Chính sách và cuộc sống

Bài học mang tên “Vũ Hán”

- Thứ Bảy, 15/02/2020, 07:24 - Chia sẻ
Chưa đầy 3 tháng kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán - thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) với tổng sản phẩm quốc nội đầu người lên tới 20.000 USD, cao hơn trung tâm kinh tế Thượng Hải và xấp xỉ với Bắc Kinh (theo Nikkei Asian Review), đã làm cho cả thế giới giật mình, lo lắng.

Báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế về dịch Covid-19 cập nhật lúc 18 giờ 30 ngày hôm qua, 14.2, cho thấy thế giới có 64.461 người mắc, 1.384 người tử vong, trong đó số người tử vong tại lục địa Trung Quốc là 1.381 người.

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, chiếm 17% GDP toàn cầu, đang chao đảo với “kịch bản” xấu có thể chỉ đạt mức tăng trưởng 4,5 - 4% như dự báo của một số tổ chức kinh tế. Chưa kể những hệ lụy khác về chính trị - xã hội mà đất nước khoảng 1,4 tỷ dân này đang phải gánh chịu. Điều này một lần nữa cho thấy, kinh tế Trung Quốc “hắt hơi sổ mũi” đều ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới và dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2020 có thể giảm từ 0,3 - 0,7 điểm phần trăm, chỉ là 2,3%, thấp hơn mức đã dự báo trước đây. Các nước, trong đó có Việt Nam đều chịu tác động không nhỏ, mặc dù chưa biết đến bao giờ đại dịch này mới chấm dứt.

Đến giờ phút này, có lẽ chưa ai dự báo được tác động thực tế của nó đến kinh tế, chính trị trên thế giới sẽ đến mức độ nào, vì tốc độ lây lan quá nhanh, thậm chí nhiều thông tin nói rằng Covid-19 vẫn chưa đến “đỉnh dịch”. Nhưng rõ ràng nó là tiếng chuông cảnh tỉnh thế giới và bước đầu rút ra được một bài học đắt giá, đó là: Sự minh bạch, công khai trong thông tin đến với cộng đồng và người dân. Thông tin kịp thời cùng với công tác tuyên truyền và hướng dẫn người dân đúng chính là “cơ hội vàng” để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả. Cùng với đó là sự phản ứng nhanh nhạy của các cấp chính quyền.

Đương nhiên, sự nhanh nhạy đó cũng phải dựa trên các kịch bản, phương án và nguồn lực sẵn có về cơ sở vật chất, nhân lực và dự trữ tài chính khác. Đây là vấn đề luôn phải tính đến với một quốc gia đông dân và diễn biến phức tạp, khó lường của biến đổi khí hậu và môi trường như hiện nay. Đặc biệt, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, ý thức “phòng bệnh hơn chữa bệnh” phải trở thành phản ứng tự có của mỗi người, không để “nước đến chân mới nhảy”. Tuyên truyền để người dân không hoảng loạn nhưng cũng không chủ quan. Một trong những vấn đề rất đáng quan tâm, đó là rủi ro về thị trường, môi trường (thiên tai địch họa). Đừng bao giờ nghĩ một cách chủ quan rằng, con đường luôn bằng phẳng, thắng lợi hôm nay sẽ tiếp tục trong ngày mai. Những điều hôm nay đúng chưa chắc ngày mai đã đúng. Một thực tế đang hiển hiện trước mắt, đó là rủi ro, nếu không được xử lý kịp thời, đúng lúc, có thể sẽ xóa sạch các thành quả.

Và từ vấn đề hệ lụy của dịch bệnh tại Vũ Hán đến nền kinh tế đã, đang và sẽ là minh chứng rõ nét cho quan điểm: Thị trường là chiến trường, đừng bao giờ đầu tư “vào một giỏ”, hay “Được mùa chớ phụ ngô khoai/ Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng”.

Con số người nhiễm bệnh, con số người chết vì dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang có chiều hướng gia tăng có lẽ làm cho chúng ta cần suy xét thấu đáo hơn về việc môi trường sống đang bị hủy hoại, và hủy hoại bởi chính chúng ta. Nguồn nước bị ô nhiễm, rác thải, nước thải..., thậm chí đây đó, không phải cá biệt, là sự tùy tiện, coi rẻ vấn đề môi trường, khiến con người đã và đang và sẽ phải trả giá không chỉ trong tương lai xa mà ngay trước mắt.

Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần thực sự quyết liệt trong cơ cấu lại nền kinh tế, nghiêm túc hơn trong việc “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế với bất cứ giá nào”. Phải cơ cấu lại cuộc sống của chúng ta cho hợp lý, bền vững và thân thiện với môi trường.

Hi vọng bài học mang tên “Vũ Hán” sẽ làm chúng ta suy xét đúng đắn, hành động quyết liệt và đoàn kết hơn.

Phùng Văn