Quản lý thị trường nước sạch - nhìn từ vụ nước nhiễm dầu thải

Bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng

- Thứ Ba, 05/11/2019, 12:23 - Chia sẻ
Tại tọa đàm “Quản lý thị trường nước sạch - nhìn từ vụ nước nhiễm dầu thải” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 4.11, các đại biểu cho rằng, tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ công là cần thiết nhưng chính quyền phải có trách nhiệm quản lý, giám sát để bảo đảm chất lượng và giá cả dịch vụ. Muốn vậy, chính quyền trước hết phải tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng cho các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công, trong đó có nước sạch.

Khâu nào cũng “có vấn đề”

Theo các đại biểu, sản xuất và cung cấp nước sạch phải được gắn với vấn đề an ninh và an toàn cấp nước do liên quan đến sức khỏe của người dân. Vì thế, quy trình kiểm soát chất lượng nước và trách nhiệm của từng chủ thể phải được xây dựng chặt chẽ từ giai đoạn xây dựng, nghiệm thu, bàn giao công trình cho đến khâu vận hành, sản xuất và cung cấp nước sạch.

Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố vừa qua mới thấy “quy trình kiểm soát chất lượng nước và trách nhiệm của cơ quan quản lý đều có vấn đề”, Ủy viênThường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng nhận xét.


Toàn cảnh tọa đàm Ảnh: Quang Khánh

Đồng tình với ông Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và truyền thông (IPS) Nguyễn Quang Đồng trích dẫn Thông tư 50/2015 quy định việc kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt và chỉ ra rằng tần suất thử nghiệm các chỉ tiêu trong nước là quá ít. Cụ thể, cơ sở cung cấp nước có công suất từ 1.000m3/ngày đêm trở lên chỉ cần xét nghiệm ít nhất 1 lần/1 tuần các chỉ tiêu thuộc mức độ A; xét nghiệm ít nhất 1 lần/6 tháng các chỉ tiêu thuộc mức độ B và xét nghiệm ít nhất 1 lần/2 năm các chỉ tiêu thuộc mức độ C. Đối với cơ sở cung cấp nước có công suất thiết kế dưới 1.000m3/ngày đêm thì tần suất thử nghiệm ít nhất là 3 tháng 1 lần với chỉ tiêu thuộc mức độ A và 6 tháng 1 lần với chỉ tiêu thuộc mức độ B. “Tôi không hiểu vì sao nhà máy công suất khác nhau thì tần suất thử nghiệm khác nhau, bởi nếu chất lượng nước không bảo đảm thì tác hại của nó là như nhau. Có thể nhà quản lý tính tới yếu tố chi phí, nhưng dù đắt đỏ thế nào cũng phải kiểm tra vì nó liên quan tới sức khỏe của người dân”, ông Đồng nhấn mạnh.

Thông tư 50 cũng giao cho cơ quan y tế của địa phương thẩm quyền kiểm tra chất lượng nước nhưng theo ông Đồng, “khi sự cố nước nhiễm dầu thải xảy ra, không thấy đơn vị y tế nào lên tiếng xem họ kiểm soát chất lượng nước sạch như thế nào”?

Tương tự, ông Phùng Văn Hùng đặt câu hỏi “trách nhiệm cơ quan quản lý ở đâu, để gây ra lo lắng lớn cho người dân về chất lượng nước” khi đề cập đến việc Công ty CP Nước mặt sông Đuống chưa đủ điều kiện nghiệm thu đã cấp nước cho người dân. Ông Hùng xem hành động này là “sự vi phạm pháp luật”. ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thì cho rằng, khi nhà máy chưa đủ điều kiện nghiệm thu thì phải dừng ngay việc bán nước để thanh tra xử lý vi phạm. “Doanh nghiệp tự ý hay cơ quan quản lý cho phép? Cần làm rõ xem có câu chuyện lợi ích nhóm ở đây hay không?”, ông Phương nói.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Nghị định 117/2007 về sản xuất, tiêu thụ và cung cấp nước sạch cũng như các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý tài nguyên nước đều chỉ rõ: Chính quyền địa phương là chủ thể có trách nhiệm trực tiếp. Theo đó, chính quyền địa phương phải có kế hoạch xây dựng, bảo vệ hành lang nguồn nước, bảo đảm cho nước không bị ô nhiễm và ban hành các quy chuẩn của địa phương sao cho phù hợp. Ngoài ra, cần phải tổ chức giám sát, kiểm tra, giao việc cho các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh hoặc các trung tâm y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật… trong việc xử lý các sự cố. “Trách nhiệm của chính quyền địa phương đã có sự vào cuộc song vẫn còn lúng túng, không thực sự kịp thời. Sự cố xảy ra xong mới đi giải quyết chứ chưa hề có sự chuẩn bị hay các phương án phòng tránh, đề phòng”.

