Bài toán khó cho ngành dân số

- Thứ Tư, 13/11/2019, 10:45 - Chia sẻ
Hầu hết các Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) đang ổn định mô hình theo Thông tư liên tịch 51/2015/TTLT-BYT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Y tế thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn có những tỉnh không đủ biên chế, thiếu nhân lực, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ về công tác dân số trong tình hình mới, đặc biệt là trong việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 21-NQ/TW.

Băn khoăn biên chế ngành dân số

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố tính đến thời điểm 31.5.2019, số lượng công chức làm việc tại Chi cục DS-KHHGĐ (sau khi thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW) có tổng số biên chế được giao của 63 Chi cục DS-KHHGĐ là 1.113 biên chế, bình quân là 17,7 biên chế/Chi cục. Tổng số người làm việc hiện có là 1.051 (trong đó có 797 công chức, 114 viên chức và 140 hợp đồng lao động), bình quân 16,7 người/Chi cục.

Tuy nhiên theo Vụ Trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Dân số Lê Văn Hợi, hiện nay vẫn có 5 tỉnh đang dưới 10 biên chế là Kiên Giang, Tây Ninh, Ninh Bình, Sơn La và Vĩnh Phúc. Trong đó, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Sơn La là đơn vị duy nhất có con dấu nhưng không có tài khoản. Ở Kiên Giang thì số cán bộ làm việc ở Chi cục bị điều chuyển để làm công việc khác, còn 6 cán bộ. Rõ ràng, những chi cục này không có được nhân lực cần thiết, tối thiểu cho hoạt động của Chi cục; gây không ít ảnh hưởng đến kết quả hoạt động cũng như các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Nhất là trong tình hình công tác dân số hiện nay đang rất nhiều vấn đề nóng, đòi hỏi phải đáp ứng được nhiệm vụ, trọng trách lớn mà Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới yêu cầu là chuyển trọng tâm từ Dân số - kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển. Đây đang là một trong những vấn đề “nóng” của tổ chức bộ máy làm dân số ở cơ sở, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động và tâm tư của cán bộ làm công tác dân số.


Cộng tác viên dân số là “cánh tay nối dài” có vai trò quan trọng trong ngành dân số. (Nguồn: ITN)

Không chỉ vậy, một số địa phương còn dự định chuyển Chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng Dân số trực thuộc Sở Y tế. Điển hình là tỉnh Tây Ninh đã có Quyết định số 27/2019/QĐ-UBND ngày 23.7.2019 có hiệu lực kể từ ngày 2.8.2019, theo đó chuyển Chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng Dân số thuộc Sở Y tế. Ngày 21.8.2019, Bộ Y tế đã có công văn 4839/CV-BYT đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh giữ nguyên Chi cục DS-KHHGĐ.Tỉnh Bình Thuận, Phú Yên cũng đã xây dựng đề án chuyển Chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng Dân số thuộc Sở Y tế. Sau khi Bộ Y tế có văn bản gửi UBND tỉnh và các Sở ngành có liên quan đề nghị giữ nguyên hệ thống tổ chức DS-KHHGĐ, đến nay 2 tỉnh trên đã dừng không xây dựng đề án sáp nhập và để Chi cục DS-KHHGĐ là đơn vị độc lập.

Các chuyên gia cho rằng, việc đưa Chi cục DS-KHHGĐ thành một phòng của Sở Y tế là không đúng với Thông tư liên tịch số 51/2015 giữa Bộ Y tế - Bộ Nội vụ. Do đó, trong thời gian tới, cần giữ nguyên Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế theo Thông tư liên tịch số 51 trước khi có những quy định mới.

Biến động về đội ngũ cộng tác viên

Theo các chuyên gia, một trong những khó khăn của ngành dân số là thu hút cộng tác viên, bởi đây được xem là “cánh tay nối dài” có vai trò quan trọng trong ngành DS-KHHGĐ. Đây là lực lượng nòng cốt giúp ngành DS-KHHGĐ triển khai công tác đến tận cơ sở, tới từng gia đình, người dân; đóng góp chủ yếu cho công tác thu thập thông tin ở cơ sở giúp chính quyền nắm được tình hình dân số ở các xã, phường, mức độ biến động dân số của từng địa bàn.Vấn đề đặt ra là dù công việc không hề nhẹ nhàng nhưng mức phụ cấp dành cho họ khá “khiêm tốn”.

Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Lâm Đồng Đinh Đức Thọ cho hay, hiện tỉnh có 2.516 cộng tác viên dân số, mức độ biến động hàng năm đội ngũ này lên tới 20-25%. Chính điều này đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác, hàng năm tỉnh phải bố trí nguồn kinh phí lớn để đào tạo và đào tạo lại cho nhóm cộng tác viên mới.

Còn tại Đắk Nông, Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh Nguyễn Xuân Lâm cho biết, từ 1.126 cộng tác viên dân số thôn, bản của 71 xã, phường, thị trấn, đến nay chỉ còn 787 người. Hầu hết họ là nhân viên y tế thôn bản kiêm thêm công việc dân số với mức hỗ trợ hàng tháng là 70.000 đồng/người. Mức hỗ trợ này quá thấp nên họ không “mặn mà” với công tác dân số cơ sở.

Thực tế cho thấy, mức phụ cấp giảm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của đội ngũ cộng tác viên dân số. Bởi số tiền nhận được chưa tương xứng với công sức và chi phí đi lại họ đã bỏ ra nên mặc dù vẫn gắn bó đều đặn với công việc song các CTV không còn “thiết tha” làm việc như trước, động lực tham gia công tác xã hội của họ ngày càng giảm đi.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Nguyễn Doãn Tú, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hànhđã chuyển hướng trọng tâm công tác dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Nội dung công tác dân số không chỉ tập trung vào quy mô dân số như trước kia mà đã mở rộng ra cả cơ cấu, chất lượng, phân bố dân cư. Với những nhiệm vụ nặng nề như thế, nguồn nhân lực lại đứng trước những thách thức khi liên tục biến động, cắt giảm tại địa phương. Đây là bài toán khó đặt ra cho ngành Y tế, Dân số.

Vì thế, Sở Y tế và các sở, ban, ngành liên quan tại các địa phương tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ hơn nữa để ổn định tổ chức bộ máy, giữ vững phát huy thành quả đã đạt được. Tập trung hơn nữa vào công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ cán bộ làm công tác dân số ở địa phương. Giữ nguyên tổ chức Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế theo Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV. Đối với lực lượng cộng tác viên dân số,  các địa phương cần phải giữ vững đội ngũ này, bởi đây là lực lượng gần dân, bám dân nhất và là người trực tiếp triển khai tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân số.

Dương Cầm