Thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên

Bài cuối: Quan trọng là doanh nghiệp phải sẵn sàng

- Thứ Hai, 03/08/2020, 07:50 - Chia sẻ
Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) là cánh cửa dẫn doanh nghiệp Việt Nam ra thế giới. Sự chủ động tìm hiểu thông tin, tiếp cận thị trường, sẵn sàng đối phó với thách thức được cho là yếu tố quyết định việc các doanh nghiệp được hưởng lợi từ các FTA hay không. Tuy nhiên, sự chủ động này dường như mới đang diễn ra đối với doanh nghiệp lớn...

Nhận thức hạn chế, thua ngay trên "sân nhà" là… tất yếu

Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, mặc dù hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đều “đã nghe nói” tới các FTA mà Việt Nam là thành viên nhưng tỷ lệ doanh nghiệp “hiểu sâu” về các FTA rất nhỏ. Theo kết quả khảo sát 8.600 doanh nghiệp dân doanh Việt Nam do VCCI công bố vào tháng 3.2019, tỷ lệ doanh nghiệp “có hiểu biết nhất định” về các FTA tiêu biểu, kể cả FTA lớn như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là thiểu số, cao nhất là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng chỉ đạt 37%. Tỷ lệ các doanh nghiệp “hiểu sâu” về các FTA hầu như rất nhỏ, thấp nhất là với FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), chỉ 1% và cao nhất là với AEC là 3%. “Kết quả thật sự đáng buồn khi chỉ 2% doanh nghiệp biết về CPTPP và chỉ chưa đầy 2% doanh nghiệp biết về EVFTA”, bà Nguyễn Thị Thu Trang nói.

Số liệu mà VCCI cung cấp khiến các thành viên Đoàn giám sát sửng sốt, bởi với mức độ hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay thì đáng lẽ tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam hiểu sâu về các FTA phải cao hơn rất nhiều. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh cho rằng, trong đàm phán, ký kết và thực hiện các FTA, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp Việt Nam được gì từ các FTA. Nếu doanh nghiệp không nắm rõ các FTA thì không những cơ hội bị bỏ phí mà thậm chí còn thua ngay trên sân nhà. Thực tế sau hơn một thập kỷ hội nhập cho thấy, trong khi một số ngành hàng tận dụng được các lợi thế do mở cửa mang lại, như lúa, cao su, cà phê, thủy sản, sản phẩm gỗ, trong khi một số ngành phải thu hẹp sản xuất do phải đối mặt với nguy cơ cạnh tranh cao như đậu tương, bông…

Ở góc độ khác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, việc hầu hết doanh nghiệp nước ta mới chỉ “đã nghe nói” đến các FTA nhưng chưa hiểu sâu về các hiệp định này là do công tác truyền thông về các FTA còn yếu. “Nếu công tác truyền thông về FTA không mạnh, cộng với nhiều yếu tố khác nữa thì việc doanh nghiệp Việt Nam thua ngay trên sân nhà là điều tất yếu”, thành viên Đoàn giám sát nhận định.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này là do công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, song trước hết doanh nghiệp cũng phải chủ động: Chủ động trong tìm hiểu thông tin, trong “chuẩn bị mình” nhằm tạo ra thế mạnh cạnh tranh và vượt qua thách thức cũng như trong tìm kiếm thị trường…

Thực tế cho thấy, mức độ sẵn sàng các doanh nghiệp trong nước trong hội nhập còn rất thấp. Cũng theo khảo sát của VCCI, phần lớn doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, trong đó có hội nhập FTA. Cụ thể, ngoại trừ các vấn đề về cải thiện điều kiện lao động, có 58% số doanh nghiệp được hỏi cho biết có thể dễ dàng hoặc rất dễ dàng đáp ứng các yêu cầu này.

Ở tất cả các khía cạnh được khảo sát (đầu tư cho nhân lực, công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu môi trường, yêu cầu nội địa hóa…), tỷ lệ các doanh nghiệp cho rằng, khó hoặc rất khó để đáp ứng các yêu cầu này chiếm đa số, từ 54 - 62%. Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nông nghiệp Việt Nam cũng cho thấy thực trạng, phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ở tỉnh và khu vực nông thôn, miền núi vẫn chưa thực sự quan tâm tới các FTA; do đó, hầu như chưa có sự chuẩn bị gì trong thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Phó trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại cuộc làm việc  

Ảnh: T.Chi 

Doanh nghiệp phải tự thay đổi để "lớn lên"

​​​​"Trong tuyên truyền, phổ biến các FTA mà Việt Nam là thành viên, nếu so sánh với các nước đối tác FTA thì Việt Nam làm công tác tuyên truyền nhiều nhất, tài liệu nhiều nhất, tổ chức hội thảo cũng nhiều nhất, các cơ quan truyền thông dành nhiều thời lượng nhất để phổ biến về các FTA… Nhưng vì sao tuyên truyền vẫn không hiệu quả?

Ở đây, Nhà nước cứ ra sức làm còn doanh nghiệp thì không chủ động. Trong khi đó, ở nước ngoài, không bao giờ doanh nghiệp tìm đến Chính phủ để hỏi cơ hội nằm ở đâu mà thay vào đó, các doanh nghiệp chủ động tìm hiểu. Doanh nghiệp lớn thì có bộ phận pháp lý riêng để tìm hiểu, nghiên cứu còn doanh nghiệp nhỏ thì tìm hiểu thông qua các hiệp hội. Chính vì vậy, chúng tôi tha thiết kêu gọi sự chủ động của các doanh nghiệp".

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh

Việc mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư cùng những cam kết về tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp cận rộng rãi hơn thị trường Việt Nam. Điều này đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước sức ép cạnh tranh lớn ngay trên “sân nhà”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, lợi ích mà các FTA mang lại là rất lớn nhưng nếu chúng ta không chuẩn bị tốt, thì cũng chỉ như "bày cỗ cho doanh nghiệp nước ngoài vào xơi". Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu rõ, không vì thế mà chúng ta không thu hút FDI, mặt khác vẫn phải thu hút, đồng thời với việc phải hỗ trợ cho được để doanh nghiệp Việt Nam “lớn” lên, ngang bằng với khu vực FDI. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tới đây, Chính phủ sẽ đặc biệt quan tâm đến yêu cầu kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt Nam. Đây là bài học rút ra sau hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài. Việc Quốc hội thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa qua đã giúp tháo gỡ khó khăn trong vấn đề này. Cụ thể, Luật mới cho phép Chính phủ quyết định áp dụng mức ưu đãi đặc biệt thêm 50% so với mức cao nhất của quy định hiện hành, nhằm giải bài toán làm sao để thu hút những nhà đầu tư đáp ứng được yêu cầu trên. 

Báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cũng cho thấy, một số địa phương đã tích cực tăng cường các biện pháp, cơ chế khuyến khích, định hướng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với doanh nghiệp nội địa, góp phần vào việc hình thành chuỗi cung ứng. Ví dụ, Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ninh Bình đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư theo chiều sâu sản xuất phụ tùng linh kiện và công nghiệp phụ trợ sản xuất ô tô, điện thoại di động… tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia dây chuyền lắp ráp, vận chuyển, phát triển chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu sang các nước đã ký CPTPP. Yên Bái tăng cường hợp tác với Nhật Bản để thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ, hình thành chuỗi cung ứng nông sản…

Liên quan tới việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm tận dụng cơ hội từ các FTA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các cơ quan của Chính phủ đã cơ bản thực hiện toàn bộ các nội dung trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, như xây dựng nghị định, khung pháp lý hỗ trợ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao xây dựng Nghị định thành lập Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện, Quỹ này đã hoạt động ổn định. Ngoài ra, các hoạt động tư vấn, đào tạo đã được triển khai từ năm 2018 khi Luật có hiệu lực. Sắp tới, Chính phủ sẽ có một Nghị định về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng sửa đổi Nghị định 118 về thực hiện Luật Đầu tư, trong đó bổ sung 4 ngành hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mang tính chất đổi mới sáng tạo…

Đánh giá đây là những bước đi đúng hướng của các bộ, ngành, địa phương trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu - Phó Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, nhằm tối đa hóa lợi ích mà các FTA mang lại và vượt qua những thách thức từ quá trình hội nhập, vấn đề quan trọng nhất là tính sẵn sàng của doanh nghiệp. Cùng quan điểm, Đoàn giám sát cho rằng, các doanh nghiệp trong nước phải tự thay đổi mình, trước hết là thay đổi trong tư duy kinh doanh sau đó là thay đổi cách làm việc theo hướng bài bản hơn, nhằm thích nghi với bối cảnh mới.

Đồng thời, bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, Nhà nước cũng cần tích cực đồng hành với doanh nghiệp, kịp thời lắng nghe ý kiến và phản hồi của các doanh nghiệp về các vấn đề chính sách, vướng mắc trong hội nhập kinh tế quốc tế cũng như trong quá trình đàm phán, thực thi các FTA... Vì suy đến cùng, như một câu ngạn ngữ phương Tây từng nói: “Cần hai người để nhảy điệu Tango”.

Nhật An