Trung Quốc

Bảo đảm quyền riêng tư dữ liệu

- Thứ Tư, 08/05/2019, 08:20 - Chia sẻ
Việc sử dụng dữ liệu sinh trắc học đang phát triển với cấp số nhân ở nhiều lĩnh vực như dấu vân tay và nhận diện khuôn mặt được áp dụng rộng rãi trong hoạt động bán lẻ, thanh toán các khoản vay hay chứng nhận an sinh xã hội. Để kịp thời cập nhật xu hướng đó, các nhà lập pháp Trung Quốc chuẩn bị soạn thảo dự luật mới về quyền riêng tư dữ liệu nhằm bảo vệ các thông tin cá nhân, đặc biệt là dữ liệu sinh trắc học.

Lợi thì có lợi nhưng…

Xác thực sinh trắc học được sử dụng trong khoa học máy tính để nhận dạng hoặc kiểm soát truy cập. Nó bao gồm lấy dấu vân tay, nhận dạng khuôn mặt, DNA, nhận diện mống mắt, in dấu bàn tay và một số phương pháp khác. Dẫu vậy, biện pháp đó tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi có thể bị đánh cắp hoặc thay đổi. Nhiều tin tặc không chỉ lợi dụng những lỗ hổng trong phần cứng và các thiết bị xác thực sinh trắc học mà còn cả việc thu thập dữ liệu phục vụ mục đích mờ ám. Theo nhiều chuyên gia, Chính phủ, các ngành tài chính, y tế là những lĩnh vực có nguy cơ cao nhất.

Hôm 8.4, một thanh niên Trung Quốc đã bị đánh cắp toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng sau khi bạn cùng phòng quét mặt anh lúc đang ngủ để thanh toán trực tuyến qua tính năng nhận dạng khuôn mặt. Vụ việc đã làm tăng quan ngại về tính bảo mật của các công nghệ dựa trên sinh trắc học.

Những năm gần đây, công nghệ nhận diện khuôn mặt ngày càng phát triển và phổ biến. Năm 2015, Bộ Công an Trung Quốc khởi động dự án xây dựng cơ sở dữ liệu nhận dạng khuôn mặt mạnh nhất thế giới với khả năng nhận diện lên tới 90% bất kỳ ai trong số 1,3 tỷ dân chỉ trong vòng 3 giây đồng hồ... Từ đầu năm ngoái, các ga tàu của nước này bắt đầu triển khai hệ thống thanh toán qua tính năng nhận diện khuôn mặt trên quy mô lớn, thay cho hệ thống kiểm tra vé và số ID truyền thống. Một số dịch vụ thanh toán di động phổ biến ở đất nước gấu trúc như Alipay, UnionPay hay WeChat Pay đều áp dụng hệ thống nhận diện khuôn mặt trong bán lẻ, du lịch và thanh toán. Người sử dụng thậm chí còn có thể rút tiền mặt từ ATM bằng khuôn mặt. Ngoài ra, công nghệ trên còn được ứng dụng để điểm danh ở trường đại học, quản lý hành khách lên máy bay mà không cần vé, thanh toán bữa ăn ở nhà hàng như KFC… Có thể nói, rất nhiều người Trung Quốc ưa chuộng tính năng này nhờ sự siêu tiện lợi của nó.

Các nhà lập pháp vào cuộc

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Phó Giáo sư Zeng Liaoyuan của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ điện tử Trung Quốc nhận định, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ sớm được xây dựng và đi vào cuộc sống bởi sự phát triển nhanh chóng của công nghệ cũng như nhu cầu khổng lồ trong xã hội. Người phát ngôn của Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc (Quốc hội) Trương Nghiệp Toại cũng cho biết, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đang là chủ đề ưu tiên của cơ quan lập pháp nhưng không nói rõ khung thời gian dự kiến tiến hành xây dựng.

Thực tế, các chuyên gia pháp luật tại nước này từng lưu ý tầm quan trọng đặc biệt của việc bảo vệ dữ liệu sinh trắc học. Tháng trước, đại biểu Quốc hội Yi Tong đã đệ trình đề xuất xây dựng Luật về sinh trắc học lên cơ quan lập pháp, trong đó sẽ phân định rõ ranh giới giữa quyền cá nhân và Chính phủ, cũng như củng cố giám sát các doanh nghiệp. Theo ông Yi Tong, một khi dữ liệu sinh trắc học bị rò rỉ, nó sẽ tạo ra lỗ hổng cả đời, khiến an ninh dữ liệu cá nhân của người dùng rơi vào tình trạng không chắc chắn.

Phó Giáo sư Wu Shenkuo thuộc Trường Đại học Bắc Kinh gợi ý, Trung Quốc nên đặt ra tiêu chí thu thập, sử dụng và xử lý các dữ liệu sinh trắc học, hạn chế thu thập dữ liệu Chính phủ, thiết lập các tiêu chuẩn bồi thường khi dữ liệu bị sử dụng sai mục đích và chỉ rõ những gì cơ quan quản lý được giải quyết đối với các công ty. Ông nói, so với các dữ liệu cá nhân khác, sinh trắc học mang tính độc nhất, do đó có thể đem đến những rủi ro lâu dài cũng như hậu quả nghiêm trọng.

Cách mạng công nghệ đang thay đổi nhanh chóng cuộc sống ở đất nước đông dân nhất thế giới nhưng những quy định pháp luật liên quan chưa thể theo kịp. Trong khi đó, trí tuệ nhân tạo và nhiều ứng dụng của nó đang là thành phần chính trong kế hoạch quốc gia của Trung Quốc. Năm 2017, “Kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ tiếp theo” ra đời nhằm biến đất nước trở thành lãnh đạo thế giới về đổi mới AI vào năm 2030.

Như phân tích ở trên, mặc dù sinh trắc học như vân tay và khuôn mặt có thể được ứng dụng để thanh toán hóa đơn, nộp đơn cho các dịch vụ an sinh xã hội hay thậm chí trả nợ, nhưng nếu thiếu một luật bao quát chung quản lý việc các công ty truy cập vào số lượng lớn dữ liệu của một cá nhân, tình trạng đó có thể gây ra nhiều lo ngại về quyền riêng tư. Bên cạnh đó, Phó Giáo sư Liu Deliang của Trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh còn nhấn mạnh, cần lưu tâm đến khả năng lạm dụng quyền hạn thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân của một số cơ quan nhà nước, bởi nó không chỉ liên quan đến luật mà còn cả Hiến pháp. Theo ông, cần phải định nghĩa rõ việc sử dụng sai mục đích dữ liệu, thậm chí nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu vi phạm.

Hiện nay, rò rỉ hay thu thập dữ liệu quá mức diễn ra khá phổ biến ở Trung Quốc. Một cuộc khảo sát do Hiệp hội Người tiêu dùng nước này thực hiện tháng 8 năm ngoái cho thấy, hơn 85% người được hỏi cho biết phải đối mặt với tình trạng rò rỉ dữ liệu cá nhân như số điện thoại bị bán cho những kẻ gửi tin nhắn rác hay tài khoản ngân hàng bị đánh cắp. Một báo cáo khác cũng của Hiệp hội phát hiện được trong 100 ứng dụng mà họ điều tra có tới 91 cái có vấn đề liên quan đến việc thu thập thông tin cá nhân quá mức.

Ngọc Minh