Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm, HĐND tỉnh Thái Nguyên

Bám sát những yêu cầu của đời sống

- Thứ Ba, 18/12/2012, 15:52 - Chia sẻ
Cùng chung tiến trình đổi mới hoạt động của HĐND tỉnh, phiên chất vấn và chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm, HĐND tỉnh Thái Nguyên Khóa XII đã diễn ra với nhiều câu hỏi chất vấn nhất từ trước tới nay. Trong thời gian 1 ngày, hơn 20 vấn đề được xem là "nóng" trên tất cả các mặt của đời sống KT - XH, được cử tri đặc biệt quan tâm đã được các đại biểu HĐND đặt ra với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành trong tỉnh.






Các lĩnh vực được chất vấn bao gồm từ các vấn đề bao quát đến mỗi trường hợp cụ thể, từ các vấn đề chính sách, kinh tế quan trọng của tỉnh như nguyên nhân việc không hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT- XH năm 2012; làm rõ căn cứ đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2013; vấn đề quản lý và sử dụng đất kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực cho phát triển KT- XH địa phương; tiến độ thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về các chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… đến các vấn đề xã hội như: xây dựng nhà ở, quy hoạch đất ở cho công nhân viên chức lao động và người có thu nhập trung bình; việc làm cho người lao động; tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp... và các vấn đề đang trực tiếp gây bức xúc cho người dân về an toàn vệ sinh thực phẩm, lạm thu trong trường học, ô nhiễm môi trường... Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn được đánh giá là bám sát đối với những vấn đề quan trọng của kinh tế, xã hội tỉnh và theo sát những trăn trở, bức xúc của cử tri trên địa bàn tỉnh.
 
Chưa yên tâm về vấn đề an toàn thực phẩm

Vấn đề đầu tiên được các đại biểu HĐND tỉnh Thái Nguyên chất vấn tại Kỳ họp liên quan đến hoạt động bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn. Tính đến hết tháng 10/2012, tại Thái Nguyên đã xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 604 người bị ảnh hưởng. Tuy không có tử vong nhưng điều đó đã cho thấy công tác về an toàn thực phẩm (ATTP) tại Thái Nguyên đang là vấn đề cần quan tâm. Đại biểu Đỗ Đức Công (TP Thái Nguyên) nêu câu hỏi, trước thực trạng ấy, ngành Y tế tỉnh đã có những giải pháp gì để không xảy ra tình trạng ngộ độc trong thời gian tới làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân? Đại biểu cũng đề nghị làm rõ việc triển khai, thực hiện chỉ đạo của Chính về việc xếp hạng chỉ số về ATTP phủ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
 
Trả lời những băn khoăn của đại biểu HĐND, Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên Bùi Văn Hoan cho biết, tính đến hết tháng 11/2012, tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm với 631 người mắc, 373 người đi viện, không có trường hợp tử vong, trong đó có 5 vụ có số lượng lớn (trên 50 người mắc). Đại diện Sở Y tế nhận định, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do thói quen ăn uống không hợp vệ sinh của một số cá nhân, một số vùng hoặc do cỗ bàn kéo dài nhiều ngày gây ô nhiễm thực phẩm. Lãnh đạo chính quyền ở một số địa phương chưa thực sự coi việc bảo đảm ATVSTP là trách nhiệm của mình; lãnh đạo các đơn vị có tổ chức bếp ăn tập thể, chủ các cơ sở dịch vụ ăn uống chưa nhận thức rõ trách nhiệm cá nhân trong việc để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, công tác truyền thông về ATVSTP chưa bao phủ rộng khắp; công tác thanh tra, kiểm tra xử lý chưa đủ sức răn đe, chưa thường xuyên ở tuyến dưới…
 
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh cho rằng, để hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động truyền thông và thanh tra, kiểm tra, cần công khai phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về ATVSTP đối với UBND các cấp, đặc biệt là cấp xã; công khai trách nhiệm của người đứng đầu các sở kinh doanh, chế biến thực phẩm trong việc bảo đảm ATVSTP. Bên cạnh đó, tăng cường lấy mẫu thực phẩm, phân tích nguy cơ với ATTP; tham mưu chính quyền các địa phương bắt buộc các hộ gia đình có đám cỗ cần cam kết bảo đảm ATVSTP, đồng thời cử nhân viên y tế xã hoặc thôn bản đến giúp giám sát việc bảo đảm ATVSTP tại các gia đình đó…
 
Không yên tâm về việc tỷ lệ rất thấp các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về VSATTP, ĐB Nguyễn Thị Thúy Nga (TP Thái Nguyên) yêu cầu làm rõ nguyên nhân và kết quả xử lý vi phạm và cơ chế kiểm tra, giám sát và giải pháp khắc phụ tình trạng này? Phó chủ tịch UBND tỉnh Ma Thị Nguyệt cho biết, Quyết định số 11/2006/QĐ-BYT quy định, các cơ sở thực phẩm phải bảo đảm 3 điều kiện bắt buộc về cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người mới được thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm thuộc các nhóm thực phẩm nêu trên của tỉnh Thái Nguyên hầu hết có quy mô nhỏ lẻ, không có giấy phép kinh doanh.
 
Hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản còn nhiều bức xúc

Là tỉnh có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, Thái Nguyên là địa phương có nhiều doanh nghiệp được cấp phép vào hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Các vấn đề về cấp phép khai thác; hoạt động khai thác, chế biến của các doanh nghiệp khoáng sản và vấn đề ô nhiễm môi trường xung quanh các khu vực khai thác khoáng sản đã được nhiều đại biểu quan tâm và chất vấn cơ quan chức năng có liên quan. Chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, ĐB Dương Văn Lành (Đồng Hỷ) đề nghị làm rõ hiện nay trên địa bàn Thái Nguyên có bao nhiêu doanh nghiệp đang thuê đất vào hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, diện tích thuê đất của từng doanh nghiệp là bao nhiêu, nghĩa vụ phải đóng thuế và miễn giảm như thế nào? Lo ngại về việc thất thoát tài nguyên trong hoạt động khai thác, chế biến của các doanh nghiệp, ĐB Dương Văn Lành cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường nêu rõ các biện pháp để quản lý nguồn tài nguyên, chống thất thoát trong quản lý sản lượng sản xuất khai thác chế biến, ngoài hình thức tự khai của các doanh nghiệp. Đây cũng là mối quan tâm của nhiều cử tri trên địa bàn.
 
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đoàn Văn Tuấn cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 79 tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản trên 141 giấy phép khai thác còn hiệu lực, trong đó có 17 giấy phép do bộ, ngành Trung ương cấp, 124 giấy phép do UBND tỉnh cấp. Tổng diện tích cấp phép khai thác là 4.910,22ha/141 giấy phép. Trong tổng số 141 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực có 80 giấy phép đã tiến hành khai thác, trong đó 51 giấy phép đã thuê đất với tổng diện tích 2.492,67ha và 30 mỏ chưa hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thuê đất.
 
Để quản lý nguồn tài nguyên, chống thất thoát, Sở Tài Nguyên và Môi trường đẩy mạnh 3 giải pháp chính. Thứ nhất, yêu cầu các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện đúng các quy định tại Điều 63, Luật Khoáng sản năm 2010. Trong đó, lập, quản lý, lưu giữ bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác từ khi bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ đến khi kết thúc khai thác để xác định trữ lượng khai thác theo thiết kế và trữ lượng khai thác theo thiết kế và trữ lượng còn lại của mỏ. Thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản trong khu vực được phép khai thác, sản lượng khoáng sản đã khai thác và chịu trách nhiệm về số liệu đã thống kê, kiểm kê. Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc khai thác, chế biến, vận chuyển và các số liệu, tài liệu báo cáo của doanh nghiệp. Thứ ba, việc vận chuyển khoáng sản cần được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Tại địa bàn các huyện có khoáng sản cần lắp đặt các trạm cân tại các vị trí phù hợp và yêu cầu các doanh nghiệp khai thác khoáng sản khi vận chuyển tiêu thụ đều phải đi qua trạm cân để kiểm tra.
 
Đối với vấn đề bảo vệ ô nhiễm môi trường xung quanh các khu vực khai thác khoáng sản, ĐB Hoàng Văn Quý (TP Thái Nguyên) nêu, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 159 mỏ khai thác khoáng sản đã được cấp phép và khai thác. Kết quả kiểm tra liên ngành tại 15 mỏ đã hoạt động thì 11/15 mỏ có công trình bảo vệ môi trường đã được xây dựng nhưng chưa đúng, chưa đầy đủ như cam kết. Đại biểu đề nghị làm rõ việc xử lý các hành vi vi phạm bảo vệ môi trường đã được thực hiện như thế nào?
 
Trả lời ĐB Hoàng Văn Quý, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Đoàn Văn Tuấn cho biết, Sở đã tích cực đẩy mạnh đôn đốc, hướng dẫn và giám sát thường xuyên các dự án phải lập báo cáo tác động môi trường, thực hiện đầy đủ các nội dung cam kết bảo vệ môi trường. Đến nay đã có 4 mỏ được kiểm tra, xác nhận hoàn thành, gồm than Khánh Hòa, sắt Hóa Trung, vàng bản Ná, sắt Tương Lai. Thời gian tới, Sở tiếp tục tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các tồn tại của các đơn vị có hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không thực hiện.
 
