Chương trình Sữa học đường: Làm gì để thực sự hiệu quả?

Bài cuối: Ưu tiên vùng khó khăn

- Thứ Năm, 08/11/2018, 08:30 - Chia sẻ
Là người viết bản dự thảo đầu tiên xây dựng Đề án Sữa học đường, bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bày tỏ sự thất vọng khi Chương trình Sữa học đường đang được triển khai ở đâu đó “không giống như mục đích ban đầu”. Theo ông, nếu vẫn tiếp tục triển khai chương trình thì chỉ nên thực hiện ở vùng nghèo, khó khăn và bảo đảm trẻ em phải được uống sữa tươi miễn phí.
>> Bài 1: Ai thực sự hưởng lợi?

>> Bài 2: Bổ sung vi chất có cần thiết?

>> Bài 3: Sữa nào phù hợp?

Có đầy đủ cơ sở khoa học

- Là người trực tiếp viết bản dự thảo đầu tiên xây dựng Đề án Sữa học đường, ông có thể nói rõ lý do để xây dựng Đề án?

- Tháng 10.2009, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong đó cần quan tâm đến cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giao Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em xây dựng Đề án Sữa học đường trình Thủ tướng. Đề án dựa trên nhiều cơ sở thực tiễn.

Thứ nhất, năm 2009, Việt Nam vẫn trong danh sách 16 quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi cao nhất thế giới. Sự chênh lệch tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giữa các vùng miền còn lớn. Trong khi tại Hà Nội, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng là 8,2%, TP Hồ Chí Minh dưới 5% thì những vùng nghèo như Đắk Nông là 30,6%, Lai Châu 28,5%, Sơn La 30,9%... Do vậy mục tiêu của Đề án trong giai đoạn 5 năm đầu là tập trung vào trẻ em thuộc 62 huyện nghèo nhất nước theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.

Thứ hai, qua theo dõi trong 15 năm đối với thanh niên Việt Nam từ 18 - 19 tuổi (1980 - 1995) cho kết quả về chiều cao trung bình thấp hơn mức trung bình của thế giới là 6,5cm, mặc dù chúng ta có rất nhiều can thiệp về dinh dưỡng như Chương trình viện trợ lương thực khẩn cấp PAM 2651 và PAM 3844 của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho Việt Nam, chương trình phòng chống suy dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em... Năm 2008, chiều cao nam thanh niên chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn 13,1cm so với chuẩn; đối với nữ thanh niên là 153cm, thấp hơn 10,7cm so với chuẩn.

Thứ ba, thời điểm xây dựng Đề án, tỷ lệ trẻ bỏ học ở vùng khó khăn, miền núi vẫn còn cao. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 3 năm học từ 2003 - 2006, bình quân hàng năm cả nước có hơn 850.000 học sinh tiểu học và trung học bỏ học, chiếm hơn 5% tổng số học sinh phổ thông. Nếu mỗi ngày các em được hộp sữa sẽ không chỉ hỗ trợ thêm về dinh dưỡng mà giống như “cái mồi” thu hút trẻ đến lớp đầy đủ hơn.

Trên thế giới khi đó đã có khoảng 60 nước triển khai chương trình. Tôi đã trực tiếp sang Thái Lan tìm hiểu và mời chuyên gia sang trao đổi kinh nghiệm trong quá trình viết Đề án. Chúng tôi cũng thử nghiệm chương trình tại Đắk Nông và Bà Rịa - Vũng Tàu. Kết quả ở Đắk Nông khó khăn hơn thì giá trị chương trình cao hơn: Học sinh đến trường đầy đủ hơn, tình trạng dinh dưỡng và cân nặng được cải thiện rõ rệt so với đầu kỳ học…

Do vậy, Đề án ban đầu có tên “Đề án Sữa học đường hỗ trợ nâng cao thể trạng cho trẻ em vùng nghèo và vùng khó khăn giai đoạn 2011 - 2020”.

- Sau đó, việc xây dựng chương trình Sữa học đường được triển khai thế nào?

- Sau gần 3 năm, trải qua nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến, đến bản dự thảo lần thứ 12 của chương trình Sữa học đường, theo Quyết định số 641/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030, toàn bộ đề cương dự thảo chương trình được chuyển sang Bộ Y tế. Sau đó, tôi nghỉ hưu theo chế độ và không được tham gia nữa.

