Bảo đảm minh bạch, công khai và tạo niềm tin cho người nộp thuế

- Thứ Sáu, 12/06/2020, 14:25 - Chia sẻ
Luật Quản lý thuế được sửa đổi, bổ sung nhằm mục đích thu đúng, thu đủ, thu kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước; quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý thu thuế. Nhưng quan trọng hơn luật phải có những quy định tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, những người đã tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh tạo việc làm, tạo ra của cải xã hội và đặc biệt là tạo nguồn thu để nộp ngân sách nhà nước…

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang): Nếu quy định cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế chỉ được thực hiện dựa trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế là chưa bảo đảm chặt chẽ, hợp lý
 
Điều 36, dự thảo Luật quy định trường hợp người nộp thuế đề nghị áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế hoặc giá tính thuế theo giá thị trường cho các giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết thì được thực hiện trên cơ sở thống nhất giữa cơ quan thuế và người nộp thuế theo thỏa thuận đơn phương, song phương và đa phương giữa cơ quan thuế và người nộp thuế, cơ quan thuế các nước, vùng lãnh thổ có liên quan. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện, phạm vi, nguyên tắc, nội dung và thời hiệu thực hiện đối với nội dung trên. Tôi thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình của UBTVQH trong điều kiện Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong thực tiễn, các nội dung về quy định thực hiện thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế có thể giao cho Chính phủ quy định bằng văn bản dưới luật, qua tổ chức thực hiện ổn định rồi sẽ tổng kết và sẽ luật hóa.

Theo tôi, mục tiêu của việc áp dụng cơ chế này nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan thuế, góp phần ngăn chặn tình trạng chuyển giá đang diễn ra phổ biến hiện nay. Do đó, nếu quy định cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế chỉ được thực hiện dựa trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế như dự thảo Luật đã đưa ra là chưa bảo đảm chặt chẽ, hợp lý. Vì vậy, tôi đề nghị quy định theo hướng thực hiện cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế ngoài việc dựa trên yêu cầu đề nghị của người nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế cũng có quyền chủ động đề nghị áp dụng cơ chế này đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá những trường hợp có mức rủi do cao.

Về thẩm quyền của QH, UBTVQH trong việc quyết định gia hạn nộp thuế tại Điều 50. Khoản 1 Điều 50 dự thảo Luật có quy định Chính phủ gia hạn nộp thuế trong trường hợp việc gia hạn nộp thuế không dẫn đến điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước đã được QH phê duyệt. Thực tế những năm qua cho thấy khi nền kinh tế gặp khó khăn, việc Chính phủ quyết định gia hạn nộp thuế trên diện rộng vượt quá biên độ ngân sách đã ảnh hưởng nhất định đến số thu ngân sách trong biên độ theo dự toán đã được QH phê duyệt. Bên cạnh đó, việc sử dụng chính sách miễn, giảm, giãn thuế như một giải pháp tối ưu trong khi nền kinh tế gặp khó khăn và chưa thực sự phù hợp, ảnh hưởng tới sự ổn định của hệ thống pháp luật. Vì vậy, tôi cũng thống nhất với ý kiến tiếp thu, giải trình trong báo cáo của UBTVQH. Tuy nhiên, bên cạnh nội dung giao cho Chính phủ gia hạn nộp thuế trong trường hợp gia hạn nộp thuế không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước đã được QH phê duyệt, tôi đề nghị nên quy định thêm về thẩm quyền của UBTVQH trong việc gia hạn nộp thuế theo hướng UBTVQH quyết định việc gia hạn nộp thuế vượt quá biên độ ngân sách nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, cụ thể, thuận lợi trong quá trình thực thi.

