Bảo đảm dân quân tự vệ lớn mạnh và rộng khắp

- Thứ Tư, 05/12/2018, 08:23 - Chia sẻ
Đó là quan điểm thống nhất của nhiều đại biểu đưa ra tại Hội thảo về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) do Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức ngày hôm qua tại TP Quy Nhơn, Bình Định.

Không dễ trong tình hình mới

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường, cơ quan soạn thảo cần có cách tiếp cận phù hợp hơn trong tình hình mới về vị trí, chức năng và thành phần của lực lượng dân quân tự vệ (DQTV). Cụ thể, cần thống nhất, đây là lực lượng quần chúng mang tính chất vũ trang, có đặc điểm không thoát ly sản xuất, công tác. Bộ phận này có xu hướng xuất hiện nhiều hơn trong xã hội tiến bộ… Đây chính là lực lượng có chức năng giải quyết những công việc chung của cộng đồng theo phương châm tại chỗ. Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường đang tác động lên mọi mặt đời sống và để tuyển chọn được nhân lực DQTV lúc này không phải đơn giản.


Toàn cảnh hội thảo  Ảnh: Lê Tùng

Chia sẻ thực tế tại các địa phương trên địa bàn, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 5 Cao Phi Hùng thông tin, hiện việc thực hiện nhiệm vụ huấn luyện diễn ra không thường xuyên, liên tục bởi dân quân đi làm ăn xa, theo thời vụ. Cá biệt, 14 trung đội dân quân biển tại 7 tỉnh, việc xét chọn càng khó thực hiện, vì công dân đánh bắt trên biển luôn thay đổi, việc quản lý, biên chế, làm phiếu khám sức khỏe cho dân quân, lập danh sách để thực hiện các kế hoạch không kịp thời. Đại diện tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Việc quy định kết nạp DQTV vào tháng 4 hàng năm đối với dân quân biển là không hợp lý, vì ngư dân ăn Tết xong là đi đánh bắt dài ngày, liên tục trên biển, nên rất khó xét chọn, kết nạp vào dân quân biển. Đồng thời, nên quy định thời gian huấn luyện cho dân quân biển vào tháng 9 - 10, lúc biển động, ngư dân không đi biển thì họ mới có thể tham gia... Ngay cả nguồn tài chính, từ địa phương hay Trung ương bổ sung, cũng được tỉnh Quảng Ngãi đề nghị đưa vào dự thảo Luật lần này. Vì hiện nay mỗi địa phương có cách làm khác nhau, dẫn đến nguồn nhiều - ít rất cách biệt… dù theo luật, địa phương nào cũng bị bắt buộc phải thực hiện.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị, sau khi Hiến pháp 2013 đi vào cuộc sống, đây là thời điểm tốt để tạo ra bước đột phá trong xây dựng luật, kế đó là xây dựng lực lượng. Đừng để “bình mới rượu cũ”, nguyên Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa nói. “Tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước, khu vực và thế giới hiện nay biến động từng ngày, từng giờ, nhất là cuộc cách mạng 4.0. Tính chất các cuộc chiến tranh đang thay đổi, an ninh truyền thống, phi truyền thống cũng đã có sự vận động khác biệt so với cách đây 10 năm khi xây dựng Luật. Vậy Luật cần được sửa đổi theo hướng nào để lực lượng DQTV vận động và bắt kịp những thay đổi này”, Nguyên Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa nêu vấn đề. Ông Khoa cũng đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm hơn đến công tác tuyển chọn, lấy chính trị làm cơ sở tuyển chọn để cân nhắc đưa vào dự luật.

Tính đến yếu tố doanh nghiệp

Nhiều đại biểu phản ánh, Luật năm 2009 điều chỉnh các quy định liên quan đến việc thành lập đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công việc này đang còn rất nhiều khó khăn, hạn chế, bộc lộ những bất cập cả về cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện. Những đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp được thành lập thời gian vừa qua đều là công sức kiên trì thuyết phục của cơ quan quân sự địa phương đối với chủ doanh nghiệp, giúp họ nhận thức và đồng thuận thực hiện công tác này.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Trần Đình Nhã cho rằng, cơ quan soạn thảo cần tính rất kỹ đến yếu tố doanh nghiệp và quy định lực lượng tự vệ. Qua khảo sát, nguyên Phó Chủ nhiệm Trần Đình Nhã nhận được rất nhiều phản hồi thiếu tích cực từ doanh nghiệp vừa và nhỏ, liên doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. “Đối với doanh nghiệp, mục tiêu cao nhất luôn đặt lên hàng đầu là lợi nhuận sản xuất kinh doanh. Để đạt được lợi nhuận tối đa trong sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp luôn phải cân nhắc và tính toán tới mức thấp nhất các chi phí sản xuất, quản lý và điều hành. Đối với người lao động trong doanh nghiệp, mục tiêu cao nhất là thu nhập và bảo đảm chế độ, quyền lợi nên nếu tham gia lực lượng tự vệ mà không ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của họ, họ sẽ làm còn không thì ngược lại”, nguyên Phó Chủ nhiệm Trần Đình Nhã thẳng thắn.

Trên thực tế, để xây dựng lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp, nhất là các đơn vị có yếu tố nước ngoài thì điều cốt lõi nhất là phải có sự đồng thuận của chủ doanh nghiệp. Việc thành lập đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp không chỉ bảo đảm một số lợi ích của doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa chính trị quan trọng khác. Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự PVN Vũ Ánh Đông chia sẻ, ngành dầu khí đang quản lý, vận hành nhiều công trình lớn, tầm cỡ quốc gia và có đầy đủ mô hình doanh nghiệp trong Tập đoàn. Giám đốc các doanh nghiệp không hề “mặn mà” với việc thành lập đơn vị tự vệ bởi nhiều lý do, trong đó chủ yếu là mâu thuẫn trong các quy định về tổ chức thực hiện, nhất là ban điều hành phải chịu sự chi phối từ hội đồng quản trị. Thực tế là không hội đồng quản trị nào muốn chi thêm tài chính cho việc thành lập lực lượng vũ trang - một việc họ luôn coi là nhiệm vụ của Nhà nước.

Kết luận Hội thảo, đại diện Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh ghi nhận toàn bộ ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, đồng thời cho biết sẽ tổng hợp đầy đủ, chuyển đến cơ quan soạn thảo trong thời gian sớm nhất. Theo chương trình, dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) sẽ trình QH cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Bảy tới. 

Nam Anh