- Vậy Chương trình Sữa học đường theo Quyết định 1340/QĐ-TTg có kế thừa đề cương dự thảo chương trình mà ông viết?

- Tôi rất buồn là không, thậm chí ở một số tỉnh có dấu hiệu đánh tráo khái niệm khi trở thành chương trình quảng cáo cho hãng sữa. Chương trình này ban đầu được xây dựng tập trung vào trẻ em mẫu giáo, tiểu học vùng nghèo, vùng khó khăn theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, trong khi chương trình theo quyết định mới lại làm đại trà. Thêm nữa, học tập kinh nghiệm của nhiều nước, chương trình ban đầu không được gắn nhãn quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp mà chỉ có 1 nhãn chung là chương trình Sữa học đường hoặc chương trình Dinh dưỡng học đường, khác với cách làm hiện nay.

- Nhưng đâu phải ở thành phố, thị xã không có trẻ em nghèo, cần được uống sữa miễn phí?

- Đúng vậy. Nhưng trong bối cảnh ngân sách có hạn, việc lựa chọn ưu tiên cho vùng nghèo, vùng khó khăn trẻ em được uống sữa miễn phí là giải pháp tối ưu, vừa mang hiệu quả rõ rệt lại mang tính nhân văn đúng như tên gọi của chương trình.


Chỉ nên thực hiện chương trình Sữa học đường tại vùng nghèo, khó khăn

Trẻ cần được uống sữa miễn phí hoàn toàn

- Ở nhiều địa phương, số tiền chi cho chương trình lên tới cả nghìn tỷ đồng. Ông nghĩ sao về điều này?

­- Dinh dưỡng cho trẻ không phải chỉ có sữa. Do vậy, việc nhiều địa phương dành số tiền ngân sách lên tới cả nghìn tỷ đồng cho chương trình này là lãng phí, dễ khiến người ta hồ nghi về tính minh bạch, hiệu quả của nó.

-Vậy theo ông, chương trình Sữa học đường nên triển khai như thế nào?

- Chương trình này nếu vẫn triển khai thì chỉ nên áp dụng ở vùng nghèo, vùng khó khăn và độ tuổi của trẻ phải từ mẫu giáo trở lên (trên 36 tháng). Ngay ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh đâu phải không có xã nghèo, huyện nghèo! Khi đó, trẻ em cần được uống sữa miễn phí.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ của ngành y tế trong việc giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, từ khâu sản xuất đến vận chuyển, bảo quản cho tới miệng trẻ uống. Đồng thời, phải huy động doanh nghiệp sữa hỗ trợ miễn phí chứ không có chuyện đấu thầu như hiện nay. Phải có quy chế để buộc các doanh nghiệp này tuân thủ đúng các yêu cầu về nghiêm cấm gắn logo quảng cáo và bảo đảm an toàn thực phẩm.

Song, cái cốt lõi không phải là sữa mà cần vận động cho mọi người dân hiểu được tầm quan trọng của việc chăm sóc để trẻ phát triển toàn diện, ưu tiên tập trung trong 3 năm đầu đời. Do vậy, Nhà nước cần quan tâm đầu tư đúng mức cho các chương trình chăm sóc sức khỏe, dự phòng bệnh tật, giáo dục sớm và các dịch vụ  xã hội khác để trẻ được phát triển toàn diện.

-Mới đây, Bộ Y tế đề xuất bổ sung “sữa dạng lỏng” vào chương trình vì cho rằng vẫn đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. Ông nghĩ sao?

-Tôi không đồng tình. Nên dùng sữa tươi tiệt trùng mới bảo đảm an toàn thực phẩm và trong sữa tươi đã hoàn thiện về dinh dưỡng. Nếu dùng sữa dạng lỏng tức pha từ sữa bột thì chắc chắn vi chất sẽ bị hao hụt, dù có bổ sung cũng không thể như sữa tươi. Chưa kể liệu có kiểm soát được việc người ta pha trộn thứ gì vào trong sữa bột không!

- Xin cảm ơn ông!

Vũ Thủy thực hiện