Ngăn ngừa cháy nổ do sự cố điện: Đồng bộ quy định pháp luật về an toàn phòng cháy, chữa cháy

Bài cuối: Hoàn thiện hành lang pháp lý

- Thứ Ba, 14/07/2020, 08:40 - Chia sẻ
Dự báo, trong những năm tới, tình trạng mất an toàn trong sử dụng điện tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn là nguyên nhân chiếm tỷ lệ cháy cao, cùng với đó là nhu cầu sử dụng năng lượng, khí đốt, hóa chất sẽ tiếp tục tăng... Trong khi đó, một số loại hình cơ sở mới xuất hiện như nhà máy điện gió, điện mặt trời, nhà dân kết hợp để ở và sản xuất, kinh doanh xen cài trong khu dân cư, công trình tầng hầm, hầm đường bộ, hầm đường sắt... lại chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn phòng cháy, chữa cháy nói chung và an toàn phòng cháy, chữa cháy hệ thống điện nói riêng.

Thẩm duyệt, nghiệm thu gặp nhiều khó khăn

Công tác thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy là một trong những biện pháp nghiệp vụ cơ bản của lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy nhằm góp phần loại trừ, hạn chế những điều kiện và nguyên nhân gây ra cháy nổ, hoặc nếu có xảy ra cháy nổ cũng hạn chế được thiệt hại, tạo điều kiện thuận lợi và có hiệu quả cho thoát nạn, cứu nạn và tổ chức công tác chữa cháy. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc thực hiện công tác này gặp nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt liên quan đến các công trình điện, hệ thống điện.

Đề cập đến vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (C07), Bộ Công an, Thượng tá Hoàng Ngọc Huynh cho biết: Đặc điểm công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế và nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy là mang rất nhiều yếu tố khoa học kỹ thuật, quá trình thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy cần phải vận dụng nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn phòng cháy, chữa cháy, an toàn thiết bị điện. Tuy nhiên thực tế, hiện nay hệ thống tiêu chuẩn còn nhiều bất cập, chưa kịp thời sửa đổi bổ sung để phù hợp với tình hình phát triển xã hội.

Đơn cử, hiện chưa có quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy cho một số loại hình như chưa quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy cho một số hạng mục đặc thù như nhà tubin, lò hơi, tubin gió... trong công trình nhà máy điện; hay việc bố trí máy phát điện diesel trong nhà cao tầng. Bên cạnh đó, nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện đã được ban hành trong thời gian qua cũng đã thể hiện những bất cập nhất định, ví dụ như Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện của nhà ở và công trình công cộng, có nhiều thuật ngữ được sử dụng rất khó hiểu và chưa thống nhất với các tiêu chuẩn chuyên ngành về phòng cháy, chữa cháy nên cũng gây rất nhiều khó khăn trong quá trình thiết kế, cũng như thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy...

 Đó là chưa kể, một số quy định chưa rõ ràng nên còn vướng mắc khi thực hiện. Cụ thể như tại Khoản 2, Điều 54 Luật Điện lực quy định, phòng đặt trang thiết bị điện phải được bảo đảm an toàn về phòng, chống cháy, nổ nhưng chưa có quy định cụ thể biện pháp để bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Hay Điểm b, Khoản 5, Điều 54 Luật Điện lực quy định, hầm cáp phải có tường ngăn để tránh hỏa hoạn lan rộng nhưng chưa quy định tường ngăn phải đáp ứng yêu cầu nào…

Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy

Rà soát quy định pháp luật

Cần có các quy định, chế tài đủ mạnh để buộc các chủ đầu tư, tổ chức, doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng dự án, công trình phải nghiên cứu, nắm bắt rõ và vận dụng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong thiết kế, lựa chọn thiết bị, lắp đặt và nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng bảo đảm vận hành an toàn, tin cậy

Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an - Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh

Trước những lỗ hổng về quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy nói chung, an toàn hệ thống điện nói riêng, đại diện các bộ, ngành, địa phương cho rằng, thời gian tới, các cơ quan liên quan cần phối hợp rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để đồng bộ và phù hợp với tình hình hiện nay. Đại diện Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu tham mưu xây dựng, kiện toàn các chế tài đủ mạnh để răn đe và xử lý kiên quyết các hành vi sản xuất, buôn bán, nhập khẩu hàng hóa, thiết bị điện kém chất lượng. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chức năng của các Bộ Xây dựng, Khoa học - Công nghệ  xây dựng, ban hành Tiêu chuẩn quốc gia về an toàn cháy đối với nhà ở, xưởng sản xuất kinh doanh để quản lý đối tượng này.

Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng Phan Vũ Anh đề xuất, để nâng cao chất lượng trong công tác quản lý an toàn phòng cháy chữa cháy, các cơ quan liên quan cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy nói chung, văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện nói riêng. Điều này sẽ giúp cho công tác thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy; giám sát chất lượng, kiểm tra thử nghiệm hệ thống điện trước khi nghiệm thu được thuận lợi...

Ở góc nhìn từ thực tiễn qua các buổi kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy tại các hộ dân, cơ sở kinh doanh cùng lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho thấy, hiện nay các đơn vị thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc của ngôi nhà đa phần không có chứng chỉ, nghiệp vụ, kỹ thuật, không có sự kiểm tra, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Chính vì thế, thiết kế không bảo đảm an toàn, không có thiết bị bảo vệ, không tính toán phụ tải sử dụng, thi công lắp đặt thiết bị, đấu nối dây dẫn cẩu thả, không đúng kỹ thuật, không theo sơ đồ, gây mất an toàn trong sử dụng điện tại các hộ gia đình và hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh. Do vậy, nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp với các đối tượng nhà dân kết hợp sản xuất kinh doanh là điều cần thiết, ngành chức năng cần sớm triển khai, thực hiện. 

Bài và ảnh: Hải Thanh