Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin và giám sát của Nhân dân

- Thứ Năm, 13/08/2020, 08:08 - Chia sẻ
​​​​​​​Hiến pháp và Điều lệ Đảng đều quy định Nhà nước và Đảng phải thường xuyên giữ mối liên hệ gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình, dựa vào Nhân dân để xây dựng Chính quyền, xây dựng Đảng. Do đó, khi người dân phản ánh, phê bình cán bộ, đảng viên có hành vi bất thường, thiếu chuẩn mực đạo đức, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan thẩm quyền và cá nhân liên quan nên cầu thị, báo cáo trung thực, cung cấp thông tin để Nhân dân biết; khi cần thiết hướng dẫn cho dân thực hiện quy trình phản ánh, yêu cầu giải trình.

Công khai, minh bạch thông tin

Phải khẳng định rằng, các phương tiện truyền thông đại chúng ở nước ta đã có những đóng góp quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, định hướng tư tưởng, văn hóa, hình thành và thể hiện dư luận xã hội, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân; góp phần minh bạch hoạt động của Nhà nước và các cơ quan trong hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước, giám sát và phản biện xã hội, thúc đẩy quá trình chuyển hóa các giá trị của nền dân chủ vào đời sống.

Tuy vậy, dư luận không khỏi băn khoăn khi thời gian qua có một số trường hợp người dân, cán bộ, công chức phản ánh trên báo chí, chia sẻ trên mạng xã hội những thông tin đã được công bố công khai hoặc thông tin liên quan đến việc làm không đúng pháp luật, thiếu minh bạch của cán bộ, thì sau đó, người phản ánh bị gây phiền hà hoặc bị cơ quan chức năng “điều tra, xử lý” vì cho rằng họ vi phạm pháp luật.

Điển hình, đầu tháng 7.2020, khi một số tờ báo và tài khoản mạng xã hội đăng tin ô tô “biển xanh” vào tận cầu thang máy bay ở sân bay đón Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy P. và “người nhà”. Người dân phản ánh do có sự bất thường ở chỗ, quy định pháp luật (nếu có) chỉ cho phép xe công vào “chân cầu thang máy bay” đón cán bộ chứ không phải đón “người nhà” cán bộ đó. Vậy nhưng Phó Bí thư cho báo chí biết đã yêu cầu công an tỉnh “điều tra, xử lý” người nào đã đăng hình ảnh xe công đón ông và “người nhà” lên báo và mạng xã hội! Dư luận đặt câu hỏi: Liệu người dân có quyền giám sát việc tuân thủ pháp luật đối với ông Phó Bí thư (là cán bộ chịu sự điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức 2008, sửa đổi, bổ sung 2019) hay không?

Việc chia sẻ lên mạng xã hội thông tin Quyết định của Bộ Chính trị cho Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Khóa XIV tỉnh Q. thôi giữ chức Bí thư (trước đó, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo vì có vi phạm khuyết điểm nghiêm trọng) cũng bị công an tỉnh này vào cuộc “điều tra, xử lý” vì cho rằng đây là thông tin nội bộ, là bí mật riêng tư, bí mật đời sống cá nhân, việc đăng tải thông tin có thật và đã công bố này là vi phạm pháp luật (?). Dư luận cho rằng, cũng như các vị cựu cán bộ cấp cao khác từng bị kỷ luật đã được công bố công khai; rõ ràng, quyết định cho thôi giữ chức vụ đối với Bí thư Tỉnh ủy Q. không phải là thông tin mật hay bí mật riêng tư, cá nhân, mà là thông tin cần được công bố công khai để cử tri và Nhân dân cả nước biết.

Cần lắng nghe, tôn trọng ý kiến, phản ánh của cử tri, nhân dân

Ảnh: Nguyễn Nhật 

Công dân được làm những việc pháp luật không cấm

Từ những sự việc trên, dư luận rất quan tâm về giới hạn quyền giám sát, quyền tiếp cận thông tin và trách nhiệm của công dân, của cán bộ được pháp luật quy định ra sao.

Trước hết, từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013 đều khẳng định nhất quán các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, có quyền giám sát, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin... được công nhận, tôn trọng, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, phản ánh, kiến nghị của công dân. Đó là bản chất ưu việt của chế độ dân chủ, cộng hòa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân ở nước ta.

Thứ hai, hệ thống luật pháp nước ta được ban hành ngày càng hoàn thiện, quy định quyền giám sát, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, quyền tiếp cận thông tin, những hành vi bị nghiêm cấm, việc công khai, minh bạch và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình. Theo đó, Nhân dân có quyền giám sát mọi hoạt động của Nhà nước và tổ chức Đảng; công dân có quyền được thông tin qua báo chí về mọi mặt; được gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin; được phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội; được làm những việc mà pháp luật không cấm.

Thứ ba, Đảng ta đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng hoạt động tuân thủ pháp luật, do đó, điều lệ và các quy định nội bộ khác của Đảng, tất nhiên không trái với Hiến pháp và pháp luật. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (10.1947), Người viết: “Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho Nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của Nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước Nhân dân”. Qua những sự việc kể trên, thiết nghĩ, các cơ quan và người trong cuộc cần ứng xử thận trọng, chuẩn mực; những văn bản dưới luật nếu có quy định trái với pháp luật, đề nghị cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung bảo đảm các quyền và lợi ích của Nhân dân.

Thứ tư, Hiến pháp và Điều lệ Đảng đều quy định Nhà nước và Đảng phải thường xuyên giữ mối liên hệ gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình, dựa vào Nhân dân để xây dựng Chính quyền, xây dựng Đảng. Do đó, khi người dân phản ánh, phê bình cán bộ, đảng viên có hành vi bất thường, thiếu chuẩn mực đạo đức, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì trước hết phải cảm ơn Nhân dân vì họ có tin có yêu mới góp ý. Đồng thời, cơ quan thẩm quyền và cá nhân liên quan nên cầu thị, báo cáo trung thực, cung cấp thông tin để Nhân dân biết; khi cần thiết hướng dẫn cho dân thực hiện quy trình phản ánh, yêu cầu giải trình, không nên có những hành động gây tổn thương tình cảm, làm ảnh hưởng niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

ThS.Nguyễn Vân Hậu