Diễn đàn Sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội - Những vấn đề đặt ra

Bảo đảm đúng tinh thần của Hiến pháp

- Thứ Hai, 17/02/2020, 07:48 - Chia sẻ
Với việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội, trước hết chúng ta cần rà soát lại tinh thần của Hiến pháp. Nghiên cứu Luật Tổ chức Quốc hội và một số luật, có thể thấy có những quy định phù hợp với tinh thần của Hiến pháp, nhưng tôi cảm giác “thiết kế” ở một số luật về hoạt động Quốc hội có những điểm mang tính chất hành chính.

Nên để mở số lượng các cơ quan của Quốc hội

Như chúng ta đều biết, Quốc hội làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số - đây là nguyên tắc xuyên suốt từ hoạt động của Quốc hội đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Ví dụ trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy định người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về luật hay nghị quyết được ban hành - điều này có đúng với Quốc hội không? Thực tế, Hiến pháp không quy định trách nhiệm này, Chủ tịch Quốc hội chỉ là người ký chứng thực, còn luật và nghị quyết đó là do Quốc hội quyết định, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Tương tự, ở các Ủy ban cũng vậy, đồng chí Chủ nhiệm cũng chỉ có một phiếu, bình đẳng với các thành viên khác trong Ủy ban. Quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội theo Điều 72 của Hiến pháp là người: Chủ tọa các phiên họp, ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; lãnh đạo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội. Trong Hiến pháp không nêu trách nhiệm của Chủ tịch Quốc hội là có lý do mang tính khoa học của tổ chức bộ máy nhà nước. Nếu có vấn đề về trách nhiệm, thì ở đây là trách nhiệm chính trị trước cử tri, và trách nhiệm chính trị khác với trách nhiệm dân sự, hành chính, trách nhiệm hình sự. Nói như vậy không có nghĩa để chúng ta thoát vấn đề về trách nhiệm, nhưng phải rõ. Cho nên, đề nghị cơ quan soạn thảo phải rà lại các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Quốc hội, bảo đảm đúng tinh thần của Hiến pháp, tránh việc sẽ đưa một số cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội như một “Thủ trưởng chế”. Nếu là “Thủ trưởng chế” thì sai hoàn toàn với nguyên tắc hoạt động của Quốc hội.


Ảnh: Quang Khánh

Tôi đồng tình với một số Ủy ban có tên gọi quá dài thì nên viết gọn lại cho khoa học. Ví dụ, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục là đủ. Về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, tôi đề nghị nên quy định mở, theo đó số lượng các Ủy ban cũng mở. Trong Hiến pháp quy định, Quốc hội quyết định về tổ chức các bộ máy giúp việc của Quốc hội, và cũng chỉ quy định các cơ quan của Quốc hội là Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban. Cho nên, theo tôi, nên để mở, chứ không nên “đóng sống” là có bao nhiêu Ủy ban mà số lượng Ủy ban đó do Quốc hội quyết định, và bảo đảm đúng tinh thần trong trường hợp cần thiết Quốc hội có thể thành lập Ủy ban lâm thời để giải quyết những vấn đề đặt ra. Sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội lần này phải thể hiện được tinh thần đó.

Liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của từng Ủy ban, tôi đề nghị cần rà soát lại và có sự điều chỉnh. Ví dụ, lĩnh vực tài chính, ngân sách, tài chính bao gồm tài chính công, và trong tài chính công thì có ngân hàng nhà nước. Mặt khác, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là hai chính sách phải gắn bó với nhau. Thế nhưng, hiện nay, lĩnh vực ngân hàng đang nằm ở lĩnh vực thuộc Ủy ban Kinh tế (?). Ngân hàng Nhà nước nằm trong hệ thống tài chính công, vậy tại sao lại nằm ở lĩnh vực “thẩm - giám” của Ủy ban Kinh tế? Nếu liên quan đến hoạt động của các ngân hàng thương mại là kinh doanh tiền tệ thì có thể thuộc lĩnh vực của Ủy ban kinh tế. Cho nên, với cách phân công nhiệm vụ như hiện nay, thì nhiều lúc sự phối hợp giữa chính sách tài chính và chính sách tiền tệ còn gặp khó khăn, cụ thể là trong công tác thẩm tra.

