Ban hành Nghị quyết của QH để tạo đột phá cho giảm nghèo, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững

- Thứ Bảy, 07/06/2014, 08:47 - Chia sẻ
Hôm nay, QH dành trọn một ngày để tiến hành giám sát tối cao Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012. Trao đổi với Báo ĐBND, PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI ĐỖ MẠNH HÙNG bày tỏ, sau giám sát tối cao lần này, QH sẽ thảo luận và thông qua Nghị quyết về giảm nghèo. Đây sẽ không chỉ là cơ sở để ĐBQH giám sát việc giải quyết những hạn chế, vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo được chỉ ra trong quá trình giám sát mà còn tạo đột phá cho giảm nghèo trong giai đoạn tới, hướng tới thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh ở các vùng, miền, nhưng chưa bền vững

- Là người trực tiếp và theo sát quá trình giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 – 2012, Phó chủ nhiệm nhìn nhận như thế nào về Báo cáo kết quả giám sát trình QH tại phiên họp sáng nay?

- Ngay sau khi QH có Nghị quyết 47 về chương trình giám sát năm 2014. UBTVQH có Nghị quyết 661 về thành lập Đoàn giám sát. Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã được phân công với tư cách là cơ quan chủ trì tham mưu, tổ chức xây dựng kế hoạch, thực hiện giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 – 2012.

Hoạt động giám sát bắt đầu từ tháng 9.2013, với việc tổ chức phiên giải trình về nguồn lực, cơ chế điều hành giảm nghèo đến tiến hành giám sát tại các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Đông Nam bộ, các tỉnh miền Trung và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đoàn đã trực tiếp làm việc tại 15 tỉnh, thành phố; gửi Đề cương và kế hoạch giám sát đề nghị các Đoàn ĐBQH giám sát tại 48 tỉnh, thành còn lại. Trong giám sát lần này, ngoài chương trình làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành, UBND, các ngành, đoàn thể và các địa phương, Đoàn còn tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của trên 500 đại diện hộ nghèo thuộc các tỉnh, thành phố. Đoàn cũng có các phiên làm việc với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Đảng ủy khối các doanh nghiệp Trung ương. Có thể thấy, giám sát giảm nghèo được thực hiện trên diện rộng, chiều sâu của giám sát cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra. Các thông tin được các cấp, các ngành, người dân cung cấp đầy đủ cho Đoàn giám sát. Đây là cơ sở quan trọng để Đoàn giám sát xây dựng Báo cáo kết quả giám sát.

Nhờ đó, Báo cáo kết quả giám sát đã đánh giá một cách toàn diện việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 – 2012, tập trung vào 3 phần chính: kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo (kết quả thực hiện chính sách chung và chính sách đặc thù về giảm nghèo); thành tựu, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các địa phương, MTTQ và các đoàn thể.

- Qua thực tiễn giám sát, Phó chủ nhiệm có thể chia sẻ những điểm sáng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012?

- Chính sách, pháp luật về giảm nghèo luôn luôn là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong nhiều thập kỷ nay. Giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, ổn định chính trị, bảo đảm an sinh, cải thiện đời sống người dân; củng cố thêm niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước; làm phong phú thêm truyền thống đạo đức văn hóa tốt đẹp tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc. Củng cố khối đại đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân và trong từng cộng đồng dân cư.

Hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo ngày càng hoàn thiện, có nội hàm đầy đủ ở các lĩnh vực thiết yếu đối với giảm nghèo như: hỗ trợ về dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ về sản xuất kinh doanh, giáo dục y tế, nhà ở, hỗ trợ về pháp lý, thông tin và hệ thống chính sách tín dụng cho người dân. Về tổ chức thực hiện, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đều coi giảm nghèo là một nhiệm vụ quan trọng, dành nguồn lực (tài lực, nhân lực, vật lực) để thực hiện chính sách giảm nghèo. Người dân khẳng định họ được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo.

Đáng mừng, những tiêu cực, tham nhũng thất thoát trong lĩnh vực giảm nghèo rất ít. Chúng tôi cũng được gặp nhiều cán bộ lãnh đạo quan tâm và sát sao đối với lĩnh vực giảm nghèo. Chủ tịch UBND quận Long Biên, TP Hà Nội đã thẳng thắn chia sẻ: giải quyết đơn thư trong UBND quận có phân cấp, nhưng riêng đơn thư của người nghèo được chuyển trực tiếp cho Chủ tịch UBND quận xử lý, giải quyết. Quan điểm của Chủ tịch UBND quận Long Biên là người nghèo vốn khó khăn, vất vả, người nghèo có đơn thư nghĩa là có nhu cầu mong muốn giải quyết, yêu cầu của người nghèo phải được ưu tiên.

