Tản mạn

Bánh trung thu

- Chủ Nhật, 25/08/2019, 08:50 - Chia sẻ
Những hộp bánh vài trăm nghìn, có khi cả triệu ấy, bọn nhóc miền quê không biết giá, nhưng chúng vẫn có thể nhìn thấy ở trên tivi với tất cả sự thèm thuồng...

Thật sự thì tôi muốn mua một hộp bánh trung thu cho con mình. Đó là mơ ước lớn của tôi mười mấy năm nay và biết sẽ khó lòng thực hiện. Vì chúng nó sẽ không ăn. Vì chúng không thèm, vì chúng đã ăn rồi...

Tuổi thơ tôi, chưa bao giờ được ăn một miếng bánh trung thu, tận đến khi tốt nghiệp đại học. Hồi ở quê, tôi cũng được ăn bánh mà phụ huynh học sinh biếu bố tôi (thầy hiệu trưởng), là bánh thuẩn và bánh in. Bánh thuẩn như bánh bông lan, bánh in thì làm từ bột và mè. Khi đó, nhìn quảng cáo bánh Trung thu trên tivi, tôi rất thèm.

Giờ, trung thu thì còn rất xa, người ta đã tặng bánh. Có thể là mấy công ty, doanh nghiệp quen biết, khách hàng quảng cáo, vài người bạn, dăm bạn đọc cũ, dăm người thân thiết, một vài thân chủ của bà xã...

Tôi nhận được một hộp bánh từ một anh bạn, ngày xưa từng có chuyện nhờ tôi, thời anh còn khó khăn. Có lần cận trung thu, trời mưa, anh chở vợ đến nhà, ướt lướt thướt. Tôi đi làm chưa về, hai vợ chồng nấp nhờ hiên hàng xóm co ro đợi. Vỏ hộp bánh làm bằng bìa, giá rẻ, hút hơi nước ẩm phồng. Không ăn ngay sợ mốc, tôi pha trà cắt bánh. Sẵn vui, chủ nhà nướng con khô và đong xị đế...

Mấy năm sau ít gặp nhau, nhưng anh cũng vẫn không quên ghé cơ quan tôi tặng bánh. Nhưng năm ngoái, rồi cả mới đây, tôi nhận điện thoại từ một số lạ hoắc, xuống hỏi bảo vệ thì thấy một anh trẻ măng, giở cốp ô tô đưa tôi giỏ bánh, bảo anh gửi. Trong cốp xe còn mấy chục hộp sắp lên cao đụng trần. Giờ tặng bánh cũng như gởi công văn vậy.

Những hộp bánh tôi mang về nhà, sau chiếc đầu tiên, trẻ con chẳng thèm ăn nữa. Đi làm lâu, quan hệ nhiều, bánh biếu tặng cũng nhiều. Xách về trước trung thu, mẹ tụi nhóc thường đưa qua hai mái ấm, bánh mặn gửi tặng nhà mở bên giáo xứ, bánh chay tặng mấy đứa nhỏ ở chùa. Nhưng mấy năm nay thì ngưng hẳn, là vì hai chỗ đó cũng có nhiều người tặng.

Cũng có những hộp bánh tôi nhận mà ngậm ngùi vì biết người tặng cũng không dám mua nó cho con ăn, như một chị bạn đọc nghèo ở Mộc Hóa, một ông già ở miền Tây tất tả xe đò lên tặng tôi.

Rồi một lần, sau trung thu, tôi đi phượt. Cốp xe chẳng hiểu sao còn một hộp bánh to sáu cái, có cả bánh dẻo, bánh nướng. Trưa qua đèo, tấp vào vệ cỏ, dừng xe hóng gió pha một ấm trà, phát hiện ra gói bánh khi lấy bình đun nước, tôi cắt một chiếc vì bụng đói.

Bốn đứa nhóc chăn bò gần đó đến nhìn, thèm thuồng. Tôi cho mỗi đứa một chiếc. Chúng nó mừng rỡ nhưng chỉ ăn chung hai cái tôi cắt, còn lại xin tôi mấy cái bịch, gói về.

Nhiều năm nay, tôi không còn sợ bánh ế, tôi cẩn thận cất sao cho nó không mốc. Những hộp bánh vài trăm ngàn, có khi cả triệu ấy, bọn nhóc miền quê không biết giá, nhưng chúng vẫn có thể nhìn thấy ở trên tivi với tất cả sự thèm thuồng. Có lần, một bà lão nhặt phân bò đã ăn hết nửa cái bánh to khi tôi tặng bà một hộp bánh, khiến tôi phải cản.

Lúc đó, tôi lại muốn cám ơn những người đã tặng bánh. Bởi tôi vẫn muốn trên hành trình rong ruổi của mình, nơi tôi thường gặp những bà lão còng lưng trên đồng cháy nhặt phân, những đứa trẻ chăn bò nhem nhuốc bên những vệ cỏ triền đê..., một chút quà phố. Biết đâu, họ đã coi ké tivi và thấy cái thứ bánh “đoàn tụ, sum vầy”, “thay lời muốn nói” gì đó mà dễ chừng, nhà họ nhịn ăn cả tuần cũng chưa chắc mua nổi một hộp.

Người quê thèm, dù trung thu có thể đã qua...

Đức Hiển