Phòng, chống dịch COVID-19:

Bảo đảm phối hợp liên ngành

- Thứ Năm, 13/02/2020, 10:50 - Chia sẻ
“Chống dịch như chống giặc” là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19). Thực hiện lời kêu gọi đó, toàn thể các bộ, ngành từ y tế, công thương, du lịch, giáo dục cho đến các địa phương đều đã vào cuộc quyết liệt và thắt chặt công tác phòng dịch.

Bộ, ngành chủ động phòng, chống dịch

Từ trước Tết nguyên đán đến nay, công tác phòng dịch đã được Chính phủ đặc biệt chú trọng với nhiều cuộc họp, văn bản chỉ đạo cùng nhiều hoạt động tích cực. Trong đó, Bộ Y tế giữ vai trò quan trọng, đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền cho người dân về cách phòng dịch, cơ chế hoạt động và lây bệnh của virus cũng như đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát tại cửa khẩu, những nơi tập trung đông người, cách ly những đối tượng nguy cơ cao để giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm, tăng khả năng phát hiện sớm bệnh dịch. Ngoài ra, nhiều bệnh viện dã chiến cũng được lập ra tại biên giới, cửa khẩu để sẵn sàng chữa bệnh và tiến hành cách ly người dân lưu trú ở nước ngoài trở về.


Tính đến ngày 10.2, Bộ Công thương đã xử lý gần 3.700 cơ sở vi phạm nguồn cung khẩu trang, nước sát trùng  và găng tay y tế
Nguồn: ITN

Về công tác chuyên môn, y tế Việt Nam đã chế tạo thành công kit thử nhanh virus trong 70 phút thay vì 3 giờ như trước đây. Các kit thử giúp tăng khả năng ứng dụng với độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Hiện tại, Bộ Y tế cũng đang tiến hành thử nghiệm thuốc điều trị Covid-19. Song, thành tựu đáng mừng nhất có lẽ là Việt Nam đã điều trị thành công cho 6/15 bệnh nhân dương tính với virus Covid-19. Những bệnh nhân này đều được điều trị theo phác đồ đã được Bộ Y tế phê duyệt với liệu pháp điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng.

Trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, không thể không kể tới ngành Công thương với nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống dịch. Tính đến ngày 10.2, ngành Công thương đã tiến hành xử lý 3.659 nhà thuốc, cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế vi phạm nguồn cung các mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng thu giữ hàng trăm nghìn khẩu trang không rõ nguồn gốc, chất lượng kém. Bộ Công thương đã kêu gọi nhiều công ty dệt may tăng cường sản xuất khẩu trang để cung ứng trước nhu cầu của người dân.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không đứng ngoài công tác phòng chống dịch. Bộ đã ban Văn bản số 51 về “Kế hoạch hành động của ngành giáo dục về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona và dịch bệnh mùa đông xuân năm 2020” với nội dung chăm sóc, theo dõi sức khỏe học sinh, sinh viên; phối hợp với ngành y tế để thực hiện các chương trình phòng, chống dịch; triển khai các chương trình vệ sinh phòng dịch tại các cơ sở giáo dục. Bộ cũng lập nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra để giám sát công tác phòng dịch ở các trường trên cả nước cũng như trình Chính phủ thông qua kế hoạch cho học sinh nghỉ học để tránh tập trung đông người và bảo đảm công tác vệ sinh cơ sở được kỹ càng.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các biện pháp phòng dịch. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra giám sát ở những nơi nghi ngờ có dịch, bảo đảm công tác cách ly với những đối tượng có nguy cơ cao…

Thắt chặt công tác phòng dịch

Các địa phương trong cả nước đã có nhiều biện pháp nhằm tích cực phòng chống dịch Covid-19, theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, ở phía Nam, Bình Dương vốn là một địa phương có nhiều khu công nghiệp nên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương đã gửi công văn cho các Khu Công nghiệp, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore và Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh. Sở đã đề nghị rà soát, quản lý số lượng lao động người nước ngoài đang làm việc tại doanh nghiệp; về nước nghỉ lễ nhân dịp Tết Nguyên đán 2020 và chuẩn bị quay trở lại Việt Nam làm việc, đặc biệt là ở các vùng của Trung Quốc đã công bố có dịch về Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

“Bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (Covid-19) gây ra có tính lây lan nhanh và nguy hiểm. Bình Thuận là một trong những nơi có nguy cơ lây nhiễm virus này rất cao. Vì vậy, giải pháp cấp bách là giám sát, phòng chống bệnh một cách chủ động; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện quyết liệt, xem chống dịch như chống giặc. Mặt khác, Sở Y tế bảo đảm minh bạch thông tin, không bỏ sót đối tượng; hàng ngày cập nhật tình hình dịch bệnh gửi UBND tỉnh; đồng thời rà soát lại toàn bộ vật tư, trang thiết bị phòng hộ, hóa chất phòng, chống dịch... ” - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai nhấn mạnh.

Ở miền Trung, Thanh Hóa là tỉnh đã phát hiện bệnh nhân dương tính với Covid-19, tuy đã được chữa khỏi, xong UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn yêu cầu ngành y tế chủ động giám sát các mối liên quan đến dịch bệnh, bệnh nhân, những cá nhân tiếp xúc với bệnh nhân, cán bộ y tế; đồng thời dự phòng, phát hiện sớm, cách ly triệt để trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư, thiết bị cũng như các phương án ứng phó trong các tình huống; tham mưu thành lập đội phản ứng nhanh. Bên cạnh đó, yêu cầu ngành y tế sớm triển khai tập huấn các biện pháp phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Covid-19 cho các đơn vị y tế, chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, các trạm y tế xã giám sát, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp có liên quan đến yếu tố dịch tễ…

Phía Bắc, ngoài thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh đã thực hiện rất tốt công tác phòng chống dịch thì ở Cao Bằng, Lạng Sơn vốn giáp biên giới cũng đã chỉ đạo tạm dừng các hoạt động qua lại đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới; kiểm soát chặt chẽ người xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu để phòng, chống dịch do virus Covid-19 gây ra. Cơ sở y tế triển khai thực hiện tốt công tác theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; tăng cường thông tin tuyên truyền về Covid-19 và các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Tùng Dương