Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ

Bảo đảm chất lượng, công bằng và thuận lợi cho học sinh

- Thứ Tư, 24/09/2014, 08:37 - Chia sẻ
Đó là ý kiến của các đại biểu tại Phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận về việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ tổ chức sáng 23.9, tại Hà Nội.

Nhiều băn khoăn

Việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015 để đạt 2 mục tiêu: xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, nếu thực hiện tốt sẽ góp phần giảm áp lực, tốn kém cho xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn không ít hoài nghi. Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông băn khoăn: khi xét công nhận tốt nghiệp THPT, kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý) và điểm học tập trung bình năm lớp 12, vậy kết quả học tập năm 12 chiếm bao nhiêu phần trăm, hệ số ra sao? Bộ GD - ĐT có phương án chấn chỉnh việc cho điểm trong năm học lớp 12 để bảo đảm công bằng giữa các địa phương, đồng thời ngăn chặn chạy điểm năm học lớp 12 không?


Nguồn: vcmedia.vn
Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) cũng đặt nhiều câu hỏi xung quanh phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia: Bộ giao quyền tổ chức chấm thi và coi thi cho các trường đủ năng lực, uy tín, vậy các cơ sở giáo dục nào đủ điều kiện, năng lực, tiêu chuẩn được giao tổ chức thi và chấm thi, tiêu chí cụ thể ra sao? Bên cạnh đó, trong Kỳ thi THPT quốc gia, ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, nhưng thực tế trong một cuộc khảo sát, ngay cả tại các thành phố lớn vẫn có trên 90% giáo viên dạy ngoại ngữ không đạt chuẩn. Như vậy áp dụng ngoại ngữ là môn thi bắt buộc có khả thi không? Mặt khác, trong báo cáo của Bộ GD - ĐT cho biết, sẽ ban hành quy định miễn thi ngoại ngữ cho một số đối tượng. Điều này có dẫn đến tình trạng học chống đối, thi chống đối và chạy đua học chứng chỉ để được miễn thi không?

Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Thanh Hải quan tâm đến những khó khăn, hạn chế của phương án thi mới và phương án khắc phục của Bộ GD - ĐT. Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: để thay đổi kỳ thi có không ít trở ngại, nhưng khó nhất là sức ỳ và thói quen. Trong ngành giáo dục hiện nay, việc truyền thụ kiến thức một chiều đã đi vào máu thịt. Thầy giáo, phụ huynh, học sinh đã học theo kiểu đó, đánh giá theo kiểu đó, dạy theo kiểu đó và thành đạt nhờ kiểu đó. Do vậy, cần tuyên truyền, giải thích để giáo viên, học sinh và phụ huynh hiểu việc đổi mới kỳ thi lần này. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, đấy mới là lo lắng về phía dư luận. Băn khoăn nhất là sự khác biệt về kết quả giữa các cụm thi, không dựa trên lực học của học sinh mà do phương án tổ chức thi, cách thức quản lý, địa điểm tổ chức thi, tính nghiêm minh của kỳ thi, cách thức kiểm tra giám sát.

2 loại cụm thi dễ không công bằng

Theo Bộ GD - ĐT, Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức theo cụm do các trường ĐH chủ trì cụm thi phối hợp chặt chẽ với Sở GD - ĐT, trường ĐH trên địa bàn cũng như các sở, ban ngành khác của địa phương. Bên cạnh đó, Bộ GD - ĐT thống nhất với UBND cấp tỉnh tại các địa phương không có cụm thi do trường ĐH chủ trì để tổ chức một số cụm thi do Sở GD - ĐT chủ trì, dành cho học sinh không có nhu cầu xét tuyển vào ĐH. Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng cho rằng, làm như vậy sẽ dẫn đến khó bảo đảm về mặt bằng chất lượng, vì thực tế trước đây tổ chức thi tốt nghiệp THPT tại địa phương, tỷ lệ đỗ rất cao nhưng khi thi đại học lại có điểm số rất thấp. Khi có 2 loại cụm thi như vậy cũng sẽ dễ xảy ra tình trạng cụm thi do trường ĐH tổ chức quản lý chặt, học sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT cũng phải thi theo kiểu đó, trong khi ở các cụm thi do Sở GD - ĐT chủ trì lại không như vậy. Bộ GD - ĐT phải bảo đảm học sinh thi ở 2 cụm này có mặt bằng như nhau. Bên cạnh đó, khi thi tại các cụm do Sở GD - ĐT chủ trì, nhưng học sinh vẫn có nguyện vọng vào đại học thì vô hình chung đã tước đi cơ hội vào đại học của các em. Tại sao không tạo điều kiện cho học sinh được thi cùng một hệ chuẩn, cùng một sự quản lý, để các cháu có cơ hội bình đẳng như nhau - đại biểu Phùng Văn Hùng bày tỏ.

Cùng ý kiến trên, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng: những thứ không thể không có trong một kỳ thi là tính minh bạch, công bằng, nghiêm cẩn. Với giải pháp thi theo cụm, chúng ta hướng tới sự thuận lợi, giảm nhẹ áp lực cho học sinh. Với học sinh có ý định xét tuyển vào ĐH, CĐ, việc thi theo cụm là cần thiết, nhưng nếu học sinh không có ý định xét tuyển vào ĐH thì có nhất thiết phải thi theo cụm không? Hiện nay chúng ta chưa tin tưởng vào bộ máy địa phương, thì có thể tăng cường bằng cách giám sát, giám sát xã hội và giám sát chuyên môn, để học sinh không có ý định xét tuyển vào ĐH có thể thi ở trường của mình. Đáng lưu ý là bộ phận học sinh này không nhỏ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi cũng cho rằng: cụm thi do các trường ĐH chủ trì là giải pháp mạnh, khai thác được ưu điểm mà cả xã hội thừa nhận của kỳ thi ĐH, so với kỳ thi tốt nghiệp THPT về độ tin cậy, nghiêm túc. Tuy nhiên, cụm thi do Sở GD - ĐT chủ trì chưa rõ ràng: lúc đầu Bộ trưởng Bộ GD - ĐT cho rằng các em không có nguyện vọng vào ĐH, CĐ có thể thi ở đây, nhưng sau đó lại nói một số trường ĐH, CĐ tổ chức theo phương án riêng có thể xét tuyển các em này. Đây là điểm yếu, Bộ GD - ĐT cần nghiên cứu giải pháp khắc phục, hạn chế tối đa bất cập này. Bên cạnh đó, đề thi chưa chắc đã là yếu tố chính, mà coi thi và chấm thi có nghiêm túc hay không mới quyết định kết quả thi. Việc tổ chức hai cụm thi tính nghiêm túc không đồng đều, sẽ không công bằng giữa thí sinh ở hai loại cụm thi, vì tuy thi cùng 1 đề nhưng coi thi, chấm thi theo tiêu chí khác nhau, thì điểm khác nhau. Cũng cần đề phòng tình trạng lách quy định tuyển sinh, tức là học sinh dự thi ở cụm thi địa phương để đạt điểm cao, sau đó lấy kết quả xét tuyển vào trường ĐH. Nếu Bộ GD - ĐT muốn tạo thuận lợi cho học sinh miền núi, tại sao không để cho các cháu thi tại trường như hiện nay, thay vì phải đến cụm thi? Làm như vậy sẽ không còn cụm thi do Sở GD - ĐT chủ trì, bỏ đi vấn đề có thể trở thành điểm yếu. Các cháu muốn vào ĐH, CĐ vẫn phải đến cụm do các trường ĐH chủ trì, để có mặt bằng chung - Gs Đào Trọng Thi gợi ý.

Lê Thủy ghi