Bàn về hiệu lực Nghị quyết HĐND

- Thứ Sáu, 21/09/2012, 08:20 - Chia sẻ
Có thể khẳng định, các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn từ năm 2002 đến khi HĐND các tỉnh, thành ban hành Nghị quyết quy định ưu đãi đầu tư mới, phải được hưởng các quy định về ưu đãi mà HĐND ban hành từ năm 2002 đến khi có văn bản hủy bỏ nghị quyết đó.

Từ năm 2002 đến 2004 khi Luật Đất đai chưa sửa đổi và chưa có văn bản hướng dẫn, HĐND nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nghị quyết về ưu đãi đầu tư, trong đó quy định nhiều khoản ưu đãi khá hậu hĩnh về giá thuê đất, miễn tiền thuê đất, hỗ trợ tiền đền bù giải phóng mặt bằng… để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư vào địa bàn. Đến năm 2005, cấp trên có công văn yêu cầu những nơi quy định ưu đãi vượt khung phải chấp hành theo đúng pháp luật. Vì vậy, HĐND nhiều tỉnh, thành phố đã sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành nghị quyết mới thay thế nghị quyết cũ về quy định ưu đãi đầu tư trên địa bàn. Vậy doanh nghiệp đầu tư vào địa phương trong thời gian nghị quyết cũ đang có hiệu lực thực hiện theo nghị quyết mới hay cũ? Có ý kiến cho là phải thực hiện theo nghị quyết mới vì nghị quyết cũ đã bị thay thế bằng nghị quyết mới. Có ý kiến ngược lại. Để khẳng định ý kiến nào đúng phải căn cứ vào quy định của pháp luật.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND quy định: văn bản quy phạm pháp luật của HĐND có hiệu lực áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia quan hệ xã hội được văn bản quy phạm pháp luật đó điều chỉnh; văn bản quy phạm pháp luật của HĐND cấp tỉnh có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày HĐND thông qua (trừ trường hợp quy định ngày có hiệu lực muộn hơn); và được áp dụng từ thời điểm có hiệu lực. Trường hợp các nghị quyết cùng một HĐND có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của nghị quyết được ban hành sau. Văn bản đó hết hiệu lực khi: hết thời hạn có hiệu lực quy định trong văn bản; được thay thế bằng một văn bản mới; được thay thế bằng một văn bản mới của chính cơ quan đã ban hành; bị hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền; không còn đối tượng điều chỉnh.

Như vậy, từ thời điểm năm 2002 đến khi HĐND tỉnh, thành ban hành nghị quyết mới thay thế nghị quyết cũ mà không có nghị quyết quy định về cùng một vấn đề khác nhau, không có văn bản của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền bãi bỏ, không có nghị quyết nào của HĐND thay thế… thì nghị quyết của HĐND ban hành vẫn còn hiệu lực. Tức là, trong thời gian nghị quyết còn hiệu lực các đối tượng mà HĐND quy định nếu đáp ứng đúng và đủ các điều kiện đầu tư trên địa bàn thì được hưởng các ưu đãi HĐND ban hành.

Mặt khác, luật xác định Không quy định hiệu lực trở về trước đối với văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND. Tức là nghị quyết của HĐND ban hành thay thế nghị quyết trước về cùng một nội dung không được quy định hiệu lực thi hành trước ngày ban hành. Như vậy, các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn trong thời gian chưa ban hành nghị quyết mới phải được hưởng ưu đãi theo nghị quyết cũ.

Luật quy định, văn bản quy phạm pháp luật của HĐND bị đình chỉ thi hành thì ngưng hiệu lực cho đến khi có quyết định xử lý của cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền; trường hợp bị hủy bỏ, bãi bỏ thì văn bản hết hiệu lực. Đối với các nghị quyết của HĐND các tỉnh, thành về nội dung ưu đãi đầu tư ban hành từ năm 2002 đến 2004, cấp trên không ra quyết định xử lý, không yêu cầu thời hạn phải chấm dứt việc thực hiện ngay từ ngày ban hành nghị quyết mà chỉ yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chấp hành đúng quy định của pháp luật. Tức là, giao HĐND ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung để chấm dứt việc thực hiện cơ chế ưu đãi vượt khung cấp trên quy định sau 10 ngày kể từ ngày HĐND thông qua, không được ban hành nghị quyết hủy bỏ nghị quyết trước.

Thực tiễn, những năm 2002 - 2004 các tỉnh, thành phố HĐND ban hành nghị quyết ưu đãi đầu tư có nền kinh tế chủ yếu là phát triển nông nghiệp, đất đồi, rừng nhiều… giá đất rất thấp. Mặc dù có nhiều ưu đãi theo hướng dải thảm đỏ để mời doanh nghiệp; tỉnh tổ chức nhiều phương thức xúc tiến đầu tư với những hình thức đa dạng, phong phú nhưng không phải mọi địa phương đều thực hiện có hiệu quả và thành công trong việc thu hút đầu tư. Nhiều tỉnh đã hình thành khu công nghiệp và đưa ra quy định ưu đãi đầu tư vượt khung của Nhà nước nhưng tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn không cao. Diện tích đất dành cho công nghiệp được lấp đầy thấp… Có tỉnh mới chỉ xây dựng cụm công nghiệp nhưng với quy định ưu đãi đầu tư giống các tỉnh khác, lại có lợi thế về vị trí địa lý, tính năng động của hệ thống chính trị ở địa phương từ cơ sở đến cấp tỉnh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư vào địa bàn, chuyển được nhiều cụm công nghiệp thành khu công nghiệp… Do vậy, không thể phủ nhận HĐND một số tỉnh, thành ban hành nghị quyết ưu đãi đầu tư đã góp phần quan trọng để chính quyền địa phương thực hiện thu hút được nhiều dự án đầu tư vào địa bàn, nhiều dự án thực hiện có hiệu quả góp phần phát triển công nghiệp, du lịch và dịch vụ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở địa phương, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt trong mười năm qua. Kết quả đó cũng là do sự đóng góp không nhỏ của các nhà doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn từ năm 2002 - 2004.

Hơn nữa, ngày 29.12.2005, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xử lý các quy định ưu đãi, khuyến khích đầu tư trái pháp luật do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành đã nêu: đình chỉ hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2006, UBND các tỉnh, thành có trách nhiệm hủy bỏ, bãi bỏ ngay các quy định ưu đãi, khuyến khích đầu tư trái pháp luật đã ban hành.

Từ cơ sở trên, có thể khẳng định các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn từ năm 2002 đến khi HĐND các tỉnh, thành ban hành nghị quyết quy định ưu đãi đầu tư mới phải được hưởng các quy định về ưu đãi mà HĐND ban hành từ năm 2002 đến khi có văn bản hủy bỏ nghị quyết đó.

Văn Đức Sơn
Phó văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Vĩnh Phúc