Vai trò của nước sạch trong cuộc sống như máu trong cơ thể người, nước không sạch thì đem lại hậu quả vô cùng lớn. Khi xảy ra sự việc mọi người mới bắt đầu nhìn lại văn bản luật có liên quan. Thực tế là, dịch vụ công chưa có luật riêng. Thứ hai, vấn đề nước sạch có trách nhiệm của các cơ quan giám sát, kiểm soát nhưng chưa được quy định chặt chẽ và trách nhiệm chính cũng chưa thấy. Ngay trong Bộ luật Hình sự, vấn đề ô nhiễm nước, cung cấp nước không bảo đảm cũng chưa có. Do vậy, phải có hẳn một chương về vấn đề này, trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà cung cấp phải được ghi trong luật rõ rang.

Luật sư Nguyễn Bích Lan,
Trưởng Văn phòng Luật sư
số 5 Hà Nội

Có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh

Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện, sự cố nước vừa qua “thức tỉnh cả xã hội”. Bản chất của chuyện này là vấn đề an ninh, chứ không phải là vấn đề cuộc sống. Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước - thông qua thể chế, cơ chế. Theo đó, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, có tính chất phá hoại, ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước cần được xử lý triệt để và mang tính răn đe cao.

Nhận xét thị trường sản xuất nước sạch đang “có dấu hiệu cạnh tranh không bình đẳng”, Viện trưởng IPS Nguyễn Quang Đồng cho rằng nếu chúng ta còn đi theo mô hình như thế này sẽ rất rủi ro. “Nếu vậy chính quyền Hà Nội có thể hôm nay quy hoạch như thế này cho doanh nghiệp A nhưng ngày mai có thể cắt để chuyển sang cho một doanh nghiệp khác thì về dài hạn không doanh nghiệp nào yên tâm tham gia vào thị trường đấy cả. Khi doanh nghiệp không tham gia vào thị trường nghĩa là thiếu nguồn cung, người dân không có nước để dùng và đây không phải chỉ chuyện riêng của Hà Nội. Ba bên gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều không có lợi nếu thị trường còn lỏng lẻo như thế này”.

Các đại biểu dự tọa đàm đều khẳng định việc để tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ công là cần thiết, nhưng chính quyền phải có trách nhiệm quản lý, giám sát. Đối với nước sạch, có thể tư nhân hóa khâu sản xuất, còn trong khâu phân phối thì Nhà nước nên độc quyền để bảo đảm chất lượng nước cung cấp cho người dân; đồng thời, chính quyền địa phương cần xây dựng cơ chế và hạ tầng bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng cho các doanh nghiệp tham gia cung cấp nước sạch để đem lại giá thành hợp lý cho người dùng. Việc để doanh nghiệp nước ngoài mua cổ phần của các doanh nghiệp sản xuất nước sạch, như tỷ phú Thái Lan mua 34% cổ phần của Công ty CP Nhà máy nước mặt sông Đuống vừa qua, - cần được nghiên cứu kỹ nên hay không vì còn có yếu tố an ninh chính trị, Luật sư Nguyễn Bích Lan, Trưởng Văn phòng Luật sư số 5 Hà Nội bày tỏ quan điểm.

Đặc biệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng, với tính chất quan trọng của dịch vụ công thiết yếu với người dân, Nhà nước cần có cơ chế kiểm soát và hệ thống pháp lý để hàng hóa ổn định về giá cả, chất lượng, nói rộng hơn tức là bảo đảm về kinh tế, xã hội và chính trị. “Để bảo đảm quyền lợi của người dân khi Nhà nước xã hội hóa dịch vụ công, phải “lấy người dân làm trung tâm”, từ đó nhấn mạnh sự tham gia của người dân, lấy ý kiến của cộng đồng trong quá trình xây dựng các quy hoạch. Là đối tượng thụ hưởng các dịch vụ công, người dân cần được được tiếp cận một cách đầy đủ, công bằng về mọi mặt như giá cả, chi phí... Chính quyền cũng phải công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình với người dân trong mọi quá trình để bảo đảm quyền lợi cho họ”, Phó Chủ nhiệm Lê Quang Huy nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, có đại biểu cho rằng, an ninh nguồn nước phải được xem là an ninh quốc gia, các công trình cấp nước phải được đưa vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia như ngành điện và việc xây dựng các điều kiện kinh doanh bắt buộc đối với doanh nghiệp sản xuất nước là sạch cần thiết. Về lâu dài, nên tính tới việc xây dựng Luật Dịch vụ công, Luật về sản xuất, cung cấp, tiêu thụ nước sạch… để quản trị quá trình chuyển đổi từ Nhà nước độc quyền cung cấp dịch vụ công sang cơ chế hợp tác công - tư. Trước mắt, Quốc hội có thể ban hành một nghị quyết để điều chỉnh tiến trình này nhằm đáp ứng ngay yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Phòng Thời sự Kinh tế