Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với hoạt động của HĐND các cấp

Bảo đảm tính kế thừa, phát triển trong đội ngũ cán bộ

- Thứ Năm, 04/04/2019, 08:08 - Chia sẻ
Tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của HĐND, bên cạnh tiếp tục nâng cao nhận thức và hiểu biết đầy đủ về HĐND, đổi mới phương thức lãnh đạo, các cấp ủy Đảng cần mạnh dạn bố trí cán bộ. Một mặt, tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hiện có; mặt khác điều động, luân chuyển những cán bộ có trình độ, năng lực, am hiểu về pháp luật, hành chính, về hoạt động của HĐND sang công tác cơ quan HĐND, nhằm bảo đảm tính liên tục, tính kế thừa và phát triển trong đội ngũ cán bộ của HĐND.

Yếu tố có tính quyết định

HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Như chúng ta đã biết, HĐND có các chức năng chủ yếu là quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương và giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND, giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và của công dân ở địa phương.


Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Kiên Giang Khóa IX 

Thực tiễn hoạt động của HĐND các cấp ở tỉnh Kiên Giang, qua mỗi nhiệm kỳ đều nâng lên về số lượng, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, nhất là tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách. Nếu HĐND tỉnh Khóa V chỉ có 1 đại biểu hoạt động chuyên trách, đến nay (Khóa IX) có 11 đại biểu hoạt động chuyên trách. Từ đó, chất lượng và hiệu quả hoạt động không ngừng được nâng lên, thể hiện ngày càng rõ là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Đạt được những kết quả trên do Thường trực, các Ban của HĐND, các đại biểu HĐND không ngừng phấn đấu vươn lên trong hoạt động. Đặc biệt, một yếu tố có tính quyết định là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với HĐND (thể hiện rõ nhất là công tác bố trí và sử dụng cán bộ; lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng các hoạt động của HĐND...).

Tuy nhiên, sự lãnh đạo của Đảng đối với HĐND ở một vài địa phương trong tỉnh, nhất là cấp xã có nơi còn xem nhẹ vai trò hoạt động của HĐND (một số xã bố trí Phó Chủ tịch HĐND chỉ là cấp ủy viên, trình độ, năng lực còn hạn chế). Hệ quả của sự bố trí này là hoạt động của HĐND còn mờ nhạt, nặng tính hình thức, không thể hiện được vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Mạnh dạn bố trí cán bộ

Tại hội nghị toàn quốc về tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND năm 2015, trong báo cáo, có đoạn: “Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với HĐND là yếu tố hết sức quan trọng. Thực tiễn cho thấy ở nơi đâu cấp ủy Đảng có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của HĐND, có sự quan tâm và có phương thức lãnh đạo phù hợp thì ở đó HĐND hoạt động có hiệu quả”. Vậy vấn đề đặt ra là tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với HĐND như thế nào? Theo suy nghĩ của bản thân, tôi xin nêu lên một số vấn đề sau:

Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, nhất là cấp cơ sở cần nâng cao nhận thức và hiểu biết đầy đủ về HĐND, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND: HĐND là cơ quan chính quyền địa phương, được giao nhiệm vụ giám sát việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương theo nghị quyết của HĐND đã đề ra. Đồng thời, cũng cần xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, mối quan hệ phối hợp công tác giữa HĐND với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội. Từ đó, tạo ra sự kết hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Nếu nhận thức của các cấp ủy Đảng được nâng lên, thì những khó khăn về các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của HĐND như: Cán bộ, kinh phí hoạt động, chế độ, chính sách, trụ sở làm việc... sẽ giải quyết được.

Thứ hai, cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo đối với HĐND. Chúng ta đều biết Đảng ta là Đảng cầm quyền, Đảng vừa ở trong hệ thống chính trị lại vừa lãnh đạo hệ thống chính trị, lãnh đạo nhà nước và toàn xã hội bằng cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng thông qua Đảng đoàn HĐND; thông qua tổ chức, bộ máy và cán bộ, đảng viên nằm trong các tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; thông qua các hoạt động giám sát của HĐND nhằm bảo đảm thực hiện đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, Đảng cần tạo cơ chế, điều kiện để phát huy cao vai trò, tính chủ động, sáng tạo của các tổ chức này trong thực hiện mục tiêu đổi mới, Đảng không bao biện, không làm thay nhiệm vụ của các tổ chức này.

Thứ ba, các cấp ủy Đảng cần mạnh dạn bố trí cán bộ. Một mặt, tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hiện có; mặt khác điều động, luân chuyển những cán bộ có trình độ, năng lực, am hiểu về pháp luật, hành chính, về hoạt động của HĐND sang công tác cơ quan HĐND, nhằm bảo đảm tính liên tục, tính kế thừa và phát triển trong đội ngũ cán bộ của HĐND.

Trần Quốc Việt - Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Kiên Giang