Bạn đọc viết

Bao giờ chuyên nghiệp hóa?

- Thứ Sáu, 25/10/2019, 07:38 - Chia sẻ
Chuẩn hóa các chức danh chuyên môn (soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, kiểm tra văn bản) đối với các cơ quan ở trung ương và địa phương là một đề xuất đáng lưu ý trong rất nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành thời gian qua.

Soạn thảo văn bản pháp luật là hoạt động khoa học, đồng thời là một nghề đòi hỏi trình độ chuyên môn rất cao. Tuy nhiên, hiện nay đa số cơ quan tổ chức soạn thảo các dự thảo văn bản pháp luật chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Rất ít chuyên gia được đào tạo một cách bài bản về lĩnh vực này. Theo kết quả khảo sát của Bộ Tư pháp, có tới 63% người trả lời đánh giá kỹ năng soạn thảo ở mức trung bình so với 12% số người người trả lời có kỹ năng soạn thảo tốt; một số đơn vị, cán bộ hầu như chưa được tham gia bất cứ khóa tập huấn nào. Kiến thức có được hầu hết thông qua kinh nghiệm làm việc thực tế và tự học. Có tới 83% cán bộ thẩm định và 77% cán bộ thẩm tra cho rằng kỹ năng chuyên môn còn hạn chế và cần chuẩn hóa các chức danh này để bảo đảm tính chuyên nghiệp. Ở địa phương có 79% người trả lời nguồn nhân lực làm công tác soạn thảo, thẩm định và thẩm tra hiện nay còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng và cần chuyên nghiệp hóa cho cả khâu soạn thảo, thẩm định và thẩm tra.

Rất nhiều nguyên nhân được đề cập, song nguyên nhân cốt lõi là hiện nay đa phần việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật do cán bộ chuyên môn đảm nhiệm; họ chưa được đào tạo về luật một cách bài bản nên còn ít nhiều hạn chế về kỹ thuật lập pháp. Ngoài ra, việc luân chuyển, điều động cán bộ pháp chế sang công việc khác, chủ yếu là làm công tác quản lý, khiến cho lĩnh vực xây dựng văn bản, tham gia xây dựng văn bản ngày càng khan hiếm nhân lực có kinh nghiệm. Trong bối cảnh đó, cơ chế đãi ngộ thấp nên không giữ chân được những người có năng lực. Điều này vô hình trung làm vô hiệu hóa những nỗ lực của các cơ quan được giao trách nhiệm bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác pháp chế, tham gia xây dựng văn bản. Bởi hàng năm công việc bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn nâng cao năng lực được ngành tư pháp chú trọng, coi đây là giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm nâng cao chất lượng văn bản.

Mô hình của nhiều quốc gia cho thấy, việc xây dựng chính sách thường xuất phát từ các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực; còn việc quy phạm hóa chính sách thường được giao cho một cơ quan thuộc Chính phủ hoặc một bộ (Bộ Tư pháp) hoặc các chuyên gia, luật sư soạn thảo văn bản. Điều này sẽ góp phần chuyên nghiệp hóa trong soạn thảo văn bản, giảm thiểu sai sót trong kỹ thuật lập pháp và chuyển tải chính sách thành ngôn ngữ pháp lý.

Liên quan đến vấn đề này, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cơ chế hỗ trợ ĐBQH trình dự án luật. Cụ thể, VPQH, Đoàn ĐBQH, Viện Nghiên cứu lập pháp có trách nhiệm hỗ trợ ĐBQH lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh trình dự án luật, pháp lệnh. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chưa được như mong đợi.

Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu để quy định cụ thể trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong việc hỗ trợ ĐBQH lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, vì các cơ quan của QH đều có bộ máy giúp việc có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết về từng lĩnh vực, nên có thể hỗ trợ cho các ĐBQH hiệu quả hơn. Cùng với hoạt động này, cần chuẩn hóa các chức danh chuyên môn (soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, kiểm tra văn bản) đối với các cơ quan ở Trung ương và địa phương; đồng thời có cơ chế đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ làm việc tại các đơn vị chuyên môn, sở, ngành làm công tác xây dựng chính sách.

Đình Khoa