Sổ tay

Bảo đảm an toàn hành lang lưới điện

- Thứ Ba, 16/07/2019, 07:29 - Chia sẻ
Mặc dù việc bảo đảm an toàn hành lang lưới điện thời gian qua đã được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm, song vi phạm hành lang lưới điện tại nhiều nơi trên địa bàn vẫn còn xảy ra, làm ảnh hưởng đến hoạt động truyền tải điện, tính mạng con người và tài sản của người dân và Nhà nước.

Theo Điều 15, Nghị định 134/2013/NĐ - CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định an toàn điện. Mức phạt tiền thấp nhất là 1 triệu đồng và cao nhất là 50 triệu đồng, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm. Ngoài hình thức xử phạt chính là phạt tiền thì tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu phương tiện vi phạm, bồi thường thiệt hại, khôi phục lại hiện trạng ban đầu, buộc chấm dứt hành vi vi phạm… Đối với những hành vi vi phạm có tính chất và mức độ nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính một lần mà vẫn tiếp tục vi phạm, đối tượng vi phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp nghiêm khắc hơn, đó là xử lý hình sự…

Chia sẻ trên một số phương tiện thông tin đại chúng về những vi phạm hành lang lưới điện, Giám đốc Công ty Lưới điện cao thế TP Hà Nội (thuộc Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội - EVN HANOI) Phạm Đại Nghĩa cho biết: “kể từ khi có Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26.2.2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực, ngành điện lực có thêm công cụ để phối hợp triển khai trong công tác quản lý. Nghị định quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, nhờ đó việc quản lý hành lang lưới điện đi vào quy củ và giảm đáng kể số vụ vi phạm”.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít vi phạm liên quan đến hành lang an toàn lưới điện chưa được xử lý triệt để. Tính đến cuối tháng 6.2019, Hà Nội còn 18 công trình vi phạm tồn tại dưới lưới điện cao áp 110kV. Bên cạnh đó, vẫn còn xảy ra tình trạng lắp đặt bảng hiệu quảng cáo, tự ý xây dựng, cải tạo, sửa chữa công trình, trồng cây... làm ảnh hưởng đến hành lang lưới điện. Vụ việc vi phạm gần đây nhất vào ngày 26.4.2019, xe cẩu biển kiểm soát 29LD-1566 do ông Bùi Sỹ Điền điều khiển đã vi phạm khoảng cách an toàn tại khoảng cột 54-55 lộ đường dây Hà Đông - Bắc An Khánh (quận Nam Từ Liêm)… Các vi phạm không chỉ làm gián đoạn cung cấp điện, gây thiệt hại về kinh tế, mà nghiêm trọng hơn còn có nguy cơ đe dọa đến an toàn của người dân.

Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do các tuyến đường dây và trạm biến áp nằm rải rác ở 30 quận, huyện của thành phố, tốc độ đô thị hóa nhanh, các tòa chung cư cao tầng và công trình nhà dân thi công xây dựng liên tục vi phạm hành lang lưới điện cao áp 110kV… trong khi lực lượng thanh kiểm tra còn mỏng. Để bảo đảm an toàn lưới điện Công ty Lưới điện cao thế TP Hà Nội đã chủ động khuyến cáo, người dân, cơ quan, chủ các công trình không tự ý làm các công việc trong phạm vi hành lang lưới điện; ký liên kết an ninh với 76 đơn vị phường, xã, thị trấn về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, nhằm phát hiện ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm. Nhưng thực tiễn cho thấy, việc xử lý các vi phạm về an toàn điện, nhất là vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng địa phương và ý thức tự giác tuân thủ luật pháp của người dân, đặc biệt là những vi phạm xảy ra trong khu vực đô thị, tập trung đông dân cư.

Để bảo đảm an toàn hành lang lưới điện, ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, hạn chế phát sinh các vi phạm mới, cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền; việc xử lý vi phạm cần nghiêm túc, đối với những trường hợp nguy hiểm có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, ảnh hưởng đến an toàn lưới điện cần được tập trung xử lý dứt điểm.

Trần Hải