Điểm b Khoản 2a Điều 60 dự thảo Luật quy định đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau không thuộc các trường hợp quy định tại Điểm a khoản này, việc kiểm tra sau hoàn thuế được thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro, thời hạn kiểm tra không quá 10 năm kể từ ngày quyết định hoàn thuế. Tôi cho rằng việc bổ sung thời hạn kiểm tra sai phạm thuế đối với tất cả các trường hợp là cần thiết nhằm bảo đảm tính chặt chẽ trong công tác quản lý, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thuế hiện nay. Tuy nhiên, việc quy định thời hạn kiểm tra sau hoàn thuế không quá 10 năm như dự thảo Luật là quá dài, có thể gây khó khăn trong việc quản lý hồ sơ, quản lý đối tượng nộp thuế. Vì vậy, đề nghị rút ngắn thời gian kiểm tra sau hoàn thuế đối với các trường hợp quy định tại Điểm b, Khoản 2a, Điều 60 của dự thảo Luật từ 10 năm xuống còn 5- 7 năm kể từ ngày có quyết định hoàn thuế.
 
ĐBQH Phùng Đức Tiến (Hà Nam): Quy định cụ thể về nguyên tắc quản lý rủi ro và tiêu chí xếp hạng ưu tiên trong quản lý rủi ro
 
Tôi đề nghị cần ghi cụ thể trong luật về nguyên tắc quản lý rủi ro và tiêu chí xếp hạng ưu tiên trong quản lý rủi ro. Bởi vì việc quản lý thuế trong cơ chế quản lý rủi ro tuy tiên tiến, tạo tâm lý thuận lợi cho người nộp thuế yên tâm nhưng lại là vấn đề nhạy cảm liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người nộp thuế, nhất là nguyên tắc quản lý rủi ro và tiêu chí được xếp hạng ưu tiên trong quản lý rủi ro. Vì vậy, đề nghị cần cụ thể hóa trong luật để bảo đảm tính minh bạch, công khai tạo niềm tin cho người nộp thuế.

Về thời hạn giải quyết hồ sơ miễn thuế, giảm thuế đối với trường hợp cơ quan quản lý thuế ra quyết định số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, Khoản 2, Điều 64 Luật Quản lý thuế quy định: trường hợp cần thiết kiểm tra thực tế để có đủ căn cứ giải quyết hồ sơ thì thời hạn giải quyết miễn thuế, giảm thuế là 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ. Như vậy, tại Khoản 2 Điều này chưa làm rõ nội dung trong trường hợp sau khi kiểm tra thực tế nếu thấy người nộp thuế không thuộc diện miễn thuế thì có phải ra thông báo cho người nộp thuế hay không? Nếu phải ra thông báo thì thời hạn thông báo là bao nhiêu ngày cần được làm rõ.

Về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, Điểm c, Khoản 2, Điều 32 Luật Quản lý thuế hiện hành quy định quyết toán thuế năm chậm nhất là 90 ngày kể từ khi kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế, năm không phân biệt loại hình doanh nghiệp, thực tế cho thấy để thực hiện việc quyết toán thuế các doanh nghiệp đặc biệt là các tập đoàn lớn, các tổng công ty, tập hợp số liệu của các công ty con và báo cáo tài chính hợp nhất do đó thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế như quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành là tương đối ngắn, không đủ để tập đoàn, tổng công ty hoàn tất hồ sơ, thủ tục quyết toán thuế dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp chậm nộp hồ sơ và bị phạt chậm nộp hồ sơ theo quyết toán thuế. Xuất phát từ thực tiễn trên, đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về việc gia hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế đối với các tập đoàn, tổng công ty, trong đó quy định cụ thể về các tiêu chí xác định doanh nghiệp là tập đoàn công ty hoặc tập đoàn lớn, ví dụ có thể xác định quy mô về vốn hoặc bổ sung về số lượng lao động bảo đảm doanh nghiệp có thêm thời gian để hoàn tất hồ sơ quyết toán thuế. Đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý thuế trong quá trình thực thi nhiệm vụ và giảm thiểu chi phí tiết kiệm nhân lực, bảo đảm quản lý thuế có hiệu quả.

