Bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý của đối tượng yếu thế

- Thứ Hai, 11/05/2020, 11:44 - Chia sẻ
Trong Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) nêu rất rõ yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, thiết kế trong điều luật hoàn toàn không thể hiện được.

Tại các Điều 11, 12, 13, 14 chỉ có hai trường hợp được đẩy mạnh xã hội hóa, đó là tổ chức hành nghề luật sư và trung tâm tư vấn pháp luật, các đối tượng khác không được phép. Như vậy không thể nói là xã hội hóa được. Nếu xã hội hóa dự thảo phải mở rộng các đối tượng được tham gia, kể cả các hoạt động thiện nguyện hay bảo vệ lợi ích của các đoàn viên, hội viên của mình.

Tôi không đồng tình với một số đại biểu chỉ viện dẫn Báo cáo của Bộ Tư pháp về việc có mấy chục Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước không có trợ giúp viên, không có trưởng chi nhánh, mà nói rằng trong dự thảo Luật không tiếp tục quy định về hình thức Chi nhánh này và không cho phép thành lập thêm các Chi nhánh mới. Đây không phải là Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 có khiếm khuyết mà do cách thức tổ chức thực hiện. Tại sao khi không có tư vấn viên, không có trợ giúp viên mà lại thành lập Chi nhánh? Không vì một vài trường hợp như thế để bác bỏ tất cả Chi nhánh đang hoạt động hiệu quả tốt và là tâm nguyện của rất nhiều người gắn bó với hoạt động trợ giúp pháp luật. Tôi đề nghị dự án Luật cần tiếp tục kế thừa, khắc phục lỗi của việc làm tùy tiện là không có tư vấn viên và trợ giúp viên mà vẫn thành lập Chi nhánh, đồng thời phải nâng tầm hình thức này, quy định rõ nơi nào có luật sư, trợ giúp viên, tư vấn viên đủ điều kiện thì được thành lập Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Đặc biệt, ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa thì đương nhiên phải có Chi nhánh.

Tôi cũng không đồng tình với cách giải trình của Ban soạn thảo về biện pháp xử lý, đó là ở những nơi không thành lập Chi nhánh nữa, thì có thể cử luật sư, hay liên doanh, liên kết, ký hợp đồng với các tổ chức hành nghề luật sư ở đó để làm trợ giúp viên pháp lý (?) Ví dụ, ở huyện Mường Tè, cách Lai Châu 200 - 300 cây số, làm gì có luật sư nào ở đó, hay Trung tâm tư vấn luật sư nào để ký hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý của tỉnh cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân? Thiết kế đó là chính sách trong nhà kính thôi chứ hoàn toàn ngoài thực tế không phải như vậy. Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và làm rõ địa vị pháp lý của Chi nhánh thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý các địa phương để bảo đảm nhu cầu trợ giúp pháp lý cũng như quyền được tiếp cận công lý của các đối tượng yếu thế.

ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình)
Anh Phương ghi