Chính sách, pháp luật về đầu tư nước ngoài ở một số nước

Bảo đảm sự kiểm soát của trung ương

- Chủ Nhật, 03/11/2019, 08:28 - Chia sẻ
Các bước của quá trình thực hiện đầu tư có thể khác nhau ở các quốc gia nhưng nhìn chung đều trải qua một số bước chính gồm: Chuẩn bị dự án, xin các chấp thuận hoặc giấy phép (nếu có), thành lập doanh nghiệp, xin các giấy phép chuyên ngành để đi vào hoạt động... nhằm bảo đảm sự quản lý của trung ương đối với các khoản đầu tư nước ngoài.

Thủ tục đầu tư tại các nước trên thế giới có thể chia làm hai nhóm: Nhóm các nước cấp giấy phép đầu tư hoặc các hình thức chấp thuận đầu tư và nhóm không áp dụng thủ tục riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với nhóm các nước cấp giấy phép đầu tư hoặc các hình thức chấp thuận đầu tư, trong đó có Trung Quốc (chấp thuận đầu tư), Thái Lan (giấy phép kinh doanh nước ngoài), Malaysia (giấy phép sản xuất), Philippines (phê chuẩn của ban đầu tư)..., nhà đầu tư nước ngoài khi tiến hành đầu tư phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý về đầu tư nước ngoài trước khi hoặc đồng thời với việc thành lập doanh nghiệp để triển khai hoạt động. Đối với trường hợp Malaysia và Philippines, sau khi thành lập doanh nghiệp, trong một số trường hợp nhà đầu tư phải làm các thủ tục lần lượt là cấp giấy phép sản xuất hoặc phê chuẩn của ban đầu tư.

Đối với nhóm không áp dụng thủ tục riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Mỹ, Canada, Australia, Indonesia... Ở các nước này hệ thống quy định về đầu tư xác định rõ điều kiện mà nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư nước ngoài nói riêng phải đáp ứng khi thực hiện đầu tư vào một lĩnh vực, sản xuất một sản phẩm hoặc trên một địa bàn xác định. Nếu nhà đầu tư đáp ứng được các điều kiện đó thì tiến hành đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần vào các doanh nghiệp đang hiện hữu để thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình. Có một số nước có thể yêu cầu nhà đầu tư thông báo về việc tiến hành đầu tư trong một số trường hợp nhất định (Canada).

Ở Indonesia, nhà đầu tư bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp để thực hiện dự án đầu tư. Tuy nhiên, Luật Đầu tư số 25 của Indonesia không quy định cụ thể việc phải thành lập doanh nghiệp trước hay sau khi lập dự án đầu tư, nên trên thực tế nhà đầu tư được lựa chọn thành lập doanh nghiệp trước hoặc sau khi có dự án đầu tư. Quá trình đầu tư tại Indonesia chia làm 3 giai đoạn (chuẩn bị đầu tư, đây là giai đoạn thành lập một pháp nhân để thực hiện hoạt động đầu tư; chuẩn bị cơ sơ hạ tầng và thu thập các giấy phép cần thiết cho việc đầu tư; sẵn sàng cho sản xuất - vận hành) và 7 bước (xin cấp giấy phép nguyên tắc; chứng nhận thành lập doanh nghiệp; mã số xuất nhập khẩu; làm thủ tục hưởng miễn nghĩa vụ thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị; làm thủ tục thuế thu nhập doanh nghiệp; xin các giấy phép do chính quyền địa phương cấp; giấy phép hoạt động).

Các quy định về thủ tục về đầu tư nước ngoài ở Mỹ được áp dụng theo nguyên tắc: Tổng thống có thể dừng một khoản đầu tư nếu có bằng chứng tin cậy rằng lợi ích nước ngoài kiểm soát khoản đầu tư đó, gây đe dọa an ninh quốc gia. Chức năng thẩm tra những khoản đầu tư này được giao cho Ủy ban về Đầu tư nước ngoài của Mỹ (CFIUS). Theo quy trình thẩm tra, các giao dịch liên quan đến chính phủ nước ngoài, mối đe dọa đối với an ninh quốc gia hoặc kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng phải được điều tra chính thức trong 45 ngày, ngoại trừ các trường hợp ngoại lệ cho thực hiện các giao dịch của chính phủ nước ngoài nếu Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng Bộ Tài chính và cơ quan chủ trì xác nhận không  đe dọa an ninh quốc gia. Luật pháp Mỹ cũng yêu cầu cấp Trợ lý Bộ trưởng (hoặc cao hơn) xác nhận rằng một giao dịch không thuộc một trong các tiêu chí và thời gian rà soát không cần vượt quá 30 ngày. Xác nhận tương tự được yêu cầu tại giai đoạn kết thúc cuộc điều tra kéo dài trong 45 ngày, nhằm khẳng định giao dịch đó không đe dọa an ninh quốc gia. CFIUS phải báo cáo Quốc hội khi kết thúc rà soát và điều tra chính thức; ngoài ra, báo cáo Quốc hội hàng năm về các hoạt động của cơ quan này. Các yếu tố CFIUS cần xem xét trong quá trình rà soát gồm: Tác động của giao dịch đối với cơ sở hạ tầng thiết yếu theo nghĩa rộng cũng như hệ thống năng lượng và các công nghệ quan trọng; sự tuân thủ của quốc gia liên quan tới các lệnh trừng phạt của Mỹ về chống khủng bố quốc tế, không phổ biến vũ khí và kiểm soát xuất khẩu...

N.Khánh