Về tên dự thảo “Luật Biên phòng Việt Nam”

Bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh

- Thứ Năm, 19/03/2020, 08:24 - Chia sẻ
Dự án Luật Biên phòng Việt Nam gồm 7 chương, 34 điều, dự kiến sẽ được Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức thẩm tra sơ bộ vào ngày 20.3 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 43 tới và trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ Chín. Về tên gọi của dự thảo Luật còn có một số ý kiến khác nhau, cần được tiếp tục nghiên cứu, trao đổi để thể hiện cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.

Cân nhắc kỹ tên gọi

Qua nghiên cứu, có thể thấy, hiện có hai loại ý kiến về tên gọi của dự án Luật. Theo đó, loại ý kiến thứ nhất nhất trí với tên gọi “Luật Biên phòng Việt Nam”, vì phù hợp với Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28.9.2018 của Bộ Chính trị và phù hợp với tên gọi của dự thảo Luật đã được nêu trong Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11.6.2019 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; và tên gọi này đã bao quát được nội dung phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.


Nguồn: ITN

Loại ý kiến thứ hai đề nghị nghiên cứu lại tên gọi này, vì cho rằng, dự án Luật được xây dựng trên cơ sở Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng song có phạm vi điều chỉnh rộng hơn. Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng năm 1997 chỉ quy định về một số nội dung cơ bản như: Vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và chế độ, chính sách của lực lượng Bộ đội Biên phòng; trong khi dự thảo Luật ngoài nội dung nêu trên còn điều chỉnh các nội dung về công tác biên phòng nói chung như nhiệm vụ biên phòng, nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, nền biên phòng toàn dân, biện pháp thực thi nhiệm vụ biên phòng, phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng, hợp tác quốc tế về biên phòng…

Hiện nay, các mảng “công tác biên phòng” đã được Nhà nước giao cho nhiều chủ thể khác nhau (các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân khu vực biên giới...). Chức năng, nhiệm vụ của các chủ thể này đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực như: Hiến pháp năm 2013, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Công an nhân dân năm 2014, Luật Hải quan năm 2014, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, Luật Dân quân tự vệ năm 2019… Đặc biệt, Luật Biên giới quốc gia năm 2003 và Nghị định số 140/2004/NĐ-CP ngày 25.6.2004 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia đã quy định cụ thể, rõ ràng về chính sách của Nhà nước, chế độ pháp lý trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; vai trò của lực lượng Bộ đội Biên phòng trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, Ngày biên phòng toàn dân... Như vậy, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật liên quan tới “công tác biên phòng” theo tinh thần giải thích từ ngữ “Biên phòng” tại Khoản 1, Điều 2, dự thảo Luật sẽ quy định lại các nội dung đã có trong các Luật khác; gây trùng lặp, chồng chéo và điều chỉnh không thống nhất về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng của Nhà nước trong thực hiện công tác, nhiệm vụ biên phòng.

Để bảo đảm thống nhất với tên gọi của Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân… (không bao gồm Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển, chịu sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng), đề nghị nghiên cứu cân nhắc sử dụng cụm từ “Việt Nam” tại tên gọi của dự thảo Luật, vì mâu thuẫn với quy định “Bộ đội Biên phòng là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng” đã xác định tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28.9.2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; mâu thuẫn với ngay quy định về vị trí của Bộ đội Biên phòng “là thành phần Quân đội nhân dân Việt Nam” tại Khoản 1, Điều 14, dự thảo Luật. Trường hợp dùng tên gọi này thì có lẽ chỉ phù hợp khi Bộ đội Biên phòng cùng tham gia thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế, đối ngoại biên phòng với các chủ thể thuộc các quốc gia khác (dưới sự chỉ đạo, giao nhiệm vụ của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng). Tuy nhiên, nếu sử dụng cụm từ “Việt Nam” tại tên gọi của Luật, có thể sẽ dễ dẫn tới cách hiểu vị trí của Bộ đội Biên phòng là tương đương bộ, cơ quan ngang bộ - chủ thể có quyền đàm phán, ký kết các Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và không bảo đảm tính thống nhất với Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Pháp lệnh về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007, Nghị định 164/2017/NĐ-CP ngày 30.12.2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng.

Rà soát, nghiên cứu các luật chuyên ngành

Tham khảo pháp luật một số nước, trong đó có Liên bang Nga cho thấy: Luật Biên giới quốc gia Liên bang Nga số 4730-1, ngày 1.4.1993 (đã sửa đổi, bổ sung) có 11 chương với 45 điều, trong đó Chương VI quy định về trách nhiệm của cơ quan chính quyền địa phương trong bảo vệ biên giới quốc gia với 4 điều (từ Điều 26 đến Điều 29) và Chương VII quy định về nhiệm vụ của các cơ quan biên giới, lực lượng vũ trang Liên bang Nga và các đơn vị, cơ quan khác trong bảo vệ biên giới quốc gia với 7 điều (từ Điều 30 đến Điều 36); đồng thời Luật Về cơ quan biên phòng của Liên bang nga, Số 55F-3 ngày 4.5.2000 gồm 7 chương với 20 điều cũng chỉ quy định về nhiệm vụ chủ yếu, thẩm quyền, thành phần chung Cơ quan Biên phòng Liên bang Nga, những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo, chỉ huy Cơ quan Biên phòng Liên bang Nga cũng như trình tự, thủ tục kiểm tra, kiểm sát hoạt động của Cơ quan Biên phòng Liên bang Nga (mà không có khái niệm biên phòng và nhiệm vụ biên phòng).

Vì vậy, chúng tôi đề nghị cần rà soát, nghiên cứu các luật chuyên ngành về một số lực lượng (như: Luật Cảnh vệ, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên...) theo hướng chỉ nên tập trung quy định về Bộ đội Biên phòng và nghiên cứu có thể sửa lại tên Luật là “Luật Bộ đội Biên phòng” hoặc “Luật Bộ đội Biên phòng Việt Nam” hoặc “Luật Lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam” và chỉnh lý lại phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động, chế độ, chính sách đối với lực lượng Bộ đội Biên phòng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng được mục đích ban hành luật, tạo cơ sở pháp lý cao hơn để xây dựng Bộ đội Biên phòng đủ khả năng hoàn thành tốt yêu cầu, nhiệm vụ theo chức năng của mình trong bảo vệ biên giới quốc gia, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

Thạc sĩ Đoàn Phúc Thịnh-
Phó Vụ trưởng, Vụ Quốc phòng và An ninh