Sổ tay

Bảo đảm tính chủ động, kịp thời cho cơ sở

- Thứ Bảy, 13/04/2019, 08:44 - Chia sẻ
Trước thực tế vi phạm trật tự xây dựng đô thị ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, TP Hà Nội đã triển khai Quyết định số 3406/2018/QĐ-UBND về thí điểm thành lập đội quản lý trật tự xây dựng trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã. Quyết định này được xem như biện pháp hữu hiệu để đưa công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị vào nền nếp.

Báo cáo sơ kết 6 tháng triển khai thực hiện Quyết định số 3406/2018/QĐ - UBND cho thấy, Quyết định 3406 đã góp phần giúp UBND cấp huyện, cấp xã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm trật tự xây dựng phát sinh trên địa bàn. Số công trình vi phạm trật tự xây dựng đã giảm mạnh theo hàng năm. Cụ thể, nếu như năm 2017, khi chưa thực hiện Quyết định 3406, số lượng các công trình vi phạm trật tự xây dựng chiếm 10,99% thì sang năm 2018 đã giảm xuống còn 5,2% và tổng kết trong quý I.2019 còn khoảng 4,9%. Các đội trật tự xây dựng đô thị sau khi được sắp xếp lại đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác kiểm tra, rà soát, phát hiện và xử lý vi phạm. Cụ thể, trong những tháng đầu năm 2019, các đội trật tự xây dựng đô thị đã tiến hành kiểm tra trên 1.300 công trình, lập hồ sơ xử lý đối với 65 trường hợp vi phạm, trong đó, đa số các trường hợp vi phạm đều là nhà ở riêng lẻ...

Theo đánh giá của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, việc chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng tại các quận, huyện, thị xã có nhiều thuận lợi hơn; các vi phạm trật tự xây dựng được chỉ đạo xử lý kịp thời; khẳng định được vai trò chủ lực của lực lượng này trong việc góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, lập lại trật tự kỷ cương hành chính trên nhiều lĩnh vực của đô thị: trật tự lòng đường, vệ sinh môi trường, hạ tầng kỹ thuật, nếp sống văn minh đô thị...

Tuy vậy, tình tình vi phạm trật tự xây dựng ở một số địa bàn như Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai... vẫn diễn biến phức tạp. Cụ thể, tình trạng nhiều công trình xây dựng sau khi lập biên bản xử phạt vẫn cố tình vi phạm, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Tính đến hết tháng 3.2019, vẫn còn 80 trường hợp vi phạm từ năm 2015 chưa xử lý được. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ việc những quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị một số nơi còn thiếu, đặc biệt tại các vùng ven đô có tốc độ đô thị hóa cao, nhưng chất lượng cấp phép vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, công tác phối hợp quản lý giữa chính quyền cơ sở và các đội trật tự xây dựng đô thị vẫn còn chồng chéo; mặt khác lại có những thay đổi về cơ chế, chính sách pháp luật trong quản lý nhà nước về xây dựng (Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27.11.2017 có hiệu lực từ ngày 15.1.2018, thay thế các nghị định trước đó), cũng như sau điều chuyển, Hà Nội chưa có quy định cụ thể về chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý trật tự xây dựng, nên vẫn còn những hạn chế do phân định trách nhiệm chưa rõ ràng... khiến việc xử lý vi phạm trở nên khó khăn.

Dẫn chứng, Đội trưởng Đội Trật tự xây dựng đô thị huyện Đông Anh Phạm Hữu Tiến cho biết, tuy là đơn vị trực thuộc UBND cấp quận, huyện, thị xã, nhưng các đội lại không được tham gia vào công tác tại địa bàn như các phòng, ban chuyên môn khác mà chỉ có nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện, lập biên bản nếu có vi phạm nên dẫn đến sự chồng chéo trong quản lý. Thực tế, thẩm quyền xử lý vi phạm đối với các đội trật tự xây dựng đô thị chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, báo cáo, đề xuất, không có thẩm quyền xử phạt. Vì vậy, hiệu quả xử lý các trường hợp vi phạm còn chậm trễ và hiệu quả xử lý chưa cao...

Để nâng cao hiệu quả trong quản lý trật tự xây dựng đô thị, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đô thị; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động để người dân biết, chấp hành các quy định về pháp luật về trật tự xây dựng...; việc tiếp tục triển khai đội quản lý trật tự xây dựng trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã là cần thiết. Tuy vậy, để hoạt động hiệu quả, Sở Xây dựng cần sớm báo cáo thành phố trình Chính phủ xem xét sửa đổi bổ sung Nghị định số 139/2017/NĐ-CP theo hướng giảm mức phạt đối với một số hành vi vi phạm phổ biến như sai quy hoạch, lấn chiếm không gian… để việc xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp quận, huyện nhằm bảo đảm tính kịp thời, tăng tính chủ động cho chính quyền cơ sở. Ngoài ra, cũng cần chú trọng công tác tập huấn về nghiệp vụ, chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng, đất đai để quản lý trật tự xây dựng đô thị đi vào nền nếp. 

Trần Hải