Tản mạn

Bánh cuốn chợ Cầu

- Thứ Năm, 16/08/2018, 07:42 - Chia sẻ
Bánh cuốn, hay bánh ướt, bánh mướt... là những cách gọi khác nhau tùy địa phương. Nhưng ở đâu, tên gọi thế nào thì về bản chất vẫn là bánh làm từ bột gạo hòa tan và hấp chín bằng hơi nước. Là thứ quà đặc trưng của nền văn minh lúa nước. Ở quê tôi, bánh cuốn là một bằng chứng văn hóa.

Quê tôi, xứ đồng lấn biển, người dân mưu sinh trọng sức vóc, nên dù văn hóa ẩm thực đa dạng vẫn nổi tiếng chém to, kho mặn. Bánh cuốn, vì thế không tráng mỏng như những nơi khác. Là quà, nhưng không thanh cảnh, người quê tôi ăn bánh cuốn chủ no.

Bánh cuốn quê tôi tráng dày, mềm mại, và mỡ màng nên không bao giờ có hàn the. Hành không phi kỹ, khô giòn, mà gần như chỉ xào mỡ để rưới lên bánh chứ không rắc. Người quê tôi ăn bánh cuốn dù ở nhà hay ở chợ cũng đều phải là bánh cuốn nóng mới ngon.

Hồi tôi còn nhỏ, ở quê, quà bánh là thứ rất xa xỉ, thỉnh thoảng đi chợ phiên với bà, được buổi đắt hàng, bà phấn khởi mới cho ăn quà, thường là những thứ quà ăn xong thì về khỏi ăn cơm. Thường là bánh đúc, hoặc bánh nướng khoai ngứa, hôm nào sang mới được ăn bánh cuốn. Chợ nào cũng có bánh cuốn, nhưng bánh cuốn chợ Cầu là ngon nhất.
 Chợ Cầu là chợ lớn nhất ở quê tôi, nằm ở huyện lỵ, dù cả huyện còn hai ngôi chợ nổi tiếng khác, là chợ Trại và chợ Cồn. Chợ Trại và chợ Cồn hai ngày mới có một phiên chính, một chợ ngày chẵn, một chợ ngày lẻ, đều là chợ sáng. Riêng chợ Cầu ngày nào cũng họp, buổi chiều. Có rất nhiều điều để nói về ba ngôi chợ này. Nhưng hôm nay tôi chỉ nói về bánh cuốn chợ Cầu, vì mới được ăn lại sau rất nhiều năm.

Phải hơn 30 năm rồi tôi mới lại được ăn bánh cuốn chợ Cầu. Đơn giản là vì không còn đi chợ cùng bà ngoại cũng chừng ấy năm rồi. Hôm nay, đưa lũ trẻ về quê thắp hương sinh nhật ông nội chúng, rồi cha con lang thang đường đê biển, qua những con đường đậm kỷ niệm ấu thơ mà bỗng dưng muốn cho lũ trẻ trải nghiệm một thứ cảm giác cụ thể về tuổi thơ của bố chúng. Vậy là ngang chợ Cầu dừng mua bánh cuốn.

Bọn trẻ dù khen ngon, đã đành. Nhưng chắc chắn không có được cái cảm giác của bố chúng ngày xưa vì chúng quá đủ đầy, để không thèm khát đồng quà tấm bánh. Nhưng bố chúng thì khác, bao nhiêu ký ức xưa trở về khi ăn lại miếng bánh cuốn chợ Cầu hôm nay. Kỳ lạ là nhớ ông ngoại nhiều thế!

Ông ngoại là con nhà địa chủ, chắc được chiều chuộng từ bé nên không bao giờ làm việc nhà. Trong ký ức của tôi, ông ngoại chỉ trồng hoa, đọc sách, ngâm thơ và đánh tổ tôm. Có lần, bà ngoại lên Hà Nội bế cháu, là hai đứa em tôi, ở nhà chỉ còn ông ngoại và cậu út còn nhỏ. Cả tháng bà đi vắng, ông không thổi cơm, mang thóc đổi bánh cuốn để ăn trừ bữa, gần hết cót thóc của cả vụ chiêm thì bà về...

Phạm Trung Tuyến