Chính sách và cuộc sống

“Bàn tay” của Nhà nước

- Thứ Hai, 15/07/2019, 08:04 - Chia sẻ

Từ kết quả nghiên cứu những công trình chống nước biển dâng, chống xâm ngập mặn được thực hiện tại Đức, Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc..., kỹ sư Lê Văn An, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ điện Xây dựng - CTCP (AGRIMECO) cho biết, Việt Nam làm chủ được công nghệ từ thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành lâu dài và tiết kiệm chi phí. Trên thực tế, AGRIMECO cũng đã thực hiện với Bộ Khoa học và Công nghệ 3 đề tài nghiên cứu khoa học về ngăn nước biển dâng sử dụng cửa van sử dụng xi lanh chuyển động bước; cửa van phẳng xoay ngang trên cao và cửa van cung chìm dưới đáy. Mỗi đề tài này nếu được đưa vào sử dụng có thể tiết kiệm cho Nhà nước cả nghìn tỷ đồng. Kỹ sư Lê Văn An và các cộng sự cũng là tác giả của sáng kiến về giải pháp thi công và giải pháp về thiết bị để góp phần quyết định rút ngắn thời gian thi công công trình thủy điện Sơn La lên đến 2 năm trước đây.

“Chúng ta có thể khẳng định, về trí tuệ, các nhà cơ khí Việt Nam không hề thua kém, thậm chí còn hơn so với nước ngoài khi trong mỗi tình huống cụ thể, các giải pháp của các nhà cơ khí Việt Nam luôn thông minh và đơn giản để đạt được hiệu quả hơn”. Nhấn mạnh điều này nhưng chính ông An cũng phải thừa nhận rằng, khi nhìn lại bức tranh toàn cảnh của ngành cơ khí nước ta thì đó là sự lúng túng. Lý do là bởi chưa có chiến lược phát triển ngành cơ khí theo đúng nghĩa. Nói cách khác, dù đã có tới 2 chiến lược phát triển ngành cơ khí được ký ban hành vào năm 2002 bởi Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải và mới đây nhất vào năm 2018 bởi Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, song chúng ta vẫn chưa định hình, định nghĩa được tầm nhìn và sứ mệnh của ngành cơ khí trong nền kinh tế Việt Nam là gì. Chính điều này đã dẫn đến sự lúng túng mang tính tổng thể từ hoạch định chính sách xây dựng pháp luật đến thực thi.

Nhà nước vẫn chưa đưa ra được các định chế phù hợp còn các doanh nghiệp cơ khí trong nước thì hầu hết vẫn cứ loay hoay trong sự phát triển của mình và đặc biệt là áp lực cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp FDI bởi cơ khí, đặc biệt là cơ khí chế tạo là ngành đòi hỏi phải có trình độ công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, vốn đầu tư lớn, thu hồi vốn lại chậm... - rõ ràng, không phải là “sân chơi” của những “tay mơ”.

Trong khi đó, ngay cả những doanh nghiệp cơ khí chế tạo có tiềm lực mạnh trong nước hiện nay cũng không dễ dàng cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp FDI bởi đang có hiện tượng “bảo hộ ngược”. Doanh nghiệp FDI hầu hết đều có kinh nghiệm hoạt động lâu năm, thậm chí là hàng trăm năm, có tiềm lực công nghệ, tài chính, quản trị doanh nghiệp mạnh hơn hẳn doanh nghiệp trong nước nhưng khi đầu tư vào nước ta lại được hưởng các chính sách ưu tiên về đất đai, gần như được miễn thuế đất, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu và trong 9 năm tiếp chỉ phải đóng thuế 50%… Doanh nghiệp trong nước đã không được ưu đãi gì lại phải cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn như thế, được ưu ái như thế thì làm sao có thể tồn tại chứ nói gì đến phát triển mạnh như mục tiêu đề ra?

Rõ ràng, để ngành cơ khí phát triển thì rất cần “bàn tay” của Nhà nước. Trong đó, cần tập trung lựa chọn các chính sách “bảo hộ mềm” thông qua chính sách thuế, tín dụng, cơ chế đặt hàng của Nhà nước, kể cả đối với sản phẩm cơ khí quốc phòng, đào tạo nguồn nhân lực hay hàng rào kỹ thuật hợp lý… Ở góc độ của QH và Chính phủ, theo Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, cần có chính sách, cơ chế cụ thể cho ngành cơ khí chế tạo trong nước khi thẩm tra, quyết định các công trình trọng điểm quốc gia có sử dụng ngân sách nhà nước, phải xác định mục tiêu là ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam sẽ tham gia bao nhiêu phần trăm giá trị xây lắp, chế tạo và sau các dự án này thì sẽ nâng tầm của ngành cơ khí chế tạo lên được bao nhiêu. Đó là những cơ hội lớn mà ngành cơ khí chế tạo Việt Nam không thể bỏ lỡ!

Nguyễn Bình