Sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng

Bảo đảm sự tôn vinh cao quý!

- Thứ Bảy, 27/07/2019, 08:10 - Chia sẻ
Năm nay, kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2019), cũng là năm Chính phủ lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội NGUYỄN HOÀNG MAI chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân xung quanh những nhóm vấn đề chính sách cần sửa đổi lần này.

Nghiên cứu, tìm phương án tốt nhất

- Có lẽ bây giờ là thời điểm thích hợp để điều chỉnh điều kiện, tiêu chuẩn công nhận liệt sĩ, thương bệnh binh cho phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước. Nhưng điều chỉnh cụ thể thế nào cũng không dễ, thưa ông?

- Trước tiên, việc công nhận liệt sĩ thì căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi giai đoạn cách mạng mà chúng ta điều chỉnh điều kiện, tiêu chuẩn cho phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, dù điều chỉnh như thế nào thì vẫn phải bảo đảm đây là sự tôn vinh cao quý nhất. Còn với những trường hợp “chết khi thi hành nhiệm vụ” trong thời bình, chúng ta phải rất cân nhắc, kể cả những trường hợp “thương binh chết do vết thương tái phát”. Tránh trường hợp, thương binh nặng lâu năm, có thể chết bệnh nhưng vì quy định không rõ, dễ xảy ra sự lạm dụng chính sách.

Đối với thương binh và bệnh binh, tôi cho rằng chỉ xác nhận cho các trường hợp thật đặc biệt - bị thương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trong quân đội.

Riêng đối với điều kiện, tiêu chuẩn của bệnh binh, ý tưởng ban đầu của cơ quan soạn thảo là chỉ xem xét những trường hợp bệnh binh trong quá khứ; còn thời bình không có bệnh binh hưởng chế độ người có công, vì thực chất đây chỉ là những người bị mất sức lao động. Tuy nhiên, những trường hợp này đã được Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam điều chỉnh và chắc chắn Pháp lệnh không thể vượt qua Luật.

Vấn đề đặt ra đối với việc sửa đổi là làm thế nào để bệnh binh đúng là bệnh binh, xứng đáng với những gì dân tộc muốn tôn vinh và tri ân. Ví dụ, những bệnh binh bị bệnh hoàn toàn do điều kiện tham gia quân đội, chứ không phải bị bệnh như người bình thường và theo nghĩa thông thường làm việc trong môi trường độc hại hoặc ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Tất nhiên, những vấn đề này, Chính phủ phải nghiên cứu, tìm ra phương án tốt nhất để không phải đặt vấn đề xem xét, xác nhận bệnh binh trở lại.

- Có ý kiến cho rằng, người có công với cách mạng thuộc đối tượng nào thì được hưởng chế độ ưu đãi của đối tượng đó; nhưng lại có ý kiến người có công với cách mạng có thể thuộc nhiều đối tượng nhưng được hưởng chế độ của đối tượng có chế độ ưu đãi cao nhất. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) đang theo hướng, người có công với cách mạng thuộc đối tượng nào thì được hưởng ưu đãi ở đối tượng đó. Nhưng tôi cho rằng, Ban soạn thảo cần tính toán đến tất cả các phương án. Theo quan điểm của tôi, người có công có thể rơi vào mấy đối tượng: Bị tù đầy; là thương binh, bệnh binh; bị chất độc hóa học… thì tất cả trợ cấp của đối tượng nào người đó được hưởng ở chế độ ấy. Nhưng, có điểm chung là các đối tượng này đều được hưởng chế độ BHYT, thì chỉ được một tiêu chuẩn, làm sao có thể hưởng vài thẻ BHYT? Hay hỗ trợ về nhà ở, cũng chỉ được một cái nhà; hoặc hỗ trợ về mai táng phí… Các chế độ khác, theo tôi nên để hưởng ở chế độ cao nhất.

Bổ sung ưu đãi cho thân nhân liệt sĩ

- Theo quy định hiện hành, việc hỗ trợ tiền thờ cúng liệt sĩ không còn thân nhân được thực hiện đối với người được họ tộc ủy quyền thờ cúng. Nhưng thực tế, có những họ tộc không đồng ý ủy quyền cho một người cụ thể. Theo ông, họ tộc ở đây nên giới hạn ở phạm vi nào và nên xử lý vấn đề này ra sao?

- Thực ra đây là hiện tượng không phổ biến nhưng là câu chuyện khá nhạy cảm. Vả lại, vấn đề này phụ thuộc vào đặc điểm, tập quán của dân tộc, vùng miền, nên Pháp lệnh sẽ không đưa ra quy định cứng mà chỉ đưa vào văn bản hướng dẫn thực hiện, theo hướng để họ tộc tự giác. Vì vậy, trong trường hợp các bên không thể tự dàn xếp thì theo tôi có thể xử lý theo hai cách: Thứ nhất, ưu tiên người nào được họ tộc ủy quyền, hoặc họ tộc đứng ra trực tiếp làm thủ tục xác nhận hồ sơ liệt sĩ. Thứ hai, trong trường hợp thứ nhất không xử lý được thì sẽ áp dụng Bộ luật Dân sự, bằng cách tham chiếu theo các hàng thừa kế.

Cũng cần nói thêm rằng, không ai phản đối việc nhiều người cùng thờ cúng một liệt sĩ, nhưng chế độ thờ cúng thì chỉ có một.

- Về chính sách ưu đãi đối với vợ (chồng) liệt sĩ lấy  chồng (vợ) khác. Có ý kiến cho rằng, giữ như quy định hiện nay (trợ cấp tiền tuất hàng tháng) là phù hợp, nhưng cũng có ý kiến đề nghị bổ sung một số chế độ hoặc thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Lẽ ra điều này Chính phủ phải điều chỉnh sớm hơn, bởi đây là vấn đề nóng, được nhiều cử tri đặc biệt quan tâm, kiến nghị. Trước đây, các đối tượng này được hưởng tiền tuất nhưng trong bối cảnh hiện nay, đa phần họ đã lớn tuổi, nên bổ sung BHYT, mai táng phí và chế độ điều dưỡng hằng năm là điều nên làm.

Còn vấn đề bổ sung chế độ chính sách như một người vợ (chồng) liệt sĩ, thì cần cân nhắc kỹ lưỡng. Dù nỗi đau mất mát là như nhau nhưng nếu xóa nhòa ranh giới giữa vợ (chồng) liệt sĩ ở vậy thờ cúng người đã hy sinh và chăm sóc cho người thân của liệt sĩ với việc vợ (chồng) liệt sĩ tái giá là điều không phù hợp với đạo lý.

- Xin cảm ơn ông!

Thái Bình thực hiện