Nâng cao hiệu quả giám sát các chương trình, dự án đầu tư công

Bài cuối: Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách có năng lực

- Thứ Năm, 13/02/2020, 10:06 - Chia sẻ
Thực tế hoạt động của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Long An cho thấy, để nâng cao chất lượng giám sát đầu tư công, trước hết, cần tập trung nâng cao năng lực cho các đại biểu HĐND trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản; tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách của các Ban có năng lực cao, kiến thức sâu về lĩnh vực được phân công.

Không ít tồn tại, hạn chế

Qua giám sát các chương trình, dự án đầu tư công, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Long An nhận thấy các ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ quản lý đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, về tư vấn lập dự án, thiết kế công trình: Chất lượng công trình không bảo đảm, phần lớn phụ thuộc vào việc khảo sát lập đề án, thiết kế công trình, nhiều công trình tính toán không đầy đủ các yếu tố theo quy định dẫn tới thiết kế chưa phù hợp, khi triển khai đầu tư phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần, làm kéo dài thời gian thực hiện. Những vấn đề đáng quan tâm là: Thiết kế thường vượt quá yêu cầu cần thiết; thiết kế khá phổ biến là không đúng tiêu chuẩn quy chuẩn, chỉ dựa trên kết quả khảo sát sơ sài; nhiều trường hợp do chủ đầu tư yêu cầu bổ sung, chưa khảo sát theo quy định. Thiết kế không đầy đủ nên phải bổ sung hạng mục, khi thi công phải điều chỉnh kéo dài thời gian, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư.


Một buổi khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Long An
Ảnh: Trường Xuân

Chủ đầu tư chưa thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư: Một số công trình được bố trí vốn từ đầu năm nhưng chậm triển khai do hồ sơ chuẩn bị đầu tư chưa được hoàn thiện, bị Trung ương cắt vốn. Thông thường, công trình khởi công mới hầu như đến quý II, thậm chí quý III của năm kế hoạch mới được triển khai, ảnh hưởng đến tiến độ. Mặt khác, công tác giải phóng mặt bằng triển khai chậm làm cho quá trình thi công kéo dài. Do nguồn vốn ít, địa phương phải tăng cường vận động đóng góp của Nhân dân cũng ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Công tác lựa chọn nhà thầu dưới hai hình thức là chỉ định thầu và đấu thầu theo ghi nhận của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh còn nhiều hạn chế; nhiều trường hợp năng lực chuyên môn, khả năng thi công chưa đáp ứng yêu cầu nên phải hợp đồng đơn vị khác để thực hiện. Khi đấu thầu, một số doanh nghiệp bỏ giá thấp (thậm chí thấp hơn giá sàn) nhưng biện pháp thực hiện lại không bảo đảm, làm kéo dài thời gian thi công, xin gia hạn nhiều lần, tìm cách phát sinh để bổ sung phần thiếu hụt, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình.

Bên cạnh đó, vai trò kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở của chủ đầu tư chưa thường xuyên, chưa kiên quyết xử lý vi phạm hợp đồng nên công trình thi công chưa đúng tiến độ. Công tác thanh, kiểm tra chưa được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ; đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra năng lực hạn chế, chưa chủ động phát hiện và xử lý các sai phạm. Thực tế, phần lớn những hạn chế trong xây dựng do cơ quan ngôn luận, người dân hoặc do công nhân xây dựng phát hiện tố giác. Biện pháp xử lý sau giám sát, thanh tra cũng chưa được kịp thời, chủ yếu là xử lý hành chính, chưa đủ sức răn đe đối với những sai phạm. Trong quản lý hợp đồng, một số chủ đầu tư thường giao phó toàn bộ việc quản lý chất lượng cho tư vấn giám sát, nhưng việc kiểm soát năng lực, hành vi của cán bộ giám sát chưa được chú trọng nên một số công trình chất lượng không được bảo đảm.

Công tác thanh, quyết toán công trình thường không kịp thời, nhiều công trình phát sinh khối lượng nhưng chậm xác nhận để làm thủ tục giải ngân. Đối với công trình nhóm B phải qua kiểm toán mới được quyết toán làm cho quá trình quyết toán kéo dài. Việc nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, đánh giá thực tế vận hành công trình, so sánh với mục tiêu của dự án Ban nhận thấy thường có khoảng cách. Công tác bảo trì công trình do thiếu vốn và chưa được quan tâm thực hiện theo quy định nên công trình mau xuống cấp, gây lãng phí đầu tư.

Giám sát, tiếp cận ngay từ đầu

Thực tế hoạt động cho thấy, để nâng cao chất lượng giám sát đầu tư công, trước hết, cần tập trung nâng cao năng lực cho các đại biểu HĐND trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản nhằm giúp cho đại biểu có kiến thức phân tích, tổng hợp các nguồn vốn, chương trình đầu tư; cung cấp đầy đủ, chuẩn xác tình hình đầu tư xây dựng cơ bản của địa phương hằng năm để đại biểu HĐND có thêm thông tin, làm cơ sở xem xét, giám sát và quyết định tại kỳ họp. Tiếp tục xây dựng đội ngũ đại biểu chuyên trách của các Ban có năng lực cao, kiến thức sâu về lĩnh vực được phân công; đồng thời, chú trọng bồi dưỡng chuyên môn và kỹ năng giám sát cho ủy viên các Ban.

Quá trình giám sát, thành viên của đoàn cần dành thời gian nhiều hơn, tích cực nghiên cứu để phát hiện, kiến nghị khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh công tác quản lý. Cần tìm hiểu sâu, kỹ tình hình thực hiện tại cơ sở; yêu cầu đối tượng giám sát cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết để có cơ sở rút ra những kết luận đúng và đề xuất kiến nghị hợp lý. Đoàn giám sát cần chủ động phối hợp với cơ quan tài chính, kế hoạch - đầu tư và các cơ quan liên quan giám sát ngay từ khâu xây dựng dự toán, phương án phân bổ ngân sách cho đầu tư công; tiếp cận ngay trong quá trình UBND tỉnh họp cho ý kiến bước đầu để dự thảo báo cáo thẩm tra. Đồng thời, có thể khảo sát thực tế một số dự án dự kiến đưa vào kế hoạch đầu tư công. Trước khi quyết định bổ sung các dự án vào Kế hoạch đầu tư công, cần nắm bắt kỹ thông tin các công trình, dự án do UBND tỉnh đề xuất; khảo sát thực địa, yêu cầu cơ quan chuyên môn giải trình thêm, trên cơ sở đó, tham mưu HĐND quyết định.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác phối hợp giữa HĐND với cơ quan Kiểm toán Nhà nước để thu thập các thông tin sau kết quả kiểm toán; đồng thời, giám sát việc thực hiện các kiến nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Sau giám sát, cần theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị để đánh giá đúng kết quả, hiệu lực giám sát, tổ chức tái giám sát nếu thấy cần thiết.

KIỀU BẢO