Điều 65 về việc xóa nợ thuế, quản lý thuế hiện hành có quy định cho phép xóa nợ thuế khi người nộp thuế phá sản đã chết, mất tích. Tuy nhiên, trong thực tế còn có các trường hợp doanh nghiệp giải thể không có khả năng thanh toán, doanh nghiệp thua lỗ thực sự, không có khả năng nộp thuế và đã ngừng hoạt động hoặc hộ kinh doanh đã giải thể, các trường hợp trên cơ quan thuế đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thi hành cưỡng chế bao gồm kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản của đối tượng bị cưỡng chế, thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh, giấy phép thành lập tồn đọng. Việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế để thu nợ, thu thuế đã được thực hiện quá 10 năm nhưng không có khả năng thu hồi từ đó là do cơ quan thực thi nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn, tính hiệu lực của luật không được nghiêm. Chính vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi nội dung trên…
 
ĐBQH Thân Đức Nam (Đà Nẵng): Hài hòa lợi ích nhà nước và của doanh nghiệp
 
Về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Điều 42 Luật Quản lý thuế năm 2006 cho phép thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư nguyên liệu sản xuất hàng hóa nhập khẩu là 275 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Dự thảo Luật lần này sửa đổi theo hướng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải nộp tiền thuế trước khi được thông quan giải phóng hàng hóa. Tôi cho rằng việc sửa đổi như vậy một mặt là hạn chế hiện tượng lợi dụng chính sách gia hạn thuế để cố tình nợ thuế; thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật về thuế nhưng mặt khác quy định này sẽ phần nào ảnh hưởng đến chính sách khuyến khích xuất khẩu của nhà nước, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang giảm sút như hiện nay, quy định này sẽ khiến cho doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Vì vậy, tôi đề nghị cần cân nhắc nghiên cứu lại quy định này một cách cẩn trọng để hài hòa lợi ích nhà nước và của doanh nghiệp.

Về thẩm quyền quyết định việc gia hạn thuế, tôi tán thành với việc cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của các ĐBQH bổ sung vào Điều 50 Luật Quản lý thuế, quy định và thẩm quyền Chính phủ được quyết định gia hạn nộp thuế trong trường hợp gia hạn nộp thuế không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước được QH phê duyệt. Quy định này vừa bảo đảm linh hoạt cho Chính phủ trong việc áp dụng chính sách tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn lại vừa tránh được những ảnh hưởng đến việc thu ngân sách của nhà nước trong niên độ theo dự toán đã được QH phê duyệt.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo quy định tại Điểm a, Điều 1, Khoản 1, Điều 60 của dự thảo Luật thì hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau, hồ sơ của người nộp thuế có quá trình chấp hành tốt pháp luật về thuế và các giao dịch được thanh toán qua các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng. Tôi cho rằng tiêu chí về nộp thuế có quá trình chấp hành tốt pháp luật về thuế là chưa rõ ràng cần được quy định cụ thể. Quy định như vậy, nếu áp dụng đối với các doanh nghiệp mới thành lập kể cả khi các giao dịch của họ được thực hiện qua các ngân hàng và các tổ chức tín dụng, hồ sơ đó được hoàn trước và tạo ra bất cập. Tôi đề nghị nếu trong luật không quy định được thì có thể giao Chính phủ quy định tiêu chí cụ thể…
 
ĐBQH Trần Quang Chiểu (Nam Định): Việc quản lý thu thuế bên cạnh những mặt được cũng nổi lên những tồn tại lớn
 
Về nội dung bảo lãnh tiền thuế theo Khoản 3, Điều 42 của dự thảo Luật. Một trong những nội dung quan trọng của chiến lược cải cách thuế là bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, chống việc lợi dụng chính sách thuế để chây ỳ, trốn thuế, nợ đọng tiền thuế và bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế cho ngân sách nhà nước, từ đó góp phần khuyến khích sản xuất và kinh doanh. Thực trạng của việc quản lý thu thuế trong thời gian vừa qua, bên cạnh rất nhiều mặt đạt được thì việc quản lý thu thuế cũng nổi lên những tồn tại lớn, đó là tình trạng nợ đọng tiền thuế có xu hướng ngày một tăng, nhất là trên lĩnh vực xuất nhập khẩu, các hành vi trốn thuế, lậu thuế ngày càng tinh vi hơn. Nguyên nhân thì có nhiều, song có một nguyên nhân quan trọng đó là Luật Quản lý thuế hiện hành chưa bao quát và chưa điều chỉnh hết những bất cập phát sinh trong thực tiễn. Ví dụ như việc ân hạn đối với hàng xuất nhập khẩu đã tạo kẽ hở lớn để người nộp thuế lợi dụng chiếm dụng tiền thuế, nợ đọng tiền thuế, chây ỳ tiền thuế...

