Giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Nghệ An

Bài cuối: Trao đổi, cân nhắc kỹ trước khi đưa vào nghị quyết

- Thứ Tư, 13/03/2019, 07:43 - Chia sẻ
Theo Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An: Một nội dung quan trọng trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết và báo cáo kết quả giám sát chuyên đề là sự trao đổi giữa đoàn giám sát với UBND tỉnh và các cơ quan liên quan, nhất là những vấn đề nhạy cảm, phức tạp phải được thảo luận, cân nhắc kỹ trước khi đưa vào nghị quyết.

>> Bài 1: Đề cương, biểu mẫu riêng cho mỗi cơ quan đặc thù

Yêu cầu giải trình làm rõ

 Nhờ thực hiện tốt công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện nên những kiến nghị sau giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Nghệ An đã được UBND tỉnh và các ngành, các cấp tiếp thu, trả lời, tổ chức thực hiện kịp thời, quyết liệt và có những chuyển biến rõ rệt. Đơn cử như, sau giám sát chuyên đề quản lý, sử dụng các dự án đất đô thị, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phân công nhiệm vụ chỉ đạo và theo dõi các dự án thu hút đầu tư; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh công tác chấp thuận chủ trương đầu tư; thành lập Đoàn công tác liên ngành kiểm tra 19 dự án khu nhà ở, khu đô thị chậm tiến độ trong năm 2018; thanh tra toàn diện việc chấp hành pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, quản lý, sử dụng chung cư và nhà cao tầng trên địa bàn với 79 dự án chung cư, 115 nhà cao tầng…

Trước khi tổ chức triển khai cuộc giám sát, việc cần thiết là tổ chức họp đoàn giám sát để thông báo kế hoạch, đồng thời giao nhiệm cụ thể cho mỗi thành viên đoàn (nhất là các đại biểu chuyên trách) nghiên cứu sâu những nội dung cần trao đổi tại các phiên làm việc với cơ quan, đơn vị, bảo đảm không trùng lặp ý kiến và làm rõ thêm được nhiều vấn đề; thành lập các tổ, nhóm để khảo sát, nắm bắt kỹ lưỡng trước một số nội dung phục vụ hoạt động giám sát.

Theo Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An: Cách thức tổ chức làm việc đối với các cơ quan, đơn vị giám sát trong mỗi nội dung giám sát cũng có sự khác nhau. Tại phiên làm việc, đoàn giám sát tập trung yêu cầu đối tượng được giám sát giải trình, làm rõ những vấn đề thành viên đoàn trao đổi qua khảo sát, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu mà không trình bày báo cáo cụ thể. Điều quan trọng là cần tạo ra không khí cởi mở để đối tượng được giám sát nắm bắt và trả lời đầy đủ, thẳng thắn các vấn đề đoàn giám sát quan tâm; đồng thời trao đổi, chia sẻ những vướng mắc, bất cập do khách quan, chủ quan để tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề sau giám sát. Kết luận của Trưởng đoàn trong mỗi phiên làm việc tại các cơ quan, đơn vị giám sát cần cụ thể, đúng đối tượng, rõ vấn đề để thuận lợi cho việc tiếp thu, thực hiện.


Đại diện UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh để chỉ đạo khắc phục những bất cập, tồn tại về quản lý các dự án đô thị trên địa bàn 
Ảnh: Mai Hoa

Sau khi làm việc với các cơ quan, đơn vị, các ngành, các cấp, đoàn giám sát tổ chức làm việc với UBND tỉnh. Đây là phiên làm việc rất quan trọng, trước khi tiến hành phiên làm việc này, Thường trực HDND tỉnh chỉ đạo Tổ Thư ký tổng hợp, xem xét những vấn đề nổi lên qua thực tiễn giám sát trực tiếp và qua nghiên cứu báo cáo của các cơ quan, đơn vị được giám sát gián tiếp (có đối chiếu với quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo điều hành, hướng dẫn). Trên cơ sở đó, tổ chức họp đoàn giám sát để phân tích, lựa chọn những nội dung trọng tâm nhất, những kiến nghị cơ bản nhất để trao đổi và yêu cầu UBND tỉnh giải trình làm rõ (tại cuộc làm việc này, hầu hết các sở, ban, ngành và UBND các cấp, các đơn vị liên quan đều được UBND tỉnh mời tham dự để giải trình các nội dung liên quan). Thực tiễn ở Nghệ An cho thấy, cách làm như vậy là khoa học và hiệu quả.

Kiến nghị đúng trọng tâm

Khác với các báo cáo giám sát chuyên đề của Thường trực, các Ban HĐND chỉ gửi đến các đối tượng được chịu sự giám sát và các cơ quan liên quan, báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh được gửi đến các đại biểu HĐND tỉnh và trình kỳ họp HĐND tỉnh; đồng thời, làm cơ sở để HĐND tỉnh xem xét, thảo luận và thông qua nghị quyết về nội dung giám sát. Do đó, việc xây dựng báo cáo cần được chỉ đạo thực hiện khách quan, chính xác và chất lượng.

Yêu cầu thực tiễn đặt ra là Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề phải đánh giá đầy đủ, toàn diện và sâu sắc về nội dung giám sát, được tổng hợp qua giám sát thực tế và giám sát qua báo cáo; các số liệu, nhận định cần tinh gọn nhưng chính xác, “nói có sách, mách có chứng”. Cần đánh giá đúng nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, hạn chế, làm cơ sở cho việc kiến nghị đúng trọng tâm, “đúng người, đúng việc”, làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và giao rõ lộ trình, thời hạn thực hiện cụ thể, đưa ra những giải pháp tích cực, khả thi trước mắt và lâu dài.

Nghị quyết về giám sát chuyên đề được xây dựng trên cơ sở báo cáo kết quả giám sát, được sự góp ý đầy đủ, trách nhiệm của thành viên đoàn giám sát và có sự tham vấn ý kiến các chuyên gia trong các lĩnh vực thông qua các cuộc họp thảo luận, hoặc xin ý kiến bằng văn bản. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường nhấn mạnh: Một điều quan trọng nữa trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết và báo cáo kết quả giám sát là sự trao đổi, phối hợp giữa đoàn giám sát với UBND tỉnh và các cơ quan liên quan, nhất là những vấn đề nhạy cảm, phức tạp phải được thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa vào nghị quyết. Điều này thể hiện sự “cộng tác” giữa cơ quan “quyền lực nhà nước” với cơ quan “chấp hành của HĐND” - 2 bộ phận cấu thành nên chính quyền địa phương, để cùng thực hiện một mục đích chung là xây dựng chính quyền địa phương vững mạnh, tạo sự đồng thuận trong cử tri và nhân dân, bảo đảm ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh chung.

Sau khi các nghị quyết giám sát chuyên đề được HĐND tỉnh thông qua và ký ban hành, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An đều phân công các Ban HĐND tỉnh đôn đốc, theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện theo lĩnh vực. Trong năm 2018, khi tổ chức Hội nghị đánh giá Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND tỉnh với UBND tỉnh, các bên cũng đã thống nhất giao UBND tỉnh hàng quý phải báo cáo việc triển khai thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh, việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh. Tại kỳ họp HĐND tỉnh giữa năm và cuối năm, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh để HĐND tỉnh giám sát (riêng báo cáo kết quả triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh được báo cáo tại kỳ họp cuối năm).

PHƯƠNG BÌNH