Tôi đồng tình với chủ trương chuyển hai ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành hai cơ quan của Quốc hội. Đã đến lúc chín muồi rồi. Chúng ta không nâng cấp, không thành lập hai Ủy ban, vì Ủy ban thì phải có chức năng “thẩm - giám - kiến” (thẩm tra - giám sát - kiến nghị), mà đặt vấn đề chuyển thành hai cơ quan của Quốc hội. Thực tế, Ban Công tác đại biểu làm công tác đại biểu cho cả Quốc hội; Ban Dân nguyện cũng là tập hợp ý kiến dân nguyện cho Quốc hội, cho nên chuyển thành cơ quan của Quốc hội là xứng đáng. Nếu đọc kĩ trong Hiến pháp thì có thể thấy cũng không có gì vướng mắc. Quyền thành lập các cơ quan này ở cấp độ nào thì thuộc quyền của Quốc hội theo tinh thần của Hiến pháp. Và để không vướng, chúng ta nên giữ là Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện, nhưng là hai cơ quan trực thuộc Quốc hội.

Tính thêm vị trí pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội

Về Đoàn đại biểu Quốc hội, theo tôi phải rà soát lại Điều 43 của Luật Tổ chức Quốc hội để làm rõ vị trí pháp lý. Rất nhiều lần chúng ta đã tranh luận nên giao nhiệm vụ như thế nào. Luật Tổ chức Quốc hội đã ghi rất rõ quyền hạn, nhiệm vụ của đoàn đại biểu Quốc hội. Theo tôi, cần bắt đầu rà từ tinh thần của Hiến pháp. Hiến pháp quy định trong tổ chức của cơ quan lập pháp gồm Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, và khi cần thiết thì thành lập các Ủy ban lâm thời. Tuy nhiên, trong Hiến pháp có quy định “Quốc hội quyết định tổ chức của Quốc hội”, có nghĩa Quốc hội có quyền thành lập các tổ chức của mình để thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội. Cho nên, việc ban hành Điều 43 về đoàn đại biểu Quốc hội là có căn cứ, Quốc hội có quyền quyết định tổ chức này của mình. Tuy nhiên Khoản 1 Điều 43 ghi “Đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức của các đại biểu Quốc hội” là không rõ. Đoàn đại biểu Quốc hội phải là tổ chức của Quốc hội, thành lập để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn đại biểu Quốc hội, Điểm a, Điểm b thì được rồi, nhưng Điểm c thì cần xem xét lại. Trong tất cả nghị quyết của Quốc hội hiện nay đều có một “câu quét” là Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội giám sát thực hiện nghị quyết này. Chúng ta cần phân biệt, làm rõ đây là tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội là một tổ chức của Quốc hội thực hiện nhiệm vụ giám sát, hay Đoàn đại biểu Quốc hội chỉ là đơn vị để tổ chức hoạt động giám sát cho các đại biểu Quốc hội? Hai vấn đề đó rất khác nhau. Khi đã tổ chức giám sát thì phải có nghị quyết giám sát, đối tượng giám sát, phạm vi giám sát, sau đó phải có kết luận giám sát, chỉ không có “thẩm” thôi, còn “giám” thì đoàn Đại biểu Quốc hội  có quyền như một Ủy ban. Đây là câu chuyện cũng cần phải xem xét về mặt pháp lý như thế nào? Nếu tổ chức cho đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ giám sát thì được, nhưng đứng ra để giám sát thì cần tính thêm vị trí pháp lý. Thực tế thì từ trước đến nay, rất nhiều đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát rất tốt, chúng ta cũng có thể thực hiện việc này nhưng phải làm rõ.

 Lam Giang lược ghi

_________

* Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt