Nghệ thuật kể chuyện đương đại

Bài cuối: Thổi hồn vào “mảng tối”

- Thứ Tư, 18/03/2020, 11:09 - Chia sẻ
Thành quả của dự án cải tạo bờ vở (bờ bên lở) sông Hồng là điểm tập kết rác nhếch nhác nhiều người ngại đến không chỉ trở thành không gian nghệ thuật, mà còn là nơi cộng đồng địa phương cùng nhau trân trọng như một di sản văn hóa đương đại. Theo giám tuyển dự án, nghệ sĩ NGUYỄN THẾ SƠN, con đường nghệ thuật Phúc Tân có thể là một gợi ý, một cảm hứng thổi hồn vào những “mảng tối” của Hà Nội.

>> Bài 2: Thức tỉnh không gian sống

>> Bài 1: Từ rêu phong tường cũ

Thưởng thức, chăm nom và bảo vệ

- Nghệ thuật chẳng phải là hiện thân của cái đẹp. Điều gì khiến nhóm nghệ sĩ các anh lựa chọn làm tác phẩm trên con đường vốn nhếch nhác và quanh năm ngập rác?

- Nếu phải gọi ra một thông điệp, tôi sẽ nói rằng: “Nghệ thuật đương đại vốn gần gũi hơn nhiều người vẫn nghĩ”. Chúng tôi muốn Phúc Tân - khu vực sân sau bị bỏ quên của Hà thành cất lên điều đó. Chỗ ấy thật chẳng khác bãi rác tự phát, bù lại, nó có địa thế cực kỳ đẹp. Lần đầu ra đấy, tôi phải có người dẫn đường, vì đó là ngõ cụt chẳng mấy ai để ý, tôi giật mình nhìn thấy sông Hồng và cầu Long Biên, thấy rõ người đi bộ qua cầu, phía dưới là bãi đất ven sông rộng lớn, giàu tiềm năng cảnh quan. Sẽ thật “đau đầu”, nhưng tôi quyết định đi tìm lời giải cho “bài toán” dùng nghệ thuật để cải tạo bờ vở sông Hồng.


Trẻ em chơi đùa bên tác phẩm của họa sĩ Australia George Burchett

- Cái khó của “bài toán” này còn là phải giữ nguyên bức tường hành lang bờ vở và làm sao nghệ thuật được chấp nhận, trân trọng bởi cộng đồng cư dân. Không biết các anh đã làm như thế nào?

- Chức năng chống tái lấn chiếm của bức tường không thể thay đổi, nhưng nghệ sĩ cũng khó mà vẽ trực tiếp lên được, vì nó cũ, ải và rất bẩn. Giải pháp là làm hệ thống khung sắt chôn dưới đất, men sát bức tường để đưa tác phẩm vươn khỏi đó. 16 nghệ sĩ tham gia dự án đều là những người thực hành nghệ thuật đương đại, quan tâm tới yếu tố môi trường và lịch sử, đặc biệt là người có độ “lì” cao, bởi dự án có thể chịu rủi ro từ các yếu tố bên ngoài. Được thiết kế để tồn tại trong 3 - 5 năm nhờ vật liệu bền vững như nhựa, xi măng... tuy nhiên, tuổi thọ các tác phẩm có thể kéo dài tới 10 năm, nếu được chăm chút và gìn giữ.

Con đường nghệ thuật Phúc Tân là thành quả của nửa năm khảo sát, tính toán phương án, xin tài trợ và thuyết phục người dân địa phương. Ngay từ đầu chúng tôi đã nhấn mạnh, người dân là người thưởng thức, chăm nom và bảo vệ các tác phẩm. Nghệ sĩ tạo ra câu chuyện gắn với ký ức của cộng đồng cư dân ở đây, phân vai từng người kể chuyện, sao cho những người không hiểu về nghệ thuật cũng có thể hiểu được nội dung tác phẩm. Chúng tôi sử dụng rác mà chính người dân ở đó gom lại đưa cho nghệ sĩ, khiến họ cảm thấy như được tham gia làm tác phẩm… Có thể nói, quá trình thực hiện con đường nghệ thuật cũng là quá trình nghệ sĩ va chạm, trao đổi và cùng người dân tạo nên sự đồng thuận.

Chất xúc tác nghệ thuật

- Nếu ví mỗi tác phẩm trong dự án là một chất xúc tác nghệ thuật góp phần thay đổi cuộc sống của người dân, thì theo anh, sự thay đổi quan trọng nhất ở đây là gì?

