Sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Bài cuối: Đặc thù của quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động

- Thứ Năm, 06/08/2020, 05:10 - Chia sẻ
Theo Bộ luật Lao động hiện hành, quản lý nhà nước về lao động nói chung gồm 5 loại vấn đề, từ xây dựng luật pháp, chính sách, đến cập nhật thông tin thống kê lao động; nghiên cứu khoa học; đến xây dựng cơ chế, thiết chế phát triển quan hệ lao động; thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Nghĩa là cũng như nhiều lĩnh vực khác, Nhà nước không làm thay doanh nghiệp mà chỉ xây dựng luật pháp, chính sách, định ra cơ chế vận hành và thanh tra, kiểm tra việc thực thi cụ thể của doanh nghiệp. Nhưng riêng lĩnh vực xuất khẩu lao động, Nhà nước phải thực hiện những công việc có tính chất “khai phá”, “mở đường”, sau đó doanh nghiệp mới tiến hành các hoạt động cụ thể tiếp theo.

Điều 71, về quản lý nhà nước, dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) có quy định tới 9 nhóm công việc, trong đó có khá nhiều việc Nhà nước phải thực hiện trước khi doanh nghiệp thực hiện. Đồng thời, các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cũng có trách nhiệm tham gia quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động.

Xúc tiến phát triển thị trường lao động ngoài nước 

Như đã trình bày, có thị trường nhập khẩu lao động thì chúng ta mới xuất khẩu được lao động. Thị trường càng rộng về dư địa và càng tốt về điều kiện làm việc, điều kiện sinh sống, thì xuất khẩu lao động càng hiệu quả. Tuy nhiên, doanh nghiệp và cá nhân người lao động không thể tự mình xác định được nước nào, khu vực nào lao động nước mình có thể đến làm việc. Phải có sự nghiên cứu, thăm dò và đàm phán, ký kết ở cấp Nhà nước thì mới xác định được những vấn đề đó.

Thực tế, so với hợp tác quốc tế về lao động với các nước XHCN trước đây thì công việc này trong giai đoạn hiện nay khó khăn, phức tạp hơn nhiều. Bởi từ năm 1990 đến nay thế giới có nhiều bất ổn, Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ; hàng chục cuộc chiến tranh và xung đột lãnh thổ đã nổ ra rất khốc liệt, đặc biệt là khu vực Trung Đông... Vì vậy, nhiều thị trường lao động bị đình đốn, thu hẹp, thậm chí bị đóng cửa. Thời gian qua, chúng ta đã chuyển hướng, mở được một số thị trường mới khá tốt, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... nhưng cũng đang có những trục trặc nhất định sau một số năm thực hiện. Sắp tới, Nhà nước phải khắc phục về cơ bản những khó khăn đó.

Bởi vậy, quy định tại Khoản 3, Điều 4, về chính sách của Nhà nước, trong dự thảo Luật là đúng phương hướng và hợp lý: “Tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động mở thêm thị trường lao động mới, thị trường mang lại việc làm có thu nhập cao, công việc và ngành nghề giúp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài”.

Lưu ý thêm rằng, những thị trường mới mở còn phải tuân thủ nghiêm ngặt điểm 8 của Phụ lục I kèm theo dự thảo Luật - Danh mục công việc và khu vực người lao động không được đi làm ở nước ngoài. Đó là, “khu vực đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự, khu vực đang bị nhiễm xạ, khu vực bị nhiễm độc, khu vực đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm”. Những quy định đó nhằm bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng của người lao động. Bây giờ và thời gian tiếp theo phải đặc biệt lưu ý tới những nơi đại dịch Covid-19 đang lan truyền mạnh mà việc chống dịch ở đó chưa mấy hiệu quả.

