Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV:

Bảo đảm thực thi đầy đủ, có hiệu quả Công ước về xóa bỏ lao động cưỡng bức

- Thứ Tư, 20/05/2020, 17:40 - Chia sẻ
Trong phiên làm việc chiều nay, 20.5, Quốc hội đã nghe Tờ trình, Báo cáo thuyết minh, Báo cáo thẩm tra và thảo luận trực tuyến về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Khẳng định cam kết của Việt Nam

Theo Tờ trình của Chủ tịch Nước, Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức là một trong tám công ước cơ bản của ILO, được ILO thông qua ngày 25.6.1957. Công ước số 105 là Công ước cùng cặp với Công ước số 29 trong nhóm tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức (Việt Nam đã gia nhập Công ước số 29 năm 2007). Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế - quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế - xã hội và pháp lý.

Việc Việt Nam gia nhập Công ước số 105 sẽ tiếp tục khẳng định, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không trái với quy định của Hiến pháp; bảo đảm nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và những nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế; bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta về hội nhập kinh tế quốc tế. Việc gia nhập Công ước số 105 sẽ hỗ trợ việc thực hiện tốt hơn một số công ước khác mà Việt Nam là thành viên, thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đòi hỏi quốc gia thành viên phải tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản.


Các đại biểu tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV Ảnh: Quang Khánh

Sớm xây dựng bộ chỉ số đánh giá, giám sát tổng thể việc thực thi

Trình bày Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước số 105 của ILO, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu rõ, qua rà soát cho thấy, các quy định của Công ước số 105 phù hợp với các quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do đó không đề xuất, kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nói trên để thực hiện Công ước này.

Tuy nhiên, để việc thực hiện các cam kết của Công ước số 105 có hiệu quả và có tính khả thi cao, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết, có ý kiến đề nghị Chính phủ cần ban hành quy định hướng dẫn chi tiết các dạng hành vi của lao động cưỡng bức, tạo hành lang pháp lý minh bạch giúp cơ quan thực thi pháp luật hoặc người lao động hay doanh nghiệp phát hiện nhanh chóng tình trạng lao động cưỡng bức. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị rà soát việc lao động của phạm nhân trong trại giam quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 27; khoản 1, Điều 33 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Ủy ban Đối ngoại kiến nghị, Quốc hội xem xét, quyết định gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức; đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì sớm nghiên cứu và xây dựng bộ chỉ số, hệ thống theo dõi, đánh giá, giám sát tổng thể đối với việc thực thi hệ thống các công ước của ILO mà Việt Nam đã gia nhập; chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai việc thực thi Công ước; xây dựng đề án tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước số 105 tới người lao động, người sử dụng lao động, các cơ quan tổ chức có liên quan, đồng thời, xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lao động có liên quan theo đúng quy định của Công ước số 105.

Tán thành với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc gia nhập Công ước số 105 tại thời điểm này cần thiết, chúng ta cũng đã có sự chuẩn bị kỹ càng cho việc phê chuẩn Công ước này. Theo ĐBQH Đỗ Văn Bình (Hải Phòng), việc xóa bỏ lao động cưỡng bức theo Công ước 105 được coi là một trong những tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, góp phần bảo đảm quyền tự do và các quyền lợi chính đáng của người lao động.

Để bảo đảm thực thi đầy đủ Công ước số 105, bảo đảm yêu cầu của Công ước là mọi thành viên gia nhập Công ước cam kết thực hiện công tác tư pháp có hiệu quả, nhằm loại bỏ ngay và có hiệu quả lao động cưỡng bức, theo ông Bình, cần xây dựng, tổ chức thực thi chương trình, kế hoạch với các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình nước ta, trong đó, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác này.

Các đại biểu cũng tán thành với Báo cáo thuyết minh của Chính phủ về một số công việc cần quan tâm như: đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức có liên quan để phòng, chống và xóa bỏ lao động cưỡng bức, đại biểu cũng cho rằng, cần đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lao động liên quan theo quy định của Công ước số 105.

Tin: Thanh Chi
Ảnh: Quang Khánh