Tỷ lệ giảm nghèo đã giảm mạnh ở các vùng, miền. Tình trạng nghèo chuyển từ phổ biến trên diện rộng, nay tập trung chủ yếu ở vùng dân cư, nhóm đồng bào dân tộc thiểu số và một số nhóm dân cư. Theo Báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 22% năm 2005 xuống còn 9,45% năm 2010 (chuẩn nghèo cũ). Nếu theo chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 9,6% năm 2012. Cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7,8%. Đó là những thành tựu rất đáng ghi nhận.

- Bên cạnh những mảng sáng trong bức tranh giảm nghèo, có lẽ không tránh khỏi mảng tối. Nếu có, mảng tối đó là gì, thưa Phó chủ nhiệm?

- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012 còn tồn tại 5 hạn chế, yếu kém.

Thứ nhất, chính sách giảm nghèo còn có hiện tượng chồng chéo, trùng lặp, phân tán, manh mún. Chồng chéo thể hiện tương đối rõ ở khía cạnh nội dung; cụ thể, trong các chính sách dạy nghề, hỗ trợ nhà ở, sản xuất kinh doanh. Chồng chéo về đối tượng, một chính sách do nhiều ngành, đoàn thể thực hiện lại cùng trên 1 đối tượng. Có người dân đi tập huấn 5 – 6 lớp về giảm nghèo do nhiều đoàn thể tổ chức. Thời gian tổ chức còn trùng lặp. Sự manh mún trong chính sách thể hiện trong chính sách hỗ trợ về giống, cây con với mức hỗ trợ 80.000 hộ/năm. Trong cả một vùng, số tiền hỗ trợ rất lớn, song quy ra một hộ gia đình, mức hỗ trợ quá ít ỏi – người dân Tây Nguyên vẫn nói đùa: nhờ chính sách họ mua được 5 con vịt giống hoặc 12 cây cao su/năm.

Thứ hai, trong tổ chức thực hiện còn thiếu sự lồng ghép, phối hợp, làm giảm hiệu quả của chính sách giảm nghèo. Mỗi bộ, ngành phụ trách một số lĩnh vực, một số nội dung. Các nội dung này phải được lồng ghép với nhau mới phát huy sức mạnh tổng hợp. Nhiều dự án hạ tầng đầu tư chưa đúng chỗ, tại những vùng có tiềm năng sản xuất hàng hóa vẫn thiếu kết nối hạ tầng để tiêu thụ sản phẩm, làm giảm hiệu quả chính sách.

Thứ ba, nguồn lực chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều chính sách chỉ đáp ứng được 30 - 40% nhu cầu vốn.

Thứ tư, việc thực hiện chưa phát huy vai trò của địa phương và bản thân người nghèo. Địa phương gặp lúng túng khi mỗi chương trình, dự án đều có ngành dọc Trung ương chỉ đạo xuống, các địa phương không nắm được hết thông tin, do vậy, không thực hiện được chức năng quản lý trên địa bàn. Đối với người nghèo, vẫn có hiện tượng người nghèo bị áp đặt, từ khâu phân bổ nguồn lực đến sử dụng nguồn lực như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất. Người nghèo còn thụ động với chính chính sách của mình. Một số chính sách mang tính chất cho không, khiến một số địa phương, người nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Thứ năm, giảm nghèo chưa bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong một số nhóm dân cư, hộ nghèo ở các vùng hay bị thiên tai bão lụt, vùng bị ảnh hưởng bởi một số dự án thủy điện, khai thác khoáng sản còn cao.

Ban hành Nghị quyết của QH sau giám sát là cần thiết, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững

- Một trong những lý do mấu chốt gây cản trở tiến trình thực hiện chính sách giảm nghèo là sự chồng chéo trong chính sách, pháp luật, sự thiếu phối hợp trong tổ chức thực hiện của các bộ, ngành. Trong Báo cáo kết quả giám sát trình QH lần này, trách nhiệm của các bộ, ngành được thể hiện như thế nào?

- Trong Bááo cáo của UBTVQH về kết quả giám sát có đề cập đến trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành. Đặc biệt có đề cập đến trách nhiệm của hai bộ giữ vai trò đầu mối trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo là: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo tôi, sự chồng chéo trong chính sách, sự thiếu phối hợp trong điều hành, trách nhiệm trước hết là của Chính phủ, của các bộ, ngành. Hạn chế về nguồn lực và cách làm cũng có phần trách nhiệm của các bộ, ngành. Thông qua Báo cáo kết quả giám sát, các bộ, ngành cũng có dịp tự nhìn nhận, đánh giá lại chính mình đối với mảng việc này.

