt, thường là trước khi xây một nhà bảo tàng hay rạp hát thì người ta đã mô hình hóa sự vận hành và chuẩn bị mọi thứ cho nó. Thứ hai là bản thân xã hội cũng đón nhận nó nồng nhiệt. Các nhà bảo tàng đâu chỉ có mỗi nhiệm vụ là trưng bày, chúng phải là nơi tổ chức sự kiện, hoạt động để lôi kéo sự quan tâm của mọi người. Các hoạt động ấy phản ánh tính chất văn hóa trong công trình văn hóa. Một thư viện đặt trong nhà bảo tàng cũng có thể rất hút khách là vì vậy. Nếu không có văn hóa thì rất khó để vận hành văn hóa.

Xã hội thế nào thì bảo tàng thế đó. 5 năm trở lại đây, nhiều thiết kế ở Việt Nam từ dân dụng cho đến công cộng hầu hết mang dáng dấp của những không gian giải khát hay quán cà phê. Nó là một biểu hiện rất đáng chú ý, bởi vì ngoài quán xá và văn hóa tiêu dùng ra thì các trải nghiệm văn hóa khác của người dân là thiếu cân xứng.

10 năm đã trôi qua sau cái lần chúng tôi được vào "mục sở thị" Bảo tàng Hà Nội. Nhiều điều xảy ra trong 10 năm qua nhưng Bảo tàng Hà Nội thì vẫn thế, vẫn chưa mở cửa đón khách được.

Quản lý, vận hành công trình văn hóa luôn là một vấn đề lớn bởi vì sách vở không bao giờ hơn được thực tiễn. Ở ta, rất nhiều công trình như vậy, xây mãi không xong, hoặc xây xong rồi đắp chiếu để đấy...

KTS Lê Quang (từ Berlin)