Bài toán khó của nền kinh tế

- Thứ Năm, 02/07/2020, 05:52 - Chia sẻ
Với việc tăng trưởng GDP quý II chỉ đạt 0,36%, còn tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ là 1,81%, như con số vừa được Tổng cục Thống kê công bố, nền kinh tế Việt Nam đang thực sự đối mặt với một bài toán khó: Làm sao để đạt được tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất có thể?

Chỉ là cao nhất có thể thôi, bởi một điều chắc chắn, năm nay tăng trưởng GDP sẽ không thể đạt mục tiêu 6,8%. Mức tăng trưởng này được Quốc hội quyết nghị từ Kỳ họp tháng 10 năm ngoái và đã không được điều chỉnh tại Kỳ họp tháng 5 vừa rồi, bất chấp việc tăng trưởng GDP quý I chỉ là 3,82% và nhiều dự báo cho thấy, kinh tế Việt Nam đang chịu những tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Dù Tổng cục Thống kê đã nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, kinh tế Việt Nam vẫn có tăng trưởng dương là điều rất “đáng ghi nhận”, song không thể phủ nhận tăng trưởng GDP của Việt Nam trong nửa đầu năm nay quá thấp. Không chỉ là thấp nhất trong 10 năm nay như tính toán của Tổng cục Thống kê, mà thậm chí còn là rất thấp trong chặng đường hơn 30 năm Đổi mới của Việt Nam. Chính ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê còn phải thốt lên rằng, 30 năm tính toán số liệu tăng trưởng GDP theo thông lệ quốc tế, chưa bao giờ ngành thống kê gặp những chỉ số thấp như vậy!

Mức tăng trưởng chỉ 0,36% trong quý II, và 1,81% trong nửa đầu năm đã cho thấy, kịch bản xấu nhất đã xảy ra đối với nền kinh tế, thấp hơn mọi dự báo. Vì thế Tổng cục Thống kê đã buộc phải đưa ra các kịch bản mới cho nền kinh tế trong năm 2020. Theo đó, ở kịch bản thấp, thay vì mức dự báo tăng trưởng 3,46% trước đây, thì Tổng cục Thống kê giờ đây chỉ đưa ra con số 3,32%. Tương tự, ở kịch bản trung bình, thay vì 4,45% là 3,8%. Còn ở kịch bản cao, thế chỗ con số 5,2% sẽ là 4,2%.

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm thấp hơn mọi dự báo, nên nếu như tháng trước, Thủ tướng Chính phủ nhắc đến việc chúng ta phải nỗ lực để có thể tăng trưởng được 5%, thì ngày hôm qua, khi họp với Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng nói: Chính phủ phấn đấu đạt mức tăng trưởng 4%.

Điều đó cho thấy nền kinh tế đã chịu những tác động nghiêm trọng hơn dự báo, và cũng chứng tỏ rằng, tính bất định của nền kinh tế lớn đến thế nào. Ở vào thời điểm này, mọi kịch bản tăng trưởng kinh tế được đặt ra hồi tháng 3, tháng 4, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát đều đã trở nên lạc hậu. Đã bắt đầu sang tháng 7, dù dịch bệnh đã được kiểm soát tốt ở Việt Nam, nhưng trên toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, và do đó, đã phá vỡ mọi dự báo.

Kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái. Còn nền kinh tế Việt Nam, vì có độ mở rất cao, phụ thuộc lớn vào xuất nhập khẩu, vào thị trường toàn cầu, nên dù Chính phủ đã nỗ lực triển khai mọi giải pháp có thể, trong thẩm quyền của mình, từ giãn hoãn nộp thuế, thúc đẩy đầu tư công, đến hỗ trợ an sinh cho người dân và người lao động…, nhưng tình hình vẫn vô cùng khó khăn. 6 tháng, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chỉ là 2,71%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nếu loại trừ yếu tố giá giảm 5,3%; kim ngạch xuất khẩu giảm 1,1%; thu ngân sách giảm 11,1% so với cùng kỳ…

Tình hình khó dự báo đến mức, Trung Quốc cũng đã lần đầu tiên không đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2020 chỉ vì lo đại dịch Covid-19 và những bất định to lớn về kinh tế và thương mại toàn cầu.

Nền kinh tế Việt Nam cũng vậy. Dù Chính phủ đang nỗ lực ở mức cao nhất, nhưng cũng không thể thoát ly được tình hình thế giới. Vì thế, với Việt Nam, tăng trưởng GDP năm nay sẽ ở mức bao nhiêu là điều khó dự báo. Và làm sao để tăng trưởng cao trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái là một bài toán thực sự khó giải.

Hôm nay (2.7), Chính phủ sẽ tiếp tục họp trực tuyến với các địa phương để bàn về các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong bối cảnh vẫn không được lơ là các biện pháp để kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Kỳ vọng rằng, sau phiên họp, sẽ có những hiến kế quan trọng giúp Chính phủ có thể giải được bài toán khó của nền kinh tế.

Cẩm Phô