Theo số liệu mà chúng tôi biết được thì đến nay có gần 6 nghìn lô hàng nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất xuất khẩu và gần 1 nghìn hợp đồng gia công xuất khẩu chưa thanh khoản tương ứng với số thuế nợ đọng khoảng trên 1.500 tỷ đồng quá hạn, trong đó nợ quá hạn cưỡng chế khoảng 1.100 tỷ đồng, khoảng trên 660 doanh nghiệp gia công xuất nhập khẩu bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh hoặc ngừng hoạt động hoặc bị điều tra khởi tố với số thuế nguyên liệu nhập không có khả năng thu hồi trên 500 tỷ đồng, 127 doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài bỏ trốn với số thuế gần 120 tỷ đồng, gần 540 doanh nghiệp thuộc các đối tượng khác với số thuế nợ đọng nguyên liệu gần 400 tỷ đồng. Từ thực trạng như trên, tôi đồng tình và nhất trí với dự thảo Luật về việc thực hiện cơ chế bảo lãnh theo Khoản 3, Điều 42 của dự thảo luật với các lý do sau đây. Một, việc sửa đổi luật như dự thảo nhằm  bảo đảm tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý thuế, khắc phục tình trạng chây ỳ, dây dưa kéo dài nộp thuế sau đó bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh hoặc tự ý phá sản, giải thể doanh nghiệp để chiếm dụng tiền thuế của nhà nước, từ đó gây thất thu rất lớn cho ngân sách nhà nước. Bảo đảm được thực hiện thu đúng, thu đủ, kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước, nâng cao trách nhiệm của người nộp thuế, đồng thời, bảo đảm có hiệu quả hơn trong công tác chống gian lận, nợ thuế đối với những doanh nghiệp ý thức chấp hành pháp luật về thuế chưa cao. Hai, việc quy định như dự thảo Luật bảo đảm bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, góp phần khuyến khích sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu, từ đó gia tăng giá trị tạo ra trong nước đối với hàng hóa xuất khẩu theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Ba, việc quy định như dự thảo là phù hợp với thông lệ quốc tế. Bốn, việc sửa đổi quy định về thời hạn nộp thuế đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu như dự thảo Luật thì doanh nghiệp thực hiện bảo lãnh có mức độ ảnh hưởng không lớn đến doanh nghiệp so với số tiền lãi chậm nộp.

Tuy nhiên theo tôi đối với các doanh nghiệp luôn chấp hành tốt chính sách pháp luật của nhà nước thì QH có thể nghiên cứu có quy định riêng đối với loại hình doanh nghiệp này theo hướng doanh nghiệp có thể đăng ký nộp thuế theo quý, theo tháng hoặc thực hiện chế độ kho bảo thuế. Những doanh nghiệp làm ăn tốt này không phải thực hiện cơ chế bảo lãnh như dự thảo Luật. Còn việc xác định doanh nghiệp nào thuộc diện ưu tiên theo cơ chế quản lý rủi ro thì cơ quan thuế có thể xác định được.
 
ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình): Nếu luật can thiệp quá sâu vào các lĩnh vực chuyên ngành sẽ làm mất đi tính tổng quát của luật…
 
