Bảo đảm chất lượng trang thiết bị y tế

- Thứ Hai, 05/08/2019, 08:37 - Chia sẻ
Với dân số khoảng 96 triệu người nên nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam rất lớn. Điều đó đòi hỏi cùng với việc chú trọng đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại cần phải thường xuyên kiểm định máy móc, thiết bị y tế có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh.

Băn khoăn chất lượng thiết bị

Theo các chuyên gia, việc quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế tại một số đơn vị còn thiếu chặt chẽ nên có tình trạng sử dụng kém hiệu quả, ít sử dụng nhưng cũng có nơi thiếu trang thiết bị hiện đại. Kết quả kiểm toán chuyên đề về công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế của Kiểm toán Nhà nước mới đây tại  8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Lai Châu, Nghệ An, Hà Giang, Bình Dương cho thấy, tổng số trang thiết bị hỏng, sử dụng còn hạn chế là 1.225 thiết bị với tổng nguyên giá là hơn 371,8 tỷ đồng. Trong đó, trang thiết bị hỏng không khắc phục được là 649 thiết bị, tổng nguyên giá 68,5 tỷ đồng; trang thiết bị hỏng chưa được sửa chữa 120 thiết bị, tổng nguyên giá 151,7 tỷ đồng; trang thiết bị chưa hoặc ít sử dụng 456 thiết bị, tổng nguyên giá 151,5 tỷ đồng. Cá biệt, còn khá nhiều thiết bị được đầu tư mới nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc mới đưa vào sử dụng đã hỏng.

Chú trọng đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh Ảnh: Thảo Mộc

Nguyên nhân là do nguồn kinh phí hạn hẹp, đầu tư từ nhiều nguồn vốn, nhiều thời điểm dẫn tới trang thiết bị của các cơ sở y tế còn thiếu, chưa đồng bộ, một số thiết bị công nghệ đã lạc hậu. Trang bị trên xe cứu thương chuyên dùng không đầy đủ theo quy định; cơ sở hạ tầng tại một số cơ sở y tế còn thiếu, chưa đồng bộ, xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh, ảnh hưởng nhiều đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thiết bị Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện có 90% thiết bị y tế đang sử dụng tại các bệnh viện địa phương là nhập khẩu từ các nước Nhật Bản, Đức, Mỹ, Trung Quốc và Singapore (chiếm hơn 50% tổng giá trị nhập khẩu).

Mặc dù vậy, thiết bị y tế nhập khẩu chất lượng có bảo đảm hay không vẫn là băn khoăn của không ít chuyên gia, bởi có không ít thiết bị đã qua sử dụng. Còn nhớ cuối năm 2018, Hải quan cửa khẩu Sài Gòn khu vực 4 đã kiểm tra 5 kiện hàng nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam phát hiện có 5 chiếc máy xét nghiệm dùng trong y tế. Trong đó, có tới 2 máy xét nghiệm sinh hóa tự động, 1 máy xét nghiệm huyết học tự động, 1 máy xét nghiệm miễn dịch tự động và 1 máy kiểm tra tiểu đường. Kết quả giám định cho thấy tất cả số máy móc, thiết bị này đều đã qua sử dụng, chất lượng còn dưới 50%.

Lơ là trong kiểm định

Không chỉ thiếu trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh, việc kiểm định máy móc, thiết bị y tế có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, cũng còn nhiều hạn chế. Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế, kết quả mới đây khi kiểm tra tại 36 bệnh viện, có 31 đơn vị thực hiện đúng quy định về kiểm định định kỳ máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (đạt 86,1%); 13,9% bệnh viện chưa thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động cho các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động hoặc kiểm định đã hết hiệu lực như ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Tuệ Tĩnh và Bệnh viện K.

Phần lớn các đồng hồ đo áp lực chưa được kiểm định định kỳ; nhiều bệnh viện, nồi hấp áp lực để tại khoa, phòng không được kiểm định định kỳ kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động. Theo báo cáo của các đơn vị, hiện có 1.501 máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đang được sử dụng, trong đó có 1.334 máy, thiết bị đã được kiểm định định kỳ đạt 88,9%; có 525 máy, thiết bị đã được khai báo với cơ quan quản lý nhà nước về lao động đạt 34,9%.

Về an toàn bức xạ, theo Cục Quản lý môi trường y tế, hầu hết khu vực làm việc có liên quan đến bức xạ thường xuyên được đo, kiểm tra môi trường; các phòng đặt các thiết bị phát xạ được thiết kế, xây dựng theo quy định; về cơ bản, hàng năm máy móc, thiết bị được kiểm định và kiểm chuẩn; nhân viên bức xạ được tập huấn về an toàn bức xạ, được cấp liều xạ kế cá nhân. Tuy nhiên, qua kiểm tra tại 36 bệnh viện, mới có 22 đơn vị thực hiện bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế; còn 38,9% bệnh viện chưa thực hiện tốt công tác an toàn đối với thiết bị bức xạ tại khoa chẩn đoán hình ảnh.

Các lỗi chủ yếu của các bệnh viện trên là chưa có kế hoạch ứng phó khẩn cấp sự cố bức xạ; một số nhân viên bức xạ không được tập huấn về an toàn bức xạ; biển cảnh báo bức xạ, đèn cảnh báo bức xạ không đúng quy định; chưa có hồ sơ lưu tại Khoa Xquang phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra một số nhân viên bức xạ không có liều xạ kế cá nhân; một số cửa phòng chụp Xquang không bảo đảm an toàn…

Minh Nhật