Nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND cấp tỉnh

Bài cuối: Phát huy vai trò “nòng cốt”

- Thứ Năm, 21/05/2020, 08:46 - Chia sẻ
Để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đòi hỏi phải có một bộ máy hoàn chỉnh với những thành viên thực sự có tâm, đủ tầm đảm đương được nhiệm vụ. Theo đó, việc lựa chọn ứng cử viên đại biểu phải kết hợp hài hòa, quan tâm hơn đến tiêu chuẩn đại biểu. Tăng số lượng đại biểu chuyên trách để phát huy vai trò nòng cốt trong hoạt động của HĐND; tăng tỷ lệ đại biểu tái cử để tận dụng kinh nghiệm hoạt động; quan tâm cung cấp thông tin, có cơ chế tài chính và điều kiện vật chất cần thiết bảo đảm cho hoạt động.

Thiếu đại biểu am hiểu chuyên môn sâu

Trên thực tế, tỷ lệ đại biểu HĐND tỉnh Ninh Bình hoạt động kiêm nhiệm vẫn còn cao nên chưa dành nhiều thời gian cho các hoạt động của cơ quan dân cử. Một số đại biểu giữ cương vị lãnh đạo trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, do vậy khi thực thi trách nhiệm của đại biểu đôi lúc không tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Một số đại biểu tuy nắm bắt vấn đề, có thông tin song tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm, chưa thể hiện quan điểm, chính kiến trong hoạt động... Một số đại biểu theo cơ cấu ít có điều kiện để tiếp cận, cập nhật, xử lý thông tin nên chưa thực sự chủ động thực hiện nhiệm vụ, thiếu bản lĩnh, năng lực để tham gia ý kiến vào việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương… do vậy, tiếng nói trên diễn đàn HĐND rất mờ nhạt.

Thực tế đặt ra yêu cầu cần có quy định cụ thể, chi tiết hơn về tiêu chuẩn, điều kiện người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Quy định thành phần, cơ cấu đại biểu hợp lý, tránh gò bó; tăng tỷ lệ đại biểu tái cử nhiệm kỳ mới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn quy định cụ thể về việc bãi nhiệm đại biểu HĐND tại Khoản 4 Điều 102 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; các điều kiện bảo đảm, chế độ chi tiêu tài chính đối với hoạt động của đại biểu HĐND các cấp. Cần sớm sửa đổi Nghị định số 48/2016/NĐ-CP của Chính phủ cho phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, khi xem xét tinh giản biên chế không nên tính đến tinh giản chỉ ở HĐND.

Những tồn tại, hạn chế trên, trước hết có nguyên nhân từ tiêu chuẩn của người đại biểu HĐND được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 rất khái quát. Trong công tác hiệp thương, giới thiệu đại biểu ứng cử, vẫn còn chú trọng nhiều đến cơ cấu đại biểu; trong cơ cấu đại biểu chưa hợp lý ở một số ngành, lĩnh vực và đại diện cho tầng lớp xã hội nên khi xem xét ở một số ngành, lĩnh vực thiếu đại biểu am hiểu, có chuyên môn sâu. Trong khi đó, lĩnh vực hoạt động của đại biểu HĐND lại rất rộng, đòi hỏi cả kiến thức tổng quát và những kỹ năng, kinh nghiệm chuyên sâu, thực tiễn hoạt động, tuy nhiên đại biểu chỉ được đào tạo theo từng chuyên môn cụ thể. Đặc biệt, quy định số lượng đại biểu chuyên trách chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số đại biểu HĐND tỉnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của HĐND tỉnh.

Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ đối với đại biểu HĐND chưa hợp lý, các điều kiện bảo đảm hoạt động như hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Quy định cơ cấu tổ chức và biên chế của Văn phòng HĐND tỉnh theo Nghị định số 48/2016/NĐ-CP của Chính phủ cũng còn bất cập, chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao. Pháp luật cũng chưa có quy định về cơ chế trách nhiệm của đại biểu và chế độ sinh hoạt định kỳ để đánh giá hoạt động của đại biểu. Do vậy, những đại biểu HĐND hoạt động tích cực, tâm huyết chưa được động viên, khuyến khích kịp thời; đại biểu HĐND hoạt động hình thức, không hiệu quả cũng không phải chịu trách nhiệm, không xem xét để có hướng khắc phục. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã có quy định đại biểu HĐND chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước HĐND về việc thực hiện nhiệm vụ tại Khoản 2, Điều 6 và việc bãi nhiệm đại biểu HĐND tại Khoản 4 Điều 102 song chưa có hướng dẫn thực hiện cụ thể các nội dung này.

Cùng với các yếu tố trên, nguyên nhân chủ quan do công tác quy hoạch cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn tham gia ứng cử đại biểu và đạo tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ trong hoạt động của đại biểu chưa được chú trọng, quan tâm đúng mức.


HĐND tỉnh Ninh Bình giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2019 tại UBND huyện Yên Mô   
Ảnh:  Thùy Dương

Tăng tỷ lệ đại biểu tái cử để tận dụng kinh nghiệm hoạt động

Để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, có đủ uy tín và năng lực quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương, trước hết đòi hỏi phải có một bộ máy hoàn chỉnh với những thành viên phải thực sự có tâm, đủ tầm đảm đương được nhiệm vụ. Vì vậy, cần đổi mới công tác hiệp thương, giới thiệu đại biểu. Việc lựa chọn ứng cử viên đại biểu phải kết hợp hài hòa giữa tiêu chuẩn và cơ cấu đại biểu, không nên nặng về cơ cấu mà nên coi trọng phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu, am hiểu một số lĩnh vực nhất định và nhất là phải là người có bản lĩnh. Về cơ cấu đại biểu, phải bảo đảm nâng cao tính chuyên môn hóa, phù hợp với cơ cấu xã hội và chuyên môn, nên tăng số lượng đại biểu công tác trong các cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức xã hội; giảm số lượng đại biểu trong các cơ quan hành chính nhà nước; tăng tỷ lệ đại biểu tái cử để tận dụng kinh nghiệm hoạt động.

Đặc biệt, cần tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách để phát huy vai trò nòng cốt trong hoạt động của HĐND. Bố trí mỗi Ban HĐND tỉnh có thêm một ủy viên chuyên trách có trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực tương ứng để hoạt động. Cùng với đó, cần quan tâm đến công tác đào tạo, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động, tăng cường học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cho đại biểu. Nâng cao năng lực bộ máy tham mưu, giúp việc cho HĐND; tăng cường cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, có cơ chế tài chính và điều kiện vật chất cần thiết bảo đảm cho hoạt động của đại biểu HĐND và đội ngũ tham mưu, giúp việc HĐND.

THÙY DƯƠNG