Theo Báo cáo giải trình của UBTVQH thì việc kiểm ta các trường hợp hoàn thuế theo phương thức hoàn trước kiểm tra sau được quy định như sau: đối với một số trường hợp trong 4 trường hợp được quy định trong luật, thời hạn kiểm tra không quá 1 năm kể từ ngày có quyết định hoàn thuế. Đối với trường hợp khác, việc kiểm tra sau hoàn thuế được thực hiện theo cơ chế quản lý rủi ro và thời hạn kiểm tra không quá 10 năm kể từ ngày có quyết định hoàn thuế. Về vấn đề này tôi có ý kiến như sau: vấn đề hậu kiểm và áp dụng biện pháp quản lý rủi ro rõ ràng là một trong những bước tiến bộ nó sẽ giảm bớt gánh nặng và phù hợp với khả năng về số lượng cán bộ của cơ quan quản lý thuế hiện nay, vì số lượng doanh nghiệp là quá lớn nếu áp dụng việc kiểm tra 100% thì sẽ khó khả thi. Đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc giảm bớt những thủ tục hành chính liên quan. Tuy nhiên tôi vẫn rất băn khoăn ở một số điểm. Đối với 4 nhóm đối tượng rủi ro lớn nhất cần phải hậu kiểm trong vòng 1 năm, tôi hoàn toàn nhất trí, nhưng đối với các trường hợp khác sẽ được kiểm tra theo cơ chế rủi ro trong vòng 10 năm. Vậy, xin hỏi đối với cơ chế quản lý rủi ro đã được quy định bổ sung tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 4 trong Dự thảo Luật thì sẽ có khoảng bao nhiêu phần trăm đối tượng sẽ được kiểm tra? Việc xác định đối tượng kiểm tra theo tiêu chí đánh giá rủi ro về thuế sẽ loại bỏ bớt một số các đối tượng nằm trong diện kiểm tra, liệu điều này có làm ảnh hưởng gì đến tính ngẫu nhiên trong quá trình kiểm tra không bởi nếu không bảo đảm tính ngẫu nhiên mà lại xuất hiện tính quy luật hay trong trường hợp số lượng đối tượng bị kiểm tra quá ít so với tổng số thì tính ngẫu nhiên cũng bị vi phạm rất lớn. Do đó việc hậu kiểm của là hoàn toàn không đạt được kết quả như mong muốn.

Ngoài ra tôi cũng hết sức băn khoăn với thời hạn 10 năm. Theo quy định, việc kiểm tra quyết toán thuế chỉ có thời hạn trong 5 năm. Vậy, nếu đối tượng nào hơn 5 năm mới bị kiểm tra thì những năm trước đó coi như không bị xem xét có đúng hay không? Cũng liên quan đến vấn đề này, thực tế cho thấy Luật Quản lý thuế hiện nay cho phép doanh nghiệp được chuyển quyền tự tính, tự khai, tự nộp thuế theo quy định của ngành thuế là 1 năm kiểm tra sẽ bình quân được khoảng 10-15% số doanh nghiệp phải chấp hành pháp luật thuế. Với tổng số doanh nghiệp hiện nay khoảng 380 nghìn doanh nghiệp và khoảng 3 triệu hộ kinh doanh cá thể thì trung bình khoảng 10 năm mới bị kiểm tra vòng trở lại một lần. Trong khi đó việc kiểm tra quyết toán thuế chỉ có thời hiệu trong 5 năm, như vậy thì cũng sẽ không xử lý được trong những năm trước đó, nếu phát hiện ra những sai phạm.

Theo nhận thức của tôi, Luật Quản lý thuế là luật quy định về thủ tục, các hành vi ứng xử của người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế trong thực thi quản lý thuế, về cách thức vận hành của các chính sách thuế. Hay nói cách khác, Luật Quản lý thuế là luật quy định việc tổ chức thực hiện cho mọi luật thuế. Vì vậy, nội dung của các điều khoản được quy định trong luật phải đề cập tới những vấn đề chung nhất về tổ chức thực hiện quản lý thuế và thực thi các luật thuế nói chung. Tuy nhiên, khi nghiên cứu nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, vẫn còn có khá nhiều nội dung thuộc các luật chuyên ngành của thuế như thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân, thuế môn bài được đề cập đến rất nhiều trong luật, cá biệt đôi khi còn đề cập quá chi tiết, ví dụ Điều 42 quy định về thời hạn nộp thuế đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu và điều kiện để được áp dụng thời hạn nộp thuế xuất khẩu, nhập khẩu... Trong tương lai sẽ có nhiều sắc thuế khác được ban hành theo xu thế chung phát triển của nền KT - XH. Như vậy việc Luật Quản lý thuế can thiệp quá sâu vào các lĩnh vực chuyên ngành sẽ làm mất đi tính tổng quát của một luật mang tính thủ tục, tính ổn định của đạo luật cũng sẽ bị mất đi do thường xuyên bị thay thế, cập nhật, sửa đổi, bổ sung bởi các đạo luật thuế chuyên ngành khác…
 
ĐBQH Trần Xuân Hoà (Quảng Ninh): Thời hạn kiểm tra sau, hoàn thuế trước đối với một số trường hợp trong thời hạn là 10 năm là quá dài
 
