Góc nhìn

Bằng cấp và chất lượng đào tạo

- Thứ Năm, 10/10/2019, 08:18 - Chia sẻ
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Dự thảo (lần 1) Thông tư quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học, trong đó không quy định ghi hình thức đào tạo, xếp loại. Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải điều này phù hợp với Luật Giáo dục Đại học, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, xét về thực tế hiện nay có rất nhiều băn khoăn bởi chất lượng các hệ đào tạo chưa ngang bằng nhau.

Khi thông tin sẽ bỏ ghi hình thức đào tạo trên văn bằng đại học được đưa ra, điều khiến nhiều người lo lắng nhất là chất lượng đào tạo giữa hai hệ chính quy, tại chức - vốn đang có khoảng cách khá xa - sẽ bị cào bằng. Lo lắng này xuất phát từ thực tế thời gian qua đã có không ít tiêu cực trong đào tạo của hệ vừa học vừa làm, văn bằng 2. Dẫu về lý thuyết, học hình thức gì thì cũng phải đạt chuẩn đầu ra, nhưng thực tế chúng ta chưa đạt được mặt bằng chung cho các hình thức đào tạo. Cùng một chương trình, cùng giảng viên, cùng các điều kiện tiếp nhận kiến thức, nhưng do quá trình đào tạo và khâu đánh giá khác nhau, dẫn đến chất lượng khác nhau. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét kỹ và cân nhắc thời điểm áp dụng quy định này.

Tuy nhiên, bên cạnh những hoài nghi, nhiều ý kiến bày tỏ ủng hộ chủ trương không phân loại bằng cấp. Có thể nói, đào tạo tại chức là một cơ hội cho những người đã đi làm hoặc từng bỏ lỡ giấc mơ học đại học. Không nên suy diễn về giá trị bằng cấp mà hãy thay đổi quan niệm về bằng cấp. Quan trọng là phải xây dựng chương trình tốt, tổ chức đào tạo nghiêm túc, học viên có thái độ học tập tích cực, thì chất lượng đào tạo tại chức cũng không thua kém hệ chính quy.

Thực tế, việc tiến tới thống nhất văn bằng đại học thể hiện sự tiến bộ, cập nhật xu hướng thế giới, nhưng nó sẽ chỉ tạo được đồng thuận nếu bảo đảm điều kiện cùng xuất phát từ khung trình độ quốc gia, đòi hỏi mọi quy trình và chất lượng các loại hình đào tạo phải giống nhau, từ khâu tuyển sinh đầu vào, quản lý đào tạo, chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, đến cách thức thi cử và đánh giá... Nếu việc này được quy định rõ ràng, thực hiện nghiêm túc, không tạo kẽ hở cho tiêu cực, thì những lo lắng của người dân sẽ được cởi bỏ. Ngược lại, khi chất lượng không như nhau thì chưa thể cấp một loại văn bằng, vì sẽ tạo điều kiện cho những người muốn lợi dụng bằng cấp để thăng tiến.

Thách thức lớn nhất là các trường đại học đào tạo cả chính quy lẫn tại chức phải nhanh chóng đồng nhất chất lượng hai hệ đào tạo này, kéo tại chức lên ngang bằng chính quy. Trên thế giới cũng đã có những chủ trương học tại nơi làm việc vì công việc. Nhiều công nhân sau quá trình tích lũy kinh nghiệm thực tế có khi còn phục vụ xã hội tốt hơn kỹ sư trên lý thuyết. Vì thế, điều quan trọng nhất chính là chất lượng.

Chi An