Triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh:

Bảo đảm tiến độ xây dựng và trình các dự án luật

- Thứ Năm, 23/07/2020, 06:10 - Chia sẻ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nghị quyết, quyết định phân công thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, quá trình triển khai xây dựng các dự án luật có một số khó khăn nhất định, nhưng nếu cơ quan chức năng thực hiện nghiêm quy định của luật, nghị quyết, có lẽ sẽ không còn phải nói lại câu chuyện chậm tiến độ, chậm trình dự án luật.

Khó khăn... do dịch bệnh

“Nỗ lực hoàn thiện quy trình, thủ tục xây dựng dự án luật đúng tiến độ” là cam kết được đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 mới đây. Trong đó, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội những dự án luật thuộc trách nhiệm soạn thảo của Bộ. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ họp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội và các Ủy ban của Quốc hội để xác định chương trình xây dựng luật của ngành y tế.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ngày 16.7.2020.
Ảnh: Trung Thành

"Việc lấy ý kiến các cơ quan chức năng, địa phương, người dân bị gián đoạn thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Do vậy, các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện lấy ý kiến để bù cho thời gian đình trệ vừa qua, đặc biệt là với đối tượng chịu tác động trực tiếp. Ở đây cần chú ý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) không chỉ liên quan đến y tế công lập, còn có y tế tư nhân. Hiệp hội bệnh viện tư nhân cần được lấy ý kiến thỏa đáng, có phản hồi minh bạch. Khi dự án Luật được chuyển sang Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Hiệp hội này đã phản ứng mạnh mẽ do ý kiến của mình không được tiếp thu, cũng không được phản hồi, dù là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dự án Luật". 

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh

 

Được giao chủ trì soạn thảo dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Bộ đã xây dựng kế hoạch, có công văn đề nghị các bộ, ngành cử đại diện tham gia ban soạn thảo, tổ biên tập, và trong tháng 7 này sẽ thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang triển khai sưu tầm, dịch luật điện ảnh của các nước có điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội tương đồng với nước ta để tham khảo, học hỏi kinh nghiệm; đồng thời tiến hành tổng hợp các luật có liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xuất bản, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí… để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, khó khăn được nhiều bộ, ngành đề cập là việc thực hiện lấy ý kiến chuyên gia nước ngoài, khảo sát ở một số quốc gia phát triển lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của các dự án luật. Do đại dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đoàn công tác liên ngành đi khảo sát về quản lý điện ảnh ở một số quốc gia sẽ hoãn đến năm 2021, thậm chí nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, phải chuyển sang cách làm phù hợp khác. 

Được giao chủ trì soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết, dự án Luật này có điểm khó khi có nhiều khái niệm mới liên quan đến bản quyền âm thanh, mùi hương, phần mềm, kiểu dáng… phải được quy định để triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do nước ta đã ký kết thời gian qua. Ngoài ra, do dịch bệnh Covid-19 nên Bộ Khoa học và Công nghệ cũng gặp khó khăn trong mời chuyên gia của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, chuyên gia từ châu Âu cho ý kiến, cũng như tổ chức đoàn khảo sát liên ngành đến một số quốc gia.

Chú ý các quy định mới về quy trình, thủ tục, hồ sơ

Bên cạnh những khó khăn khách quan do tình hình dịch bệnh, trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Ủy ban Pháp luật lưu ý, khi thực hiện chương trình năm 2021, cần chú ý một số điểm mới liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ, làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực từ ngày 1.1.2021. Cụ thể, căn cứ vào kế hoạch của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, cơ quan soạn thảo sẽ có trách nhiệm gửi dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đến Mặt trận Tổ quốc để thực hiện phản biện xã hội trong thời gian lấy ý kiến. Trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật giữa hai kỳ họp Quốc hội, cơ quan trình trong mọi trường hợp đều phải có ý kiến bằng văn bản về những nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, hồ sơ dự án gửi thẩm định, thẩm tra, trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, phải có báo cáo kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án luật, pháp lệnh. Để khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật như vừa qua, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm quy định tại Điều 12, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Những khó khăn khách quan do tình hình dịch bệnh hay quy định mới liên quan đến quy trình, thủ tục và hồ sơ dự án luật đòi hỏi các cơ quan được giao phụ trách xây dựng dự án luật, nghị quyết phải nỗ lực nhiều trong thời gian tới. Nhưng lý do này cũng không thể biện minh cho sự chậm trễ trong gửi hồ sơ dự án luật, nghị quyết sang các cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bởi, như thông tin từ Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, từ nay đến Kỳ họp thứ Mười chỉ còn 3 tháng, song hiện chưa có hồ sơ dự án luật trình cho ý kiến lần đầu nào được gửi sang các cơ quan của Quốc hội.

Thời gian qua, tình trạng trình hồ sơ dự án luật muộn, thậm chí có trường hợp trong kỳ họp mới trình cơ quan chủ trì thẩm tra, đã khiến đại biểu Quốc hội không có thời gian tiếp cận, nghiên cứu, qua đó cho ý kiến chất lượng. Một số cơ quan chủ trì thẩm tra phải "gồng mình" để nghiên cứu, thẩm tra ngay sát kỳ họp hoặc trong thời gian diễn ra kỳ họp. Đây là điều các cơ quan chủ trì thẩm tra và đại biểu Quốc hội đều không mong muốn.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các nghị quyết, quyết định để bảo đảm hoàn thành chương trình đúng tiến độ. Nếu không có sự nghiêm túc trong thực thi sẽ còn "nói đi, nói lại" hạn chế này ở nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Lê Bình