Hạn mức giao dịch qua ví điện tử

Bao nhiêu là phù hợp?

- Thứ Bảy, 11/05/2019, 08:22 - Chia sẻ
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2014-NHNN về dịch vụ trung gian thanh toán (dự thảo) có một số quy định mới liên quan đến ví điện tử. Tại hội thảo góp ý vào dự thảo này, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 10.5, nhiều ý kiến đề xuất tăng hạn mức giao dịch qua ví điện tử, từ 100 triệu đồng/tháng như dự thảo lên 150 - 200 triệu đồng/tháng.

Cần thiết có hành lang pháp lý

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39 về dịch vụ trung gian thanh toán có nhiều quy định cụ thể để quản lý hoạt động trung gian thanh toán, trong đó có ví điện tử.

Liên quan đến ví điện tử, dự thảo khống chế tổng hạn mức giao dịch, cụ thể tối đa 20 triệu đồng/ngày, 100 triệu đồng/tháng với ví cá nhân; 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng đối với tổ chức. Việc nạp tiền vào ví điện tử phải thông qua thẻ ngân hàng, tài khoản thanh toán hay nhận tiền từ ví điện tử khác. Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải áp dụng các biện pháp phù hợp để xác thực các giao dịch; phải hoàn thành liên kết ví điện tử với tài khoản ngân hàng mới được kích hoạt sử dụng. Đơn vị cung ứng dịch vụ không được cấp tín dụng hay trả lãi trên số dư ví điện tử. Các tổ chức cung ứng dịch vụ phải có công cụ để Ngân hàng Nhà nước giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ...

Tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho biết Việt Nam hiện có 29 trung gian thanh toán không phải là các ngân hàng thương mại. Thanh toán điện tử của Việt Nam rất tiềm năng vì dân số trẻ, 55% người dùng điện thoại thông minh, thương mại điện tử dự báo tăng trưởng từ 20 - 22%/năm trong 3 năm tới. Trong bối cảnh này, cùng với xu hướng các loại ví điện tử đua nhau nở rộ tại Việt Nam nhưng khuôn khổ pháp luật quản lý hoạt động của ví điện tử vẫn còn thiếu thì việc xây dựng dự thảo là cần thiết. “Tuy nhiên, cần rà soát, xem xét một số điểm trong dự thảo”, ông Lực nói.

Cụ thể, Điều 9 dự thảo yêu cầu hồ sơ mở ví điện tử phải có căn cước công dân hoặc chứng minh thư, hộ chiếu còn thời hạn. Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, đối với trường hợp đã có tài khoản tại ngân hàng thì nên xem xét miễn trừ. Điều 8 dự thảo quy định “ngân hàng hợp tác là đơn vị chịu trách nhiệm cuối cùng với việc bảo đảm khả năng thanh toán cho các đơn vị chấp nhận thanh toán” theo ông là chưa hợp lý. Bởi ngân hàng không thể có công cụ kiểm soát, giám sát để kiểm tra đối ứng với tài khoản bảo đảm thanh toán đối với khoản tiền đơn vị cung ứng dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ thực tế đã thu hộ, chi hộ cho khách hàng (nên là các trung gian thanh toán).

Luật sư Phùng Anh Tuấn, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính băn khoăn về việc dự thảo quy định: Mỗi người dùng chỉ được mở một ví điện tử tại một tổ chức cung ứng dịch vụ.  “Vậy trong trường hợp người dùng có nhiều tài khoản ngân hàng muốn kết nối ví điện tử sẽ xử lý thế nào. Trường hợp người dùng đã mở nhiều ví điện tử kết nối với nhiều tài khoản khác nhau thì phương án xử lý là gì ?”. Theo ông Tuấn, không hạn chế số lượng ví để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và phát triển thị trường.

Nâng hạn mức giao dịch để chuẩn bị cho tương lai?

Sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo, xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau về quy định hạn mức giao dịch của ví điện tử. Theo thuyết minh của Ngân hàng Nhà nước, quy định về hạn mức giao dịch đối với ví điện tử nhằm giảm thiểu rủi ro về lợi dụng ví điện tử để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp, đồng thời phù hợp với mục đích sử dụng dịch vụ ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán Phạm Tiến Dũng cho biết, việc đưa ra hạn mức thanh toán của ví điện tử dựa trên hoạt động thực tiễn của các ví điện tử trong thời gian qua. “Kỳ vọng vào ví điện tử thì rất lớn, nhưng thực tế ví điện tử đóng góp chưa được bao nhiêu. Cụ thể các chỉ số giao dịch qua ví điện tử còn rất thấp. Số dư bình quân trên ví chỉ trên dưới 100.000 đồng. Doanh nghiệp hoạt động ví lớn nhất cả năm có khoảng 60 triệu giao dịch, giá trị giao dịch bình quân lớn nhất 5 triệu đồng. Cá biệt có công ty rất lớn nhưng mức giao dịch bình quân của ví rất thấp chỉ xoay quanh 200.000 đồng, thực tế trong 5 năm qua thì giao dịch ví chiếm tỷ trọng rất nhỏ”. Vì thế, “mọi người không nên lo lắng quá”, ông nói.

TS. Cấn Văn Lực không có ý kiến về giới hạn giao dịch 20 triệu đồng/ngày nhưng với hạn mức 100 triệu đồng/tháng theo ông cần phải cân nhắc. Lý do là mức chi tiêu tiêu dùng trong mấy năm qua tăng khá nhanh, nếu trong 1 tháng chi tiêu 6 - 7 lần, mỗi lần 20 triệu đồng sẽ bị chặn như vậy là kìm hãm thanh toán điện tử. “Nên cân nhắc nâng hạn mức lên 150 - 200 triệu đồng/tháng”, ông đề xuất.

Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Giám đốc MoMo cũng đề xuất tăng hạn mức lên 200 triệu đồng để “chuẩn bị cho tương lai”, vì thị trường thanh toán điện tử đang tăng trưởng rất nhanh. Hàng ngày đã có những giao dịch tới 20 triệu đồng và năm 2018 số lượng giao dịch qua ví tăng khá mạnh, trong một vài năm tới thì chưa biết sẽ tăng trưởng thế nào. Đại diện MoMo cũng đề nghị không nên áp dụng hạn mức giao dịch với ví điện tử của doanh nghiệp. Ông cho hay, hiện Momo làm nhiều dịch vụ chi trả với các đối tác là ngân hàng và doanh nghiệp. Có những đơn vị mỗi tháng họ chi hàng chục nghìn giao dịch cho nhân viên và các đại lý. Nhiều công ty lớn thanh toán qua ví điện tử cho đại lý hay nhân viên thì sẽ vượt hạn mức giao dịch 500 triệu đồng mỗi tháng.

Hà Lan