Đàm phán ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế

Nội dung này được quy định tại Khoản 5, Điều 71 của dự thảo Luật. Đây cũng là những việc mà từng doanh nghiệp, từng người lao động không thể thực hiện được. Các điều ước quốc tế thì tương đối dễ thỏa thuận khi phù hợp với điều kiện nước mình, hoặc bảo lưu những điều, khoản không phù hợp. Nhưng thỏa thuận quốc tế, hay các văn bản khác được ký kết giữa hai Nhà nước, thường rất gian nan. Nước tiếp nhận lao động thường đặt ra những điều kiện thỏa mãn cao nhất về nhu cầu lao động của họ (làm việc ở những nơi xa xôi, điều kiện lao động phức tạp; ở những ngành, nghề mà lao động nước họ không ưa làm...). Phía cung ứng lao động, bao giờ cũng đưa ra yêu cầu làm việc ở các khu công nghiệp lớn, hiện đại, điều kiện lao động tốt, ngành nghề phù hợp, có khả năng thu nhập cao... Cuối cùng thì hai bên phải tiến đến một giới hạn, cùng chấp nhận được.

Để đàm phán hiệu quả, chấp nhận - thỏa thuận được, về phía cung ứng lao động, cơ quan quản lý nhà nước về lao động phải dày công nghiên cứu địa bàn, ngành nghề cụ thể, điều kiện lao động, điều kiện sinh hoạt... ở quốc gia, vùng lãnh thổ chuẩn bị mở thị trường để có căn cứ thực tiễn cho đàm phán. Văn bản ký kết là những vấn đề chung nhất, là “khung pháp lý” mà sau đó doanh nghiệp và người lao động của phía cung ứng lao động sẽ ký kết những hợp đồng cụ thể với doanh nghiệp của nước tiếp nhận theo quy định tại Khoản 1, Điều 9 và Điều 51 của dự thảo Luật này.

Văn bản thỏa thuận chung thường có thời hạn hiệu lực tương đối dài, trong thời gian hiệu lực của thỏa thuận, mỗi bên có thể có những biến đổi nhất định nên thường phải đàm phán, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Trước đây, hợp tác quốc tế về lao động với các nước XHCN, tình hình những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX còn tương đối ổn định, nhất là những năm 1980 - 1986, vậy mà các hiệp định đã ký với các nước đã phải sửa đổi khá nhiều lần, nhiều nhất là hiệp định ký với Liên Xô, Bulgaria, có tới 4 lần sửa đổi, bổ sung. Hiện nay thế giới nói chung, các thị trường đã mở nói riêng, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội đã và đang có những biến động lớn, vì vậy phải theo sát tình hình mọi mặt để có những thỏa thuận phù hợp nhất.

Trách nhiệm của các cơ quan ngoại giao

Góp sức vào các công việc nói trên có vai trò quan trọng của Đại sứ quán, Lãnh sự quán nước ta ở các nước sở tại. Đây cũng là một khác biệt (đặc biệt) của quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất khẩu lao động. Dự thảo Luật đã dành riêng Điều 73, quy định về Trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài, gồm 7 khoản, trong đó có 4 khoản (từ Khoản 2 đến Khoản 5) là đặc biệt quan trọng, có nội dung cụ thể, như nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, chính sách và phương thức tiếp nhận người lao động nước ngoài của nước sở tại; thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận thị trường để ký kết hợp đồng cung ứng lao động theo pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước sở tại...

Nhân đây, xin được nêu một vấn đề phát sinh cụ thể: Ở một số nước, nhất là ở Hàn Quốc, số lao động hết hạn hợp đồng không chịu về nước mà ở lại sinh sống bất hợp pháp với tỷ lệ lớn làm cho phía Hàn Quốc đã một số lần thôi tiếp nhận hoặc hạn chế tiếp nhận lao động Việt Nam. Trong Luật về xuất khẩu lao động của Việt Nam không thể quy định biện pháp cho bên tiếp nhận lao động, nhưng trong đàm phán, hội đàm hoàn toàn có thể nêu kiến nghị với bên tiếp nhận... Đây là vấn đề chúng ta hoàn toàn có thể trao đổi được với phía các đối tác trong đàm phán, làm việc.

Trở lại Điều 73 của dự thảo Luật, việc kế thừa quy định tại Điều 71 của Luật hiện hành và việc sửa đổi, bổ sung như trên là rất cần thiết và hợp lý. Nhưng sau khi Luật được thông qua, để Điều 73 của Luật có hiệu lực cao thì cần thực thi sớm Khoản 2, Điều 72, đó là “Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội... phối hợp với Bộ Ngoại giao thành lập, cử cán bộ và hướng dẫn nghiệp vụ đối với bộ phận quản lý lao động trực thuộc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài...”.

-------------

* Nay là Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế về lao động*