Tham vấn công chúng qua internet

Bài học từ Australia

- Thứ Sáu, 21/08/2015, 08:27 - Chia sẻ
Australia là một trong những nước đã áp dụng nhiều sáng kiến nhằm tăng cường tham vấn công chúng qua internet. Những vấp váp cũng như kinh nghiệm của Australia trong lĩnh vực này có thể là bài học quý giá cho những quốc gia khác.

Cuối năm 2007, Chinh phủ liên bang Australia giao cho Văn phòng quản trị thông tin của Chính phủ xây dựng chiến lược thực hiện tham vấn công chúng qua internet, và dự án Góp ý trực tuyến cho Chính phủ ra đời năm 2008. Tiếp theo đó, Bộ Tài chính Australia thiết lập blog thử nghiệm tham vấn nhằm tạo cơ hội cho công dân mạng tương tác với bộ máy hành chính và đóng góp ý kiến cho chính sách của Chính phủ. Thuật ngữ Dân chủ điện tử được Bộ Tài chính Australia sử dụng để nói về sáng kiến tham vấn công chúng qua mạng của Bộ. Còn Chính phủ liên bang Australia dùng thuật ngữ “Chính phủ 2.0” chỉ nhóm công tác nghiên cứu việc sử dụng các công nghệ Web 2.0 để tham vấn và thu hút sự tham gia của công chúng. Cuối năm đó, còn có thêm 3 trang mạng tham vấn ra đời: Blog tham vấn của Bộ Băng thông rộng, truyền thông và kinh tế số; diễn đàn tham vấn trực tuyến quốc gia về quyền con người do Bộ Tư pháp chủ trì; diễn đàn trực tuyến về giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục, việc làm và quan hệ lao động.

Theo ý kiến của những người thực hiện tham vấn qua mạng, một trong những vấn đề quan trọng là lập kế hoạch với sự tham gia của ba nhóm: các quan chức chính sách của bộ, chuyên gia về công nghệ thông tin, và các chuyên gia về truyền thông. Các nội dung cần lên kế hoạch là xác định nhóm đối tượng, mục tiêu, các vấn đề bí mật riêng tư, các nguồn lực thực hiện, và cuối cùng mới đến việc lựa chọn công nghệ.


Các dự án tham vấn nói trên cũng cho thấy, cần tránh hiện tượng các vấn đề phức tạp, gây mâu thuẫn có thể làm lệch hướng cuộc thảo luận trên mạng ra khỏi nội dung chính, làm cho tham vấn không đạt mục tiêu ban đầu. Ví dụ, trước khi khai trương trang mạng tham vấn, Bộ Băng thông rộng, truyền thông và kinh tế số đưa ra đề xuất thiết lập bộ lọc trên mạng, gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của báo giới và các nhóm tổ chức xã hội dân sự.

Sức ép về thời gian là một trong những thách thức đối với tham vấn qua mạng, vì nó diễn ra tức thì, nhanh hơn nhiều so với giao tiếp truyền thống. Trong khi đó, các quy tắc hành chính nhiều khi cản trở sự giao tiếp tức thì trên mạng. Ví dụ, nhiều nhân viên Chính phủ cho biết, họ muốn trao đổi ngay với công dân qua mạng, nhưng lo ngại điều đó không được phép, phải báo cáo với cấp cao hơn, thậm chí với Bộ trưởng. Điều này cho thấy, nếu Chính phủ muốn thực sự tham vấn công chúng qua mạng thì phải xây dựng quy trình phản hồi nhanh, cho phép một số nhân viên trả lời đối với các vấn đề nhất định, và chuẩn bị phương án trả lời.

Năng lực của chuyên viên phụ trách tham vấn qua mạng là vấn đề then chốt. Đó là năng lực lập kế hoạch, nêu vấn đề, thu thập, tổng hợp thông tin, đánh giá, phân tích một khối lượng lớn thông tin. Đặc biệt, kinh nghiệm các bộ ở Australia cho thấy, cần tập trung chú ý đến việc xử lý thông tin thu nhận được. Nếu Chính phủ cam kết lắng nghe và cân nhắc quan điểm của công dân, thì điều cần quan tâm là phân tích, xử lý và tiếp thu đóng góp của công chúng đối với chính sách. Như vậy, cần có một đội ngũ nhân viên đủ năng lực và tâm huyết để làm công việc khó khăn này.

Tính dễ tiếp cận, môi trường thân thiện với người sử dụng là một yêu cầu đối với tham vấn qua mạng. Các chuyên gia và người sử dụng đánh giá trang web tham vấn của Bộ Tư pháp về quyền con người khó theo dõi, ít thông tin, phức tạp, phải khai báo nhiều thông tin gây e ngại. Hoặc blog tham vấn của Bộ khác dùng ngôn ngữ quá khô cứng của nhà nước, thiếu sự dân dã ở mức vừa phải, khiến cho người truy cập thấy ngán, không muốn tham gia. Một số chuyên gia nhận xét, qua hàng thế kỷ, nhiều vấn đề chính trị khô khan được thể hiện trong dân gian bằng ngôn ngữ hài hước, dễ hiểu, thu hút người nghe. Các trang web tham vấn công chúng có thể học hỏi điều này ở mức độ nhất định.

Minh Thy