Chính sách và cuộc sống

Bàn tiến, không bàn lùi!

- Thứ Sáu, 06/09/2019, 08:06 - Chia sẻ
Trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ ngày càng sáng lên tư duy chiến lược mới. Người đứng đầu Chính phủ nêu quyết tâm hoàn thành tốt cả 12 chỉ tiêu QH giao năm 2019, thể hiện quyết tâm mới để kinh tế - xã hội đất nước bứt lên nhanh!

Kinh tế đất nước đang trên đà tăng trưởng, ai cũng nhìn rõ. Nhưng thách thức rào cản đặt ra cũng không hề nhỏ. Thời gian của năm 2019 đã đi qua hơn hai phần ba chặng đường, rất mừng nhiều lĩnh vực đã có những chuyển động đáng ghi nhận. Từ thu, chi ngân sách, từ sự bứt lên của sản xuất công nghiệp, du lịch, hàng hóa xuất nhập khẩu, cho đến lĩnh vực tài chính ngân hàng, thu hút đầu tư... đều có được những dấu ấn mới.

Nhưng nhìn với nhiều góc cạnh thì nguyên nhân của kinh tế chưa bền vững cũng đã “bật ra” những vấn đề không thể không suy nghĩ. Đó là câu chuyện quản lý, sử dụng đất đai, quản lý môi trường còn bất cập và lỗ hổng. Đó là việc giải ngân vốn đầu tư công quá chậm. Đó là những khó khăn, thách thức mới trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp khi biến đổi khí hậu khó lường, thị trường xuất khẩu chưa ổn định.

Phiên họp Chính phủ tháng nào cũng bàn tháo gỡ những “nút thắt điểm nghẽn” ấy. Nhưng vì sao đất đai quản lý sử dụng vẫn chưa tốt, vì sao nút thắt về giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa tháo gỡ nhanh. Vì sao việc thu phí tự động vẫn mãi chùng chình.  Vì sao cô bác nhà nông vẫn bị động trước những thay đổi của thị trường khi xuất khẩu nông sản. Ngay cả chỉ đạo của Bộ Chính trị về đổi mới trong thu hút đầu tư FDI, giờ đang triển khai ra sao để không đi vào “lối cũ đường mòn”?

Toàn những vấn đề nóng động chạm đến vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ ngành. Họp bàn rất cần. Chỉ bàn tiến, không bàn lùi rất trúng. Nhưng “bàn rồi” thì phải xắn tay làm ngay, chứ không thể tư duy chờ đợi. Tâm thế nhiệm kỳ sắp hết nên tư tưởng cầm chừng có không? Tình trạng sợ trách nhiệm nên việc to nhỏ gì cũng đẩy lên Chính phủ có không? Trách nhiệm của các tư lệnh ngành đối với các vấn đề nổi cộm, nút thắt mà Chính phủ họp bàn tháo gỡ như thế nào?

Không bàn lùi, chỉ bàn tiến! Nhưng tiến cũng phải chắc chắn vững vàng, chứ dứt khoát không vì cái đích tiến nhanh, mà bước vội, bước ẩu.

 Bàn tiến chính là bàn đổi mới trong suy nghĩ và hành động. Bàn tiến chính là phải “đột phá” mạnh mẽ vào những thủ tục hành chính còn níu giằng. Bàn tiến thì các bộ, ngành phải đến thẳng thực tế các doanh nghiệp, các tỉnh thành để tháo gỡ và có giải pháp chỉ đạo kịp thời. Bàn tiến không phải hồ sơ của doanh nghiệp, đơn từ khiếu kiện của người dân cứ nhận rồi cho vào ngăn kéo. Bàn tiến càng không thể để các tỉnh, thành cứ kéo về Trung ương “đeo bám” các bộ, ngành xin ý kiến này, trình ý tưởng kia. Đã đến lúc các cục, vụ của các bộ ngành hãy rời xa phòng máy lạnh xem xã hội, người dân, doanh nghiệp đang mong gì. Văn bản chính sách của các ban ngành chỉ trúng và đúng khi đi vào lòng doanh nghiệp và người dân.

 Lăn xả vào việc, làm ngay, hành động ngay đó mới là thực chất của đổi mới hội nhập. Vốn đầu tư công giải ngân chậm cần nhìn rõ xem mắc cái gì, mắc ở đâu, ở khâu nào xử lý ngay. Thu hút đầu tư FDI phải chọn lọc kỹ hơn, bài bản hơn, chứ không thể cứ trải thảm đỏ mãi mà chẳng hay các doanh nghiệp FDI này làm gì. Các cơ quan chức năng phải giám sát, kiểm tra xem họ chuyển giá, trốn thuế ra sao?

 Không thể nói “bàn tiến” mà tình trạng đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” còn đang như “ma trận” đâu dễ nhận ra ngay. Không thể hát vang bài ca “vì nhà nông” mà các bộ ngành lại để cho cô bác vay vốn các ngân hàng vẫn đủ khó khăn. Cả đến khi làm ra sản phẩm cô bác vẫn mãi cảnh “tự bơi” trong cái vòng quay “dìm giá, ép loại” của đủ các loại “cò”.

Bàn tiến chính là bàn xong có ngay quyết sách và giải pháp tháo gỡ, chứ không thể các doanh nghiệp, các tỉnh thành, và người dân phải đợi, phải chờ?

Đổi mới điều hành từ vĩ mô không chỉ dừng ở họp bàn, mà quan trọng hơn là phải hành động, phải làm ngay với tinh thần tất cả vì doanh nghiệp, vì người dân!

Đăng Quang