Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)

Bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật

- Thứ Tư, 25/03/2020, 08:16 - Chia sẻ
Đối với trường hợp có quy định khác giữa luật này và luật khác, dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã giới hạn phạm vi rất hẹp, mang tính đặc thù, nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án. Song nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa thực sự yên tâm khi có một số quy định khác trong dự thảo luật chưa phù hợp với các bộ luật, luật liên quan.

Giới hạn phạm vi ưu tiên áp dụng

Thảo luận về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ Tám, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có ý kiến khác nhau về quy định áp dụng luật và các điều ước quốc tế (Điều 3, dự thảo Luật). Nhiều ĐBQH thống nhất cần phải có quy định nội dung đặc thù đối với trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án; hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP; luật áp dụng; bảo đảm đầu tư; cơ chế quản lý vốn nhà nước áp dụng trực tiếp cho dự án PPP. Một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng để quy định tại dự thảo Luật phù hợp với quy định tại Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các luật hiện hành khác và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, tránh mâu thuẫn, xung đột, gây khó khăn khi thực hiện.


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Dự án PPP thường thực hiện kéo dài nhiều năm nên mong muốn có một hệ thống pháp luật ổn định, mạnh, thống nhất để các nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư là mong muốn rất chính đáng. Nhưng quy định nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật để bằng luật này có thể thực hiện tập trung, bỏ qua quy định của các luật liên quan lại tạo rủi ro rất lớn về sự chồng chéo, mâu thuẫn. Mặt khác, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) rất rộng, chồng lấn với rất nhiều quy định của luật chuyên ngành khác. Song, dự án Luật PPP có phạm vi điều chỉnh cụ thể, chỉ liên quan đến dự án hợp tác công tư, không chồng lấn với phạm vi điều chỉnh các luật khác, nên quy định nguyên tắc ưu tiên áp dụng giống như đầu tư cần hết sức cân nhắc. Do vậy, nên xem xét quy định cụ thể luôn trong luật này với trường hợp cần có quy định khác với quy định của các luật, nhằm tạo cơ sở để thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Tại Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật PPP, Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu rõ, với thời gian áp dụng cho một dự án PPP thường kéo dài nhiều năm, trong điều kiện hệ thống pháp luật còn đang hoàn thiện và sửa đổi, bổ sung thường xuyên, thì Luật PPP phải là luật được ưu tiên thực hiện. Mặt khác, dự thảo Luật đã giới hạn phạm vi rất hẹp, mang tính đặc thù về “trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án PPP; hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP; pháp luật điều chỉnh hợp đồng dự án PPP; bảo đảm đầu tư; cơ chế quản lý vốn nhà nước áp dụng trực tiếp cho dự án PPP”. Do vậy, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị, giữ nội dung tại Khoản 2, Điều 3, dự thảo Luật, nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP. Quy định này cũng là tuyên bố chung, thể hiện cam kết của Nhà nước về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi tham gia cùng Nhà nước đầu tư vào các dự án PPP - Thường trực Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Tuy nhiên, một số ý kiến không đồng tình với quy định tại Khoản 2, Điều 3, vì cho rằng quy định này vẫn chưa giải quyết được vướng mắc về pháp lý trong quá trình thực hiện dự án PPP. Để giải quyết triệt để vấn đề nêu trên vẫn cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm quy định tại Điều 12 và Điều 156, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và không cần quy định tại Khoản 2, Điều 3, dự thảo Luật. Các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường vai trò lập pháp và giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm tránh chồng chéo, xung đột khi ban hành luật, văn bản hướng dẫn luật.

Chỉ rõ những quy định đặc thù

Không chỉ dự án Luật PPP, nhiều dự án luật về kinh tế được trình Quốc hội thời gian qua đã quy định nguyên tắc áp dụng không tuân theo nguyên tắc áp dụng pháp luật được quy định tại Điều 12, Điều 156, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chỉ ra thực tế này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi: Tại sao không rà soát hết, bên cạnh trình tự, thủ tục đầu tư, hoạt động doanh nghiệp, hợp đồng… có những quy định nào khác với các luật liên quan cần áp dụng theo Luật PPP? “Thay vì rà soát các luật liên quan, dự thảo Luật đưa ra quy định ý là tôi chưa rà soát hết, nếu có khác thì xin mời quý vị dùng luật này”. Với quy định chưa thật sự hợp lý này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị tiếp tục rà soát để chỉ rõ những quy định mang tính chất đặc thù, cho phép áp dụng quy định khác so với các luật liên quan đối với phương thức đầu tư PPP ngay tại các điều, khoản của dự thảo Luật.

Một số nội dung khác tại dự án Luật này cũng có quy định khác với các luật liên quan, gây băn khoăn cho các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu chỉ rõ, theo quy định hiện hành, Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán khi đã có nhiệm vụ kinh tế phát sinh, song dự án Luật quy định kiểm toán từ khâu xây dựng hợp đồng, tức là chưa phát sinh nhiệm vụ kinh tế đã tiến hành kiểm toán. Nếu chưa tiến hành nhiệm vụ kinh tế, thì việc kiểm tra, kiểm toán lúc này có lẽ thuộc thẩm quyền của cơ quan thẩm tra, thẩm định, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại lưu ý.

Tuy thời gian qua các cơ quan chức năng đã tiếp tục rà soát các luật liên quan, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chỉ rõ, Điều 40, Luật Đầu tư công hiện hành quy định thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, trừ dự án quan trọng quốc gia. Nói cách khác, nếu đã là dự án quan trọng quốc gia, dù là dự án PPP, sẽ vẫn phải theo quy định của Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, quy định từ Điều 20 đến Điều 24 của dự thảo Luật về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nội dung phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án PPP lại xác định sẽ áp dụng chung cho tất cả các loại dự án, bao gồm cả dự án quan trọng quốc gia. “Quy định này không được sửa đổi sẽ khiến các doanh nghiệp PPP vướng mắc, không biết áp dụng theo Luật Đầu tư công hay Luật PPP khi thực hiện dự án quan trọng quốc gia” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.

Hay như, với việc thanh toán hợp đồng xây dựng và chuyển giao (BT), Điều 46, dự thảo Luật quy định một số phương thức, trong đó có phương thức thanh toán bằng số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản công, song không quy định cơ chế thực hiện. Nếu trực tiếp thanh toán theo phương thức này, ông Hoàng Thanh Tùng khẳng định, sẽ mâu thuẫn với quy định “tất cả các khoản thu từ bán tài sản công đều phải nộp vào ngân sách nhà nước” của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành, thậm chí vi phạm nguyên tắc hiến định mọi khoản thu chi ngân sách đều phải được dự toán.

Với những đặc thù của dự án PPP, rất cần có cơ chế đặc thù nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, giúp bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, phải tiếp tục rà soát để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, cũng như sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Và như nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, “không nên có cơ chế đứng trên hệ thống pháp luật”, phá vỡ toàn bộ các quy định của hệ thống pháp luật.

Lê Bình