- Với quá trình giám sát khá công phu như vậy, việc mong chờ QH ban hành một Nghị quyết sau giám sát về giảm nghèo có lẽ là cần thiết. Nếu được QH chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên QH ban hành một Nghị quyết riêng về giảm nghèo. Nhưng vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm hơn cả có lẽ là sau giám sát chuyên đề này, những hạn chế, vướng mắc trong thực tế thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo sẽ được khắc phục như thế nào…?

- Với góc độ là cơ quan tham mưu, Ủy ban Về các vấn đề xã hội mong muốn các ĐBQH sẽ tích cực thảo luận, thống nhất để QH ban hành Nghị quyết thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trong thời gian tới. Nghị quyết của QH sẽ đề cập đến những vấn đề có tính chất khái quát về định hướng, giải pháp, cơ chế thực hiện chính sách giảm nghèo. Trong dự thảo Nghị quyết, Đoàn giám sát của UBTVQH đã đề xuất một số giải pháp. Về định hướng, sẽ chuyển hướng mạnh mẽ theo mục tiêu giảm nghèo bền vững. Trong đó, chú trọng giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào khó khăn, những xã nghèo, vùng biên giới, hải đảo. Chú trọng đến việc giảm tỷ lệ tái nghèo và cận nghèo. Nếu tái nghèo, cận nghèo cao, giảm nghèo chưa thực sự bền vững.

Đối với chuẩn nghèo, dự thảo Nghị quyết yêu cầu chuyển chuẩn nghèo từ đơn chiều sang đa chiều. Những nội hàm về nghèo đa chiều cũng được xác định, không chỉ có chuẩn về thu nhập mà toàn diện hơn gồm chuẩn việc làm, thu nhập, bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, trợ giúp pháp lý, thông tin.

Dự thảo Nghị quyết cũng có nội dung yêu cầu Chính phủ rà soát lại hệ thống chính sách về giảm nghèo, sắp xếp theo hướng tránh chồng chéo, dàn trải, manh mún, bảo đảm sự tập trung chính sách. Chú ý hơn đến chính sách tín dụng. Chính sách tín dụng phải là một trong những trụ cột của giảm nghèo giai đoạn tới. Thực hiện tăng nguồn vốn, bảo đảm người nghèo, người cận nghèo được tiếp cận, được vay vốn. Mức cho vay, lãi suất, thời gian cho vay phải linh hoạt, phù hợp. Tín dụng phải đi liền với chuyển giao khoa học, kỹ thuật, bảo đảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Việc tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo tiếp tục huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, làm rõ trách nhiệm, rõ cơ quan đầu mối, rõ vai trò của người nhạc trưởng. Ở tầm chính sách chung, phải có sự phân công đầu mối tổng thể để quản lý, tổ chức, thực hiện chính sách giảm nghèo. Nhưng ở từng lĩnh vực được phân công phải rõ ràng trách nhiệm giữa các ngành; có sự phân cấp mạnh hơn cho các địa phương. Đoàn giám sát cũng mong muốn xây dựng khái niệm mới trong giảm nghèo, đó là giảm nghèo theo địa chỉ - giảm nghèo theo từng hộ gia đình với các nguyên nhân nghèo khác nhau. Chính quyền địa phương cơ sở, những người nắm vững nhất tình hình, nguyên nhân sẽ có giải pháp phù hợp, thiết thực với từng hộ nghèo.

Tiếp tục xã hội hóa giảm nghèo. Phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể, huy động vai trò cộng đồng, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ, giúp đỡ việc thực hiện chính sách giảm nghèo. Tổng thể nguồn lực cho giảm nghèo phải được quan tâm, tránh tư tưởng tỷ lệ nghèo đã giảm, nguồn lực cũng cần phải giảm bớt. Cần lưu ý, tuy tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhưng lõi nghèo trong giảm nghèo chung vẫn đang đặt ra thách thức lớn đối với công tác giảm nghèo.

Ngoài ra, trong dự thảo Nghị quyết cũng đề cập đến việc phân loại đối tượng, địa bàn để có chính sách hợp lý. Trong đó, đối tượng bảo trợ xã hội phải được phân loại thành nhóm riêng để có chính sách phù hợp.

Tôi hy vọng, nếu được thông qua, Nghị quyết sẽ tạo bước đột phá cho giảm nghèo giai đoạn tới, giải quyết được những vấn đề đang vướng mắc trong giảm nghèo hiện nay. Nghị quyết chỉ thực sự đi vào cuộc sống nếu các cấp, các ngành xác định được trách nhiệm của mình, tạo ra được quyết tâm chung để thực hiện Nghị quyết hiệu quả. Song song với đó, phải tăng cường sự giám sát của QH, HĐND các cấp, bảo đảm Nghị quyết sớm được triển khai thực hiện.

- Xin cám ơn Phó chủ nhiệm!

H.Ngọc thực hiện; Ảnh: Khánh Duy