Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Bảo đảm lộ trình phù hợp

- Thứ Bảy, 26/10/2019, 08:21 - Chia sẻ
Tại phiên thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), đa số ĐBQH đồng thuận với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, theo các ĐBQH, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần bảo đảm lộ trình phù hợp cũng như tính công khai, minh bạch để người lao động biết được độ tuổi phù hợp với ngành nghề của mình.

Phù hợp với xu thế hiện nay

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tuổi nghỉ hưu là vấn đề có tác động lớn đối với người lao động và thị trường lao động, vì vậy, UBTVQH báo cáo trình Quốc hội 2 phương án quy định về tuổi nghỉ hưu tại Khoản 2 Ðiều 169 để xem xét, cho ý kiến. Cụ thể, phương án 1 (phương án Chính phủ trình quy định cụ thể lộ trình và tuổi): Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.


Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã lấy ý kiến xác định 1.810 ngành nghề, lĩnh vực, công việc nặng nhọc, độc hại
Nguồn: ITN

Với phương án 2 (phương án quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình) thì tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ. Kể từ ngày 1.1.2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Khẳng định việc tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH và tình hình hiện nay, khi sức khỏe và tinh thần của người lao động được cải thiện nhiều so trước đây, ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cho biết, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Năm 2017, người cao tuổi Việt Nam chiếm 11,9% trong tổng số dân số; dự kiến đến năm 2038, nhóm dân số hơn 60 tuổi đạt 21 triệu người, cứ 10 người có một người hơn 60 tuổi; tuổi thọ trung bình hiện nay đối với nam là 72,1 tuổi; nữ là 81,3 tuổi. Trong khi tuổi thọ đang cao thì tuổi nghỉ hưu lại tương đối thấp so với thế giới, ảnh hưởng bất lợi đến kinh tế - xã hội nếu không có chính sách điều chỉnh phù hợp, đồng thời ảnh hưởng đến việc cân đối quỹ BHXH.

Thảo luận tại hội trường, không ít ĐBQH đồng tình với phương án 1 vì phương án này vừa bảo đảm minh bạch, rõ ràng, tuân thủ quy định của Hiến pháp về quyền của “người làm công ăn lương”. Theo ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với nam là 3 tháng mỗi năm và nữ là 4 tháng mỗi năm được quy định ngay trong Bộ luật này sẽ bảo đảm được tính công khai, minh bạch khi xác định thời gian hoàn thành; người lao động cũng dễ nhận biết thời điểm được nghỉ hưu.

Rõ từng ngành nghề, lĩnh vực

Không ít ý kiến cho rằng, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết; song mức tăng và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét các yếu tố như đối tượng, lĩnh vực ngành nghề. Theo đó, cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật…

ĐBQH Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, cần đánh giá, phân loại danh mục chi tiết với những ngành nghề công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, nơi có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Đồng tình với quan điểm đó, ĐBQH Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đề nghị, nên có quy định người lao động trong một số ngành nghề có thể nghỉ hưu trước và sau độ tuổi, thậm chí là 10 năm thay vì 5 năm. Việc quy định khoảng rộng như vậy để xem xét đến những người lao động ở môi trường nặng nhọc, độc hại, vẫn có thể nghỉ hưu ở độ tuổi 50 - 52.

Trong khi đó, ĐBQH Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) lại cho rằng, không nên mặc định người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định. Bởi việc quy định như vậy sẽ khó thực hiện cho người sử dụng lao động và người lao động. Để bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong việc lựa chọn trường hợp kéo dài tuổi nghỉ hưu phù hợp với thực tiễn, cần sửa theo hướng người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu không quá 5 năm với điều kiện người lao động có nguyện vọng và được người sử dụng lao động đồng ý.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, hiện Bộ đã lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp, xác định 1.810 ngành nghề, lĩnh vực, công việc nặng nhọc, độc hại. Với điều kiện độc hại, suy giảm sức khỏe thì đương nhiên số người này sẽ thuộc nhóm nghỉ hưu sớm tới 10 năm. Theo đó, việc xác định ngành nghề, lĩnh vực này sẽ bảo đảm tính công khai, minh bạch giúp người lao động biết rõ được độ tuổi phù hợp với ngành nghề của mình, tạo điều kiện cho người làm công việc nặng nhọc, trong môi trường độc hại có thể nghỉ trước tuổi, đồng thời người có trình độ làm trong lĩnh vực khác có thêm thời gian làm việc, cống hiến.

Thảo Mộc