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Vũ Thanh Thanh (TP Thái Nguyên) về việc giải quyết các kiến nghị của cử tri liên quan đến vấn đề đất đai và ô nhiễm môi trường còn quá chậm, gây bức xúc cho người dân, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh nổi lên các vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường tập trung ở các khu dân cư nằm xen kẽ với các cơ sở sản xuất công nghiệp, điển hình là TP Thái Nguyên; ô nhiễm môi trường ở các khu khai thác, chế biến khoáng sản; ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi và chất thải y tế. Năm 2012, Sở đã xây dựng các kế hoạch khắc phục và giảm thiểu ô nhiêm môi trường; kiểm tra, đôn đốc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoàn thành kế hoạch xử lý; triển khai các mô hình thí điểm xử lý rác thải sinh hoạt… Trong thời gian tới, để giải quyết nhanh và hiệu quả hơn đối với các vấn đề nêu trên, Sở tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, phối hợp với Sở Tài chính và Cục Thuế xây dựng và ban hành quy định sử dụng phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản bảo đảm đúng quy định; đẩy mạnh các biện pháp tăng thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp; thực hiện các dự án trọng điểm về xử lý rác thải ở các xã nông thôn mới, khắc phục ô nhiễm môi trường ở một số điểm nóng như ô nhiễm môi trường suối Cốc, ô nhiễm không khí ở TP Thái Nguyên, từng bước di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư vào các khu công nghiệp…
 
Vấn đề việc làm cho người lao động trong điều kiện kinh tế khó khăn

ĐB Dương Xuân Hùng (TP Thái Nguyên) đặt vấn đề, trong tình trạng suy giảm kinh tế, nhiều người mất việc làm do doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể. Đại biểu đề nghị làm rõ những giải pháp của UBND tỉnh đối với những lao động bị mất việc làm. Giải trình vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ma Thị Nguyệt cho biết, đối với người lao động bị mất việc làm, tỉnh đã thực hiện các chính sách ưu đãi như bảo hiểm thất nghiệp; trợ cấp mất việc làm; tăng cường hoạt động giới thiệu việc làm và dạy nghề. Trong năm 2012, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đã hỗ trợ kinh phí học nghề cho 98 người lao động thất nghiệp với tổng kinh phí thực hiện là 83,1 triệu đồng, tư vấn việc làm cho 2.729 người và giới thiệu việc làm mới cho 426 người.
 
Băn khoăn về những số liệu ngành LĐ, TB và XH tỉnh đưa ra về số người được giải quyết việc làm, Đại biểu Trương Thị Huệ (Đại Từ) đã làm nóng diễn đàn với việc nêu vấn đề: năm 2012, khó khăn thách thức đều lớn hơn dự báo, 640 doanh nghiệp giải thể và dừng hoạt động, chưa kể số doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đến hiện tại số lao động được tạo việc làm mới là trên 22.000 lao động. Đại biểu đề nghị làm rõ những lao động được tạo việc làm mới ở những nhóm, ngành nào và nêu câu hỏi: "Số liệu trên có lôgic với những khó khăn, thách thức của tình hình kinh tế và những kết quả đạt được về những chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của tỉnh hay không?... Quy trình điều tra thống kê, tổng hợp số liệu như thế nào, có bảo đảm tính khoa học để đưa ra được con số chính xác hay không? Đồng chí có cho rằng nếu việc đưa ra số liệu thiếu tin cậy sẽ ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách về đào tạo nghề và giải quyết lao động của tỉnh hay không? Trách nhiệm của đồng chí về vấn đề này như thế nào?". Giám đốc Sở LĐ, TB và XH đã trả lời rõ ràng, thuyết phục và khẳng định việc thống kê số liệu về chỉ tiêu giải quyết việc làm của tỉnh Thái Nguyên có cơ sở rõ ràng. Dự kiến năm 2012, khoảng 22.260 người được giải quyết việc làm trên toàn tỉnh.
 
Với những vấn đề được đưa ra chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thực sự phát huy tinh thần dân chủ, thể hiện vai trò giám sát và tinh thần trách nhiệm cao của đại biểu HĐND đối với những vấn đề quan trọng liên quan đến mọi mặt cuộc sống của người dân trên địa bàn. Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc nhấn mạnh, đây là phiên họp được HĐND tỉnh tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng. Trong 1 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu đã phát huy tinh thần trách nhiệm, dân chủ, thẳng thắn nêu vấn đề còn hạn chế, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, các cơ quan tư pháp; thủ trưởng các cơ quan đơn vị đã trả lời, giải trình làm rõ. Các vấn đề đưa ra đã được giải thích, làm rõ, khẳng định vai trò quan trọng của các đại biểu HĐND, nâng cao tinh thần trách nhiệm cho các sở, ngành và mang đến niềm tin cho cử tri. 

Phạm Liên