Diễn đàn Sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội - Những vấn đề đặt ra

Bảo đảm hiệu quả hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội

- Thứ Tư, 19/02/2020, 09:26 - Chia sẻ
Luật Tổ chức Quốc hội hiện nay được Quốc hội Khóa XIII thảo luận rất kỹ, thể chế hóa nhiều quan điểm mới của Hiến pháp năm 2013, từ việc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực đến vị trí, vai trò của các cơ quan nhà nước, của chính quyền địa phương, của kiểm toán..., trong đó xác định vị trí trung tâm quyền lực nhà nước là Quốc hội. Chính vì vậy, phải khẳng định ngay là Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành được thiết kế khá chặt chẽ và bài bản.

Do cách tổ chức chứ không phải do Luật

Việc sửa đổi Luật lần này tiếp tục thực hiện chủ trương của Trung ương về tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tôi đồng tình một số ý kiến cho rằng vấn đề gì cố gắng thể chế hóa được thì sửa ngay nhưng cũng có những vấn đề có thể xử lý bằng các văn bản sau này thì hợp lý hơn. Đơn cử như tỷ lệ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách, Luật hiện nay quy định không thấp hơn 35% tổng số ĐBQH nhưng thực tế chưa nhiệm kỳ nào chúng ta đạt được đủ tỷ lệ tối thiểu 35% này. Như vậy, nếu đưa vào Luật, nâng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách lên đến 45 - 50% thì công khai, minh bạch, như có đại biểu đã nhận định sẽ là cơ sở để chúng ta quyết tâm nâng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách, nhưng tôi cho rằng, việc quy định như vậy sau này sẽ khó bảo đảm thực hiện.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) Ảnh: Quang Khánh

Liên quan đến việc chuyển sinh hoạt đoàn của ĐBQH từ địa phương này đến địa phương khác, tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn ứng cử, thì sửa chỉ để cụ thể hóa, hiện nay chúng ta vẫn làm mà không có gì vướng mắc, rất nhiều ĐBQH đã chuyển đoàn không có vấn đề gì. Việc tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn, tôi không biết các tỉnh khác thế nào. Riêng ĐBQH tỉnh Hòa Bình ứng cử ở một đơn vị bầu cử nhưng khi tiếp xúc cử tri là tiếp xúc cử tri toàn tỉnh chứ không phải chỉ về riêng đơn vị ứng cử. Lúc đó không phân biệt đơn vị bầu cử số 1, đơn vị bầu cử số 2, một nửa tỉnh phía Đông, một nửa tỉnh phía Tây... mà đã trở thành đại biểu thì hầu như tiếp xúc cử tri hết tất cả các địa bàn trong tỉnh. Việc này là do cách tổ chức của đoàn ĐBQH địa phương chứ không phải luật quy định chỉ được hoặc không được như thế.

Đoàn đại biểu Quốc hội không phải là cơ quan thu nhỏ của Quốc hội ở địa phương

Về đoàn ĐBQH ở địa phương, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của đoàn ĐBQH. Quốc hội Khóa XIII cũng đã bàn rất kỹ về việc đoàn ĐBQH làm nhiệm vụ tổ chức cho ĐBQH giám sát, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, tức là chỉ làm nhiệm vụ tổ chức cho ĐBQH thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu chứ không phải là một cơ quan Quốc hội thu nhỏ ở địa phương, lại càng không phải là một cơ quan của cấp chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đúng là trên thực tế, đoàn ĐBQH có những hoạt động giống như của một cơ quan. Ví dụ, khi Quốc hội ban hành nghị quyết về giám sát, ngoài những địa phương đoàn giám sát của Quốc hội về giám sát thì đoàn ĐBQH địa phương đó không phải tổ chức giám sát còn với những địa phương mà đoàn giám sát của Quốc hội không về giám sát trực tiếp được thì giao cho đoàn ĐBQH địa phương giám sát và báo cáo. Khi đó, đoàn ĐBQH tại địa phương phải quyết định thành lập đoàn giám sát. Vậy văn bản này là văn bản hành chính hay văn bản gì? Quyết định thành lập đoàn giám sát do Trưởng đoàn ĐBQH là Trưởng đoàn giám sát, Phó Trưởng đoàn là Phó Trưởng đoàn giám sát, mời các thành viên tham gia đoàn giám sát, có chương trình, kế hoạch làm việc, sau đó có báo cáo kết quả, kết luận hoạt động giám sát. Kết luận và kiến nghị đó đối với địa phương phải thực hiện, ít nhất là tiếp thu, giải trình và phải thực hiện. Như vậy, đoàn ĐBQH ở địa phương trên thực tế không đơn thuần chỉ là tổ chức cho ĐBQH thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật mà thực sự đã trở thành một thiết chế cũng không kém phần quan trọng để tạo nên hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội hiện nay.

Tôi nhớ Khóa XIII khi bàn về vấn đề này, cũng rất nhiều ý kiến đặt vấn đề vị thế của đoàn ĐBQH nên như thế nào? Lúc đó, Quốc hội cũng thấy rằng, nếu cứ muốn xác định rõ đoàn ĐBQH là cái gì, ở đâu thì rất khó. Bây giờ chúng ta cố gắng quy định tối đa để làm sao hoạt động của Quốc hội nói chung và đoàn ĐBQH cũng như cá nhân ĐBQH tốt lên.

Thực ra, trên thế giới không có đoàn ĐBQH, chỉ có ĐBQH, hoạt động của ĐBQH là độc lập và cấp kinh phí cho ĐBQH thuê văn phòng, thuê thư ký, lập văn phòng hết khóa là thôi. Nhưng thể chế chính trị của chúng ta có đặc thù riêng, hiện nay thực hiện cũng không vướng mắc gì, thậm chí vị trí, vai trò của Quốc hội ngày càng được nâng lên ở cả các phiên họp toàn thể trong kỳ họp và hoạt động thường xuyên hàng ngày của các cơ quan thường trực, ở địa phương cũng rất tốt. Vì thế, việc sửa đổi lần này, nên tính toán đến các yếu tố bảo đảm để làm sao duy trì và phát huy được hiệu quả hoạt động của đoàn ĐBQH.

Nguyễn Tiến Sinh - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình