87 năm Báo chí cách mạng Việt Nam

Báo chí - hơi thở của nghị trường đến với cử tri

- Thứ Năm, 21/06/2012, 08:43 - Chia sẻ
Trao đổi về vai trò và mối quan hệ giữa QH, ĐBQH với báo chí, nhiều ĐBQH cho rằng, trong những kỳ họp gần đây, hoạt động của QH và thông tin trên báo chí có tương tác trực tiếp. Đây là nét mới của báo chí nghị trường. Khi QH cho ý kiến hoặc chuẩn bị thông qua một dự án luật thì trên các phương tiện truyền thông có nhiều tin, bài liên quan với thông tin đa chiều. Điều này giúp ĐBQH rất nhiều trong quá trình xem xét, quyết định thông qua dự án luật. Báo chí không chỉ là nguồn thông tin mà còn là phương tiện quan trọng để ĐBQH thực hiện nhiệm vụ dân cử.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi: Báo chí không chỉ là nguồn thông tin mà còn là phương tiện quan trọng để ĐBQH thực hiện nhiệm vụ dân cử

Để mỗi quyết định của QH đều đại diện cao nhất cho quyền và lợi ích hợp pháp của người dân thì cơ quan dân cử phải nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Báo chí góp phần đắc lực vào việc thực hiện sứ mạng này. Qua kênh báo chí, QH và ĐBQH có thể nắm bắt kịp thời nhiều vấn đề của thực tiễn cuộc sống, nguyện vọng của cử tri cũng như quá trình triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Ở phương diện này, tính đại chúng của báo chí và vai trò đại diện của QH đã gặp nhau. Đặc điểm này làm cho mối quan hệ giữa QH và báo chí mật thiết, gần gũi. Mặt khác, báo chí gần gũi với QH do hoạt động của cơ quan dân cử mở so với nhiều cơ quan quản lý Nhà nước khác. QH  tạo điều kiện cho phóng viên tiếp cận với nghị trường. Trong những kỳ họp gần đây, tôi thấy hoạt động của QH và thông tin trên báo chí có tương tác trực tiếp. Đây là nét mới của báo chí nghị trường. Khi QH cho ý kiến hoặc chuẩn bị thông qua một dự án luật thì trên các phương tiện truyền thông có nhiều tin, bài liên quan với thông tin đa chiều. Điều này giúp ĐBQH rất nhiều trong quá trình xem xét, quyết định bấm nút thông qua dự án luật. Báo chí không chỉ là nguồn thông tin mà còn là phương tiện quan trọng để ĐBQH thực hiện nhiệm vụ dân cử. Thông qua báo chí, các đại biểu bày tỏ quan điểm, chính kiến về những vấn đề đặt lên bàn nghị sự của QH, để báo cáo với cử tri về hoạt động của mình; qua đó xây dựng hình ảnh của người đại biểu trước công chúng. Thông qua báo chí, cử tri cũng được biết ý kiến của 500 ĐBQH khi thảo luận về các dự án luật, giám sát, hay quyết đáp các vấn đề quan trọng của quốc gia nhờ các tin, bài đa dạng, kịp thời được phản ánh trên các phương tiện truyền thông.

Do đặc điểm của QH nước ta có 2/3 tổng số ĐBQH kiêm nhiệm nên cũng có ý kiến băn khoăn về việc đại biểu cần đứng ở vai nào khi trả lời phỏng vấn báo chí. Đúng là ĐBQH kiêm nhiệm, bên cạnh nhiệm vụ của đại biểu dân cử thì còn phải hoàn thành và thường dành nhiều thời gian cho công việc chuyên môn. Nhưng theo tôi, khi ĐBQH trao đổi về lĩnh vực chuyên môn thì không phải phát ngôn của đại biểu dân cử. Vì thế, khi trao đổi với báo chí tại hành lang mỗi kỳ họp, ĐBQH cần đứng ở vai là người được cử tri bầu, thực hiện nhiệm vụ đại biểu của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi mong muốn và tin tưởng rằng báo chí sẽ thực sự là người bạn đồng hành cùng với ĐBQH, QH. Báo chí sẽ làm tốt hơn vai trò của mình trong việc kết nối giữa đại biểu dân cử, cơ quan dân cử với cử tri và nhân dân.

ĐBQH Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa): Báo chí đã chuyển được hơi thở của nghị trường tới cử tri cả nước

Thời gian qua, báo chí đã chuyển được hơi thở của nghị trường tới cử tri cả nước. Với sự đa dạng về thể loại và các phương thức chuyển tải, báo chí cơ bản đã phản ánh được diễn biến tại nghị trường một cách kịp thời, đầy đủ và toàn diện. Vai trò của báo chí là phản ánh chân thực, khách quan mọi mặt trong đời sống xã hội, kinh tế, chính trị, qua đó góp phần định hướng dư luận xã hội về các vấn đề của đất nước. Thông qua báo chí, cử tri nắm bắt tình hình hoạt động của QH, các Ủy ban của QH. Báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh đời sống chính trị đất nước và thế giới, gián tiếp giúp cử tri giám sát, kiểm tra công việc điều hành, quản lý của Nhà nước. Ngược lại, QH rất cần tới báo chí, bởi thông qua kênh truyền thông đại chúng, QH có thể tiếp nhận hoặc truyền tải các thông tin về những vấn đề mà ĐBQH quan tâm, hoặc giải đáp các tâm tư, kiến nghị của cử tri; ĐBQH có cơ hội để bày tỏ chính kiến, phân tích, mổ xẻ vấn đề dưới góc độ của người trong cuộc hoặc dưới góc độ của người đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của một nhóm cử tri. Do đó, việc ĐBQH cởi mở với giới báo chí là cần thiết. Nhưng cũng phải với điều kiện là giới báo chí phải luôn đề cao tinh thần tôn trọng sự thật, phản ánh một các trung thực, khách quan, để trở thành cầu nối hữu hiệu, thường trực giữa cử tri và QH.

ĐBQH Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh): Trong 20 phút giải lao ở nghị trường mà không gặp báo chí thì thật buồn

Với QH và ĐBQH thì rõ ràng báo chí là cầu nối hữu hiệu với cử tri. Trong những năm vừa qua, báo chí đã góp phần chuyển tải hình ảnh của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử đến gần với người dân hơn. Báo chí đã góp phần giúp cử tri giám sát được việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử. Thông qua báo chí, ĐBQH cũng có thể nắm bắt và hiểu được tâm tư, nguyện vọng của cử tri nhiều hơn. Với riêng tôi, trong 20 phút giải lao tại nghị trường mà không gặp báo chí sẽ là điều rất buồn. Bởi việc bày tỏ quan điểm, chính kiến với báo chí cũng là cách để đại biểu báo cáo kết quả hoạt động với cử tri.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, báo chí có vai trò quan trọng trong thúc đẩy quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của QH cũng như thúc đẩy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Từ thực tiễn hoạt động ở QH, tôi thấy, báo chí là kênh cung cấp thông tin cực kỳ quan trọng với ĐBQH. Thông qua Báo ĐBND – tiếng nói của QH, diễn đàn của ĐBQH, HĐND và cử tri - tôi muốn gửi lời cám ơn chân thành tới các cơ quan báo chí, các bạn phóng viên vì đã đưa đến cho tôi cũng như các ĐBQH khác nhiều thông tin quý báu từ thực tiễn cuộc sống. Hành trang đại biểu dân cử của tôi dày dặn hơn cũng nhờ các bạn. Trong quá trình tiếp xúc với báo chí cũng xảy ra một vài sự cố đáng tiếc, nhưng đó là những sự cố không lớn. Chúc các cơ quan báo chí, phóng viên sẽ giữ mãi bút sáng, lòng trong.

ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội): Với trách nhiệm của người cầm bút, mỗi nhà báo như một người lính

Báo chí liên quan đến đời sống tư tưởng, và là một phần không thể thiếu của đời sống tinh thần. Truyền thông có sức mạnh lớn, giúp thay đổi nhận thức, định hướng dư luận xã hội. Vì vậy, theo tôi, tất cả những thông tin đưa lên báo chí trước hết phải trung thực, có tính xây dựng. Các nhà báo, với trách nhiệm của người cầm bút thì cũng giống như những người lính, mỗi bài báo phải có sức chiến đấu, phải có tác dụng gạn đục khơi trong. Báo chí phải phản ánh, vạch trần những cái chưa tốt trong đời sống xã hội, nhưng phản ánh với phương châm nhằm tìm ra giải pháp, định hướng cho dư luận hướng tới cái thiện, cái tốt và loại bỏ cái xấu. Như thế, theo tôi mới là một nhà báo chân chính.

QH có ba chức năng cơ bản là lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Với hai kỳ họp mỗi năm, thì giữa các Kỳ họp QH, các cơ quan của QH, Đoàn ĐBQH triển khai nhiều hoạt động như tổ chức nghe giải trình tại các phiên họp của Ủy ban. Ở đây có vai trò quan trọng của công tác truyền thông báo chí. Thông qua báo chí, người dân hiểu về hoạt động của QH, các ĐBQH. Nếu không có báo chí, có lẽ hiệu quả các hoạt động của QH sẽ không được thể hiện đầy đủ mà có khi chỉ loanh quanh trong QH, các cơ quan của QH và ĐBQH với nhau thôi. Báo chí sẽ là cây cầu hết sức quan trọng nối người dân với QH, với Chính phủ. Thực tế cho thấy, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hoặc thậm chí các quyết định về xây dựng dự án luật, các ĐBQH trước hết phải lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của người dân. Để có thể lắng nghe và tiếp thu những phản ánh từ người dân thì ĐBQH phải có thông tin – các cơ quan báo chí đã làm tương đối tốt ở lĩnh vực này. Cá nhân tôi, khi muốn tra cứu thông tin về bất kỳ một vấn đề gì, tôi có thể lên mạng, có thể xem báo chí. Những số liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng tương đối phong phú. Điều quan trọng là các nguồn số liệu báo chí cung cấp cho chúng tôi tương đối là sát thực và có nguồn gốc rõ ràng. Đấy là một trong những cơ sở để đại biểu phân tích, tổng hợp, chắt lọc và thể hiện chính kiến về những vấn đề cử tri quan tâm, bức xúc.

P. Thủy - T. Chi - Q. Khánh thực hiện; Ảnh: Khánh Phương