Phần Lan

Ban hành chính sách thai sản mới

- Thứ Năm, 13/02/2020, 07:23 - Chia sẻ
Chính phủ Phần Lan dưới sự lãnh đạo của nữ Thủ tướng trẻ nhất thế giới Sanna Marin vừa công bố kế hoạch mới, cho phép người cha được nghỉ làm hưởng lương như chế độ thai sản của mẹ nhằm khuyến khích họ dành thêm thời gian cho con cái.

Ý tưởng hào phóng

Nếu cải cách mới thành hiện thực, Phần Lan sẽ vượt xa một số nước châu Âu khác về thời gian nghỉ làm chăm con sơ sinh dành cho cha. Tại Luxembourg, các ông bố chỉ được nghỉ 10 ngày phép vì “những hoàn cảnh đặc biệt”, trong khi ở Hà Lan, theo Nghị viện châu Âu, số ngày nghỉ vì lý do trên chỉ vỏn vẹn 5 ngày.

Chính sách mới của Phần Lan sẽ đi vào cuộc sống sớm nhất năm 2021 và sẽ được áp dụng cho cả các cặp đồng giới, dị tính cũng như cha mẹ đơn thân. Thậm chí, người đơn thân có thể được hưởng thời gian nghỉ thai sản của cả bố lẫn mẹ cộng lại. Trong gia đình có đủ bố mẹ, mỗi người sẽ được nhận số ngày nghỉ như nhau là 164 ngày được trả lương, tức khoảng 6,6 tháng và họ có thể chuyển “hạn ngạch” cho nhau tối đa tới 69 ngày. Ngoài ra, luật dự kiến cũng sẽ không phân biệt cha mẹ ruột và cha mẹ nuôi.
Chính sách này cho phép những ai sắp có con được phép nghỉ khoảng 1 tháng trước khi chế độ thai sản được bắt đầu. Chính phủ ước tính, chi phí cho thời gian nghỉ phép nhận lương như thế này sẽ vào khoảng 110 triệu USD. Thực tế, Chính phủ trung hữu tiền nhiệm của Phần Lan từng cố gắng cải cách chế độ nghỉ thai sản vào năm 2018 nhưng cuối cùng phải bác bỏ ý tưởng trên vì nó quá tốn kém. Theo luật hiện hành, Phần Lan mới chỉ cho phép các bà mẹ nghỉ thai sản 4 tháng còn các ông bố được nghỉ 2 tháng để chăm con. Tuy nhiên, trung bình chỉ 1/4 ông bố tận dụng kỳ nghỉ đó. Chính vì thế, tháng trước, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin tuyên bố, đất nước Bắc Âu này sẽ tiếp tục phấn đấu bảo vệ quyền bình đẳng giới vì thực tế rất ít ông bố dành thời gian chăm sóc và nuôi dạy con nhỏ.

Bộ trưởng Y tế và các vấn đề xã hội Aino-Kaisa Pekonen đánh giá, đây là “cuộc cải cách lợi ích gia đình triệt để” nhằm củng cố mối quan hệ của cha mẹ ngay từ đầu, giảm tỷ lệ ly hôn vì phụ nữ được chia sẻ việc nhà cũng như “bảo đảm đặt con trẻ vào trung tâm của lợi ích gia đình”. Số trẻ sinh ra ở Phần Lan đã giảm khoảng 1/5 trong giai đoạn 2010 - 2018 xuống chỉ 47.577 trẻ sơ sinh trong tổng dân số 5,5 triệu người. Theo bà Pekonen, kinh nghiệm từ một số quốc gia khác như Thụy Điển và Iceland cho thấy, tỷ lệ sinh tăng hơn hẳn sau khi áp dụng chế độ nghỉ chăm con cho người cha.

Tin tức liên quan đến chính sách thai sản mới được đưa ra chỉ vài tháng sau khi Phần Lan có tân Thủ tướng. Nhậm chức ở tuổi 34, bà Sanna Marin là Thủ tướng trẻ nhất đang cầm quyền trên thế giới. Bà hiện lãnh đạo liên minh cầm quyền gồm 5 đảng mà lãnh đạo đều là nữ với đa phần dưới 35 tuổi.

Chưa phải là nhất

Mặc dù chính sách mới của Phần Lan có thể khiến nhiều người trầm trồ, nhưng nó vẫn chưa sánh được về độ hào phóng như nước láng giềng Thụy Điển, nơi mỗi phụ huynh có thể nghỉ tới 240 ngày. Năm ngoái, một báo cáo của UNICEF đã phân tích các chính sách thân thiện với gia đình, bao gồm chế độ nghỉ thai sản của 31 quốc gia phát triển, theo đó Mỹ, Thụy Điển, Na Uy, Iceland, Estonia và Bồ Đào Nha được xem là tốt nhất. Na Uy là quốc gia đầu tiên vào năm 1993 cho phép người cha nghỉ chế độ trên và sau đó đến lượt Thụy Điển. Bồ Đào Nha hiện có hệ thống chính sách trung hòa giới tính với 120 ngày nghỉ hưởng 100% lương và 30 ngày nghỉ hưởng 80% lương áp dụng với cả bố lẫn mẹ.

Giáo sư Anne Lise Ellingsaeter, Đại học Oslo, người thực hiện cuộc điều tra về nghỉ thai sản tại Bắc Âu, cho biết các quốc gia tại khu vực đang dẫn đầu về chính sách bảo vệ quyền lợi của các ông bố. Các nước thuộc EU cũng ban hành chỉ thị năm 2019 cho các quốc gia thành viên thời hạn ba năm để triển khai chế độ nghỉ phép ít nhất 4 tháng đối với mỗi phụ huynh. Chính phủ các nước châu Âu còn đưa ra biện pháp riêng để đối phó với tỷ lệ sinh thấp bằng cách khuyến khích sinh con. Mới đây nhất, Hungary đã công bố kế hoạch cung cấp dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí cho những người đã kết hôn tại các phòng khám do nhà nước điều hành.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Ellingsaeter, việc trao quyền lợi nghỉ thai sản cho các ông bố không hẳn là một mô hình thành công hoàn toàn ở các nước Bắc Âu. Đơn cử, Đan Mạch từng áp dụng chế độ nghỉ này cho nam giới vào năm 1998 nhưng sau đó bãi bỏ, và cho đến nay vẫn chưa áp dụng lại.

Còn đó nỗi lo

Không phải tất cả đều hoan nghênh cải cách mới của Phần Lan, lãnh đạo một số ngành công nghiệp và lao động tỏ ra lo lắng về những thay đổi quá đột phá. Ông Ilkka Oksala, Giám đốc Việc làm và các vấn đề xã hội thuộc Hiệp hội Các ngành công nghiệp Phần Lan, hiệp hội lớn nhất của những người sử dụng lao động nước này đã lên tiếng công khai chỉ trích chính sách mới.

Phát biểu với tờ báo ngày Helsingin Sanomat, ông Oksala cho biết, cải cách trên sẽ không cải thiện được tình trạng bình đẳng cũng như việc làm và vị trí của phụ nữ trong thị trường lao động. Trong khi đó, Lotta Savinko - người đứng đầu bộ phận về các vấn đề lao động của Akava, Liên hiệp các nhà quản lý chuyên nghiệp ở Phần Lan, cho rằng “trợ cấp chăm sóc trẻ tại nhà mới là vấn đề thực sự cần quan tâm”.

Ngọc Minh