Điều 32 về thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế, đề nghị bổ sung thêm vào Điểm c Mục 8 Điểm 1 trường hợp các công ty mẹ của các tập đoàn, tổng công ty có nhiều đơn vị hạch toán phụ thuộc thì thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm chậm nhất là ngày thứ 180, vì hiện nay việc nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp được thực hiện nộp qua mạng internet và thời hạn cuối cùng phải nộp là 90 ngày sau ngày kết thúc năm tài chính đối với các công ty mẹ thuộc các tập đoàn, tổng công ty có nhiều đơn vị hoạch toán phụ thuộc nên để bảo đảm thời gian nộp báo cáo quyết toán và nộp tờ khai quyết toán thuế, các doanh nghiệp này phải lập báo cáo làm 2 lần, lần 1 là báo cáo quyết toán chưa được kiểm toán, lần 2 là báo cáo quyết toán đã được kiểm toán độc lập kiểm toán. Thường báo cáo quyết toán đã được kiểm toán kết quả kinh doanh sẽ thay đổi khác với lần 1, do vậy, tập đoàn, tổng công ty phải kê khai tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp điều chỉnh nhưng hiện tại chưa có quy định nào đối với trường hợp này.

Hiện các văn bản dưới luật hiện hành đang quy định những trường hợp người nộp thuế, khai thuế bổ sung hồ sơ khai thuế làm tăng số tiền thuế phải nộp, giảm số tiền thuế được hoàn thì ngoài việc nộp bổ sung số thuế nộp thiếu và số thuế hoàn thừa, người nộp thuế phải tự xác định số tiền phạt chậm nộp căn cứ vào số tiền thuế chậm nộp hoặc số tiền thuế đã được hoàn. Số ngày chậm nộp và mức xử phạt theo quy định tại Điều 106 Luật Quản lý thuế tại Mục c, Khoản 5, Điều 6 Thông tư số 28/2011 của Bộ Tài chính ngày 18/2/2007. Quy định như trên là chưa phù hợp với trường hợp nộp lại tờ khai quyết toán thuế sau khi báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập, vì trên thực tế, doanh nghiệp không vi phạm nên không thể xử phạt, việc có thay đổi thông tin trong tờ khai quyết toán thuế là do thực tế phù hợp với báo cáo tài chính sau khi đã được kiểm toán.

Hai, về gia hạn nộp thuế, để bảo đảm trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc tiếp nhận và hồ sơ khai gia hạn thời gian nộp thuế, đề nghị bổ sung thêm Mục 9, Điều 1 như sau: 4. Trường hợp hết thời hạn 3 ngày mà cơ quan thuế chưa trả lời thì được hiểu cơ quan thuế đã nhận gia hạn theo hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế của đơn vị. Bên cạnh đó cũng nên bổ sung việc gia hạn nộp thuế đối với trường hợp doanh nghiệp phải di dời cơ sở sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của nhà nước và doanh nghiệp có nợ thuế do chưa được thanh toán theo chế độ từ ngân sách nhà nước.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế, tại Mục b, Khoản 2a, Điều 60 quy định thời hạn kiểm tra sau, hoàn thuế trước đối với một số trường hợp trong thời hạn là 10 năm là quá dài dễ dẫn đến các doanh nghiệp lợi dụng thuế phát sinh tiêu cực, trong thời gian này có thể có nhiều biến động đối với mỗi doanh nghiệp, ví dụ chuyển đổi, giải thể, phá sản... Đề nghị cân nhắc một khoảng thời gian hợp lý hơn, ví dụ 3 năm.

Tiết d, Khoản 1, Điều 85 Luật Quản lý thuế quy định, một trong những nhiệm vụ của trưởng đoàn thanh tra thuế là lập biên bản thanh tra thuế, song luật không quy định việc lập biên bản phải thực hiện trong thời hạn bao nhiêu ngày kể từ ngày kết thúc thanh tra tại doanh nghiệp. Đây là một kẽ hở có thể phát sinh tiêu cực. Ngoài ra để bảo đảm trách nhiệm của cơ quan thuế, trưởng đoàn thanh tra thuế trong việc ra biên bản thanh tra thuế, đề nghị bổ sung khoảng thời gian tối đa cho công việc này.

Minh Vân lược ghi