Bản quyền - rào cản trong hoạt động xuất bản

Bài cuối: Không thể kéo dài "phạt cho tồn tại"

- Thứ Năm, 09/07/2020, 05:52 - Chia sẻ
Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh tuyên truyền nâng cao ý thức về bản quyền của tác giả, cần sự vào cuộc đồng thời của các đơn vị làm sách, phát hành, cơ quan quản lý, thực thi luật pháp để có chế tài, phương cách xử lý thích đáng các tác nhân vi phạm, bảo vệ và phát triển ngành xuất bản lâu dài.

Mức phạt quá thấp so với lợi nhuận

Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, mức phạt hành chính với vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản quá thấp nên phạt xong đối tượng vi phạm lại làm tiếp. Do đó, Nhà nước cần tổ chức rà soát, bổ sung các quy định, chế tài xử lý hành vi vi phạm bản quyền sao cho đầy đủ, bao quát được thực tiễn, mức xử phạt phải nghiêm khắc, có tính răn đe cao để các đối tượng không dám vi phạm. Đặc biệt, nhiều ý kiến đề nghị cần đưa hành vi sản xuất, in, tàng trữ, tiêu thụ xuất bản phẩm giả là sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng giả để có mức xử phạt nghiêm khắc.

Cần có giải pháp để thị trường xuất bản phát triển lành mạnh

Hiện nay, khung hình phạt đối với hành vi này rất thấp. Cụ thể, Điều 344, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi Khoản 127, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2017) quy định Tội vi phạm quy định về hoạt động xuất bản có nêu cả khung hình phạt tù lẫn phạt hành chính khiến cho việc áp dụng và xử lý thường được chuyển sang phạt hành chính (từ 20 đến 200 triệu đồng). Ngoài ra, điều này mới chỉ chế tài đối với hành vi in lậu mà chưa quy định đối với hành vi phát hành sách in lậu, sách giả.

Tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, tại Điểm 7, Điều 24 ghi: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi in xuất bản phẩm không có quyết định xuất bản. Điểm 5, Điều 27: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp từ 300 bản trở lên. Trong khi lợi nhuận từ việc in và tiêu thụ xuất bản phẩm lậu là hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mỗi năm thì những khoản phạt này (tối đa 200 triệu đồng) là không đáng kể.

Trong khi đó, việc điều tra, xác minh nơi in lậu, nguồn phát tán nội dung sách lên internet còn hạn chế; việc phân định sách thật, sách giả khó khăn. Theo Phó Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam Lê Thành Anh, các cơ quan quản lý chức năng chưa phát huy hết hiệu quả trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời sai phạm; cơ chế phối hợp quản lý, xử lý chưa kịp thời, chặt chẽ, đồng bộ. Lực lượng thanh tra văn hóa - thông tin có biểu hiện nể nang, né tránh khi xử lý làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ (khả năng xử lý của máy móc, phần mềm, internet, thương mại điện tử…) cũng góp phần giúp sức cho các hoạt động chế bản, sao chép, in ấn, làm giả, tiêu thụ xuất bản phẩm giả dễ dàng hơn, với quy mô, tốc độ... hơn trước rất nhiều; góp phần làm các hoạt động vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên internet ngày càng tăng nhanh mà hiện nay chưa có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn.

Rà soát, bổ sung chế tài xử phạt

Trong điều kiện hoạt động xuất bản ngày càng phát triển, tình trạng xuất bản phẩm giả sẽ ngày càng phức tạp. Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra của các đơn vị, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiến nghị nhiều nội dung đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước và công tác phòng, chống in lậu, như tăng mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động in, đặc biệt in không có quyết định xuất bản, vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, in vượt quá số lượng; bổ sung một số hành vi để có chế tài xử lý nhằm ngăn chặn hành vi in lậu; tăng cường phối hợp giữa đoàn liên ngành phòng, chống in lậu trung ương, các cơ quan chức năng, đoàn liên ngành phòng, chống in lậu địa phương để có chương trình tổng thể nhằm phát hiện, phòng chống, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm

Trước tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan trên internet, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã khuyến cáo các nhà xuất bản, nhà sách rà soát kỹ lưỡng, xem xét những cuốn sách của mình bị xâm phạm bản quyền, trực tiếp làm đơn và cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng cứ để các mạng xã hội lớn có biện pháp bảo vệ. Các doanh nghiệp, chủ sở hữu, người bị xâm hại bản quyền, quyền lợi từ việc khai thác, bán sách trên fanpage, sàn giao dịch điện tử cần chủ động trực tiếp đấu tranh, bảo vệ bản quyền. Cùng với đó, Cục Xuất bản, In và Phát hành thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng rà soát các trang web vi phạm, thực hiện các giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn...

Luật sư Nguyễn Trọng Tú, Công ty Luật Rouse Legal Việt Nam góp ý: Kinh nghiệm rút ra qua thực tiễn đấu tranh chống sách giả là các chủ thể quyền phải cố gắng chủ động thu thập, điều tra thông tin về vụ việc vi phạm và đối tượng thực hiện hành vi vi phạm, chủ động phối hợp lựa chọn đúng cơ quan thực thi có thể giải quyết vụ việc, xử lý kiên quyết các đối tượng vi phạm với quy mô lớn để răn đe. Ngoài biện pháp hành chính, cố gắng sử dụng các biện pháp hình sự và dân sự...

Nếu có thể, Hội Xuất bản Việt Nam, các nhà xuất bản, tác giả, cùng thành lập Trung tâm Bảo vệ bản quyền sách, phát hiện vi phạm, bảo vệ tác quyền, tiến hành thủ tục khiếu nại đối với các đơn vị vi phạm. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về phòng, chống vi phạm bản quyền để nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến trong xã hội thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật, phản ánh những tác hại, hậu quả của việc sử dụng xuất bản phẩm không có bản quyền, lên án những hành vi vi phạm, kêu gọi các lực lượng xã hội cùng quan tâm, chia sẻ các giải pháp góp sức ngăn chặn, từng bước đẩy lùi vấn nạn này.

Bài và ảnh: Thảo Nguyên