- Phải khẳng định, đã có sự thay đổi lớn ở con đường bờ vở sông Hồng - Phúc Tân. Trước hết, nó đã hóa giải bức xúc giữa người dân với chính quyền địa phương bao nhiêu năm nay, bằng việc tất cả chung chí hướng, chung tay cải tạo cảnh quan. Những điều đấy không phải nghệ sĩ “vẽ” ra, mà nghệ thuật đã thổi nguồn cảm hứng để người dân nhận thức về sự đồng thuận và chung tay đem đến không gian sống tốt đẹp hơn. Tôi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực, rằng cái hay của dự án là nghệ sĩ đã tương tác, biết nương theo địa hình và đời sống cư dân, chứ không áp đặt ý tưởng từ trên xuống. Chúng ta đã nghe quá nhiều câu chuyện áp đặt như thế, ví dụ gần đây, tháp nghệ thuật ở bờ hồ Hoàn Kiếm bị người dân phóng uế, thậm chí phải treo biển giải thích đấy là tác phẩm nghệ thuật. Đấy là nghệ thuật thất bại, do cách tiếp cận không khôn ngoan.

- Bên cạnh đưa ra cách tiếp cận nghệ thuật với cộng đồng, dự án nghệ thuật bờ vở sông Hồng - Phúc Tân đã góp phần cho thấy sự chuyển mình của nghệ thuật đương đại - vốn chưa thực sự phổ biến với công chúng Việt Nam. Anh nói gì về ý kiến này?

- Nghệ thuật đương đại là câu chuyện chưa dừng lại, nó luôn mở rộng quan niệm thế nào là nghệ thuật, nghệ thuật để làm gì, nghệ thuật cho ai, cứ phải có tiền, mua vé vào bảo tàng mới có quyền tiếp cận nghệ thuật?... Đối với dự án này, tôi không dám nói đến sự chuyển mình, nhưng tôi cho rằng nó tạo cơ hội cho nghệ sĩ có điều kiện thử thách thực hành của mình, và là cơ hội để đánh giá lại vị trí của nghệ thuật với cộng đồng, vị trí của nghệ sĩ với người hưởng thụ nghệ thuật.

“Nương vào ngữ cảnh, nương vào cộng đồng”

- Nói vậy, anh đánh giá vị trí của nghệ thuật với cộng đồng, vị trí của nghệ sĩ với người hưởng thụ nghệ thuật như thế nào?

- Tôi cho rằng đấy là một mối quan hệ bình đẳng, không có cao - thấp, trên - dưới… và cộng hưởng để tạo nên tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa. Đối với dự án này, nếu chỉ khai thác ở khía cạnh xã hội, từ rác tiến lên thành nghệ thuật là chưa đủ, câu chuyện sâu xa còn nằm ở mối quan hệ cộng hưởng mà tôi vừa nói. Nhưng nhìn lại ở ta, nghệ thuật công cộng còn là một vấn đề. Ở đây, tôi muốn gắn riêng câu chuyện với những dòng sông, những “mảng tối” của Hà Nội, có bao nhiêu dòng sông bị bỏ sót: Kim Ngưu, Tô Lịch, sông Hồng… Chúng ta không có tư duy bám vào những tài sản ấy để đem đến giá trị văn hóa nghệ thuật.

- Như anh nói, không gian nghệ thuật bờ vở sông Hồng - Phúc Tân có thể là một gợi ý, một sự thổi hồn vào những “mảng tối” của Hà Nội…?

- Tất nhiên… là bằng cách làm những tác phẩm nương vào cảnh quan, nương vào ngữ cảnh và nương vào cộng đồng! Cho nên, dự án nghệ thuật lần này chỉ phức tạp và khó nhất ở giai đoạn đầu, tức là đi tìm sự đồng thuận và cộng hưởng. Sau khi người dân cảm nhận được thì mọi chuyện khá đơn giản, thậm chí chính họ chủ động đề xuất, đóng góp công sức, vật liệu và hối thúc nghệ sĩ. Bây giờ thì đó không còn câu chuyện về ngõ cụt nhếch nhác nữa, mà là những bàn thảo, dự tính cho tương lai, từ quét dọn, thu gom rác, đến xây nhà vệ sinh, làm đường, chiếu sáng cho không gian mỗi tối; dài hơi hơn là đầu tư, kêu gọi xã hội hóa để trồng hoa dưới bãi ven sông, biến khu vực này thành công viên sinh thái - nghệ thuật.

Mặt sau thành phố có khả năng biến thành mặt trước, thành chỗ con người có thể tự hào về nó, thay vì như trước đây, nghe thấy người ta đã sợ không bao giờ muốn bén mảng tới. Đó phải chăng chính là tiềm năng, một gợi ý thổi hồn vào những vùng đang bị bỏ sót của Hà Nội?

- Xin cám ơn anh